- Thời gian qua, khi cả nước căng mình chống dịch Covid-19, dư luận lại ồn ào với những câu chuyện bê bối hậu trường của một số diễn viên nổi tiếng xuất phát từ mạng xã hội. Thông tin, bình luận từ một số kênh cá nhân thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi và bình luận trực tiếp. Hiện tượng truyền thông này, một lần nữa, đặt ra câu hỏi: Vai trò định hướng dư luận của báo chí ở đâu trước những sự kiện như thế?
Tranh biếm họa về chuyện “ném đá” trên mạng xã hội của họa sĩ DAD. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Một doanh nhân giàu có ở Bình Dương lên mạng tố cáo “những trò lừa đảo” của một “thần y” và tổ chức họp báo, sau đó livestream trên mạng và mời các “hot youtuber” tham dự để hỗ trợ lan truyền thông tin. Công bằng mà nói, chuyện “tố cáo thần y” ban đầu rất được quan tâm vì nhân vật ấy có hoạt động tưng bừng kéo dài hàng chục năm qua, kết thân với nhiều đại gia, nghệ sĩ nổi tiếng, cán bộ các cấp.
Báo chí cũng viết về tài năng chữa bệnh của ông ta. Và “thần y” không chỉ chữa bệnh trong nước, còn tổ chức khám chữa bệnh ở nhiều nơi trên thế giới v.v.. Sự thật về “thần y” và ông ta đã “lừa đảo” như thế nào là những điều mà công chúng truyền thông rất quan tâm nhưng câu trả lời còn bỏ ngỏ.
Trong bối cảnh thông tin ấy, những kênh livestream của nữ doanh nhân nọ thu hút số đông cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi nội dung không chỉ nói về việc ông “thần y” lừa đảo mà còn liên quan đến chuyện “bóc phốt” những nhân vật đình đám trong giới showbiz.
Tâm lý đám đông luôn có nhiều trạng thái tiêu cực. Ảnh: TL
Thời nào cũng vậy, thông tin liên quan đến người nổi tiếng luôn thu hút sự hiếu kỳ của số đông. Nhưng trước đây, công chúng tham gia bàn luận ở các không gian nhỏ hơn như vỉa hè, quán nhậu, gia đình. Giờ đây, mạng xã hội tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả thành viên, ai cũng sở hữu kênh truyền thông và cũng có thể tham gia bình luận, thể hiện thái độ một cách công khai trong một không gian công cộng rộng lớn. Chính đám đông trên mạng này góp phần tạo nên dư luận xã hội. Bên cạnh một số mặt tích cực, “đám đông” ấy cũng tạo ra nhiều hệ lụy đáng quan ngại. Các thành viên trên mạng xã hội thể hiện sự yêu - ghét, đồng tình - phản đối, ủng hộ - không ủng hộ v.v.. theo quan điểm, trình độ nhận thức cá nhân nhưng đa phần trong số họ thường bị ảnh hưởng bởi một số nhân vật nhất định, và hành xử theo tâm lý đám đông.
Cũng trong vài năm gần đây, hình thức trang (page), hoặc nhóm (group) trên mạng được lập ra nhằm công kích một người - thường là người nổi tiếng - được gọi chung là các trang “anti fan” xuất hiện tràn lan. “Anti fan” không còn dừng lại ở chuyện yêu ghét, đóng góp, phê bình…, mà có lúc quá đà, thậm chí, có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật.
Chung quanh câu chuyện “bóc phốt” nghệ sĩ, đám đông trên mạng cũng hình thành nhiều phe, lôi kéo nhiều người nổi tiếng khác như nhà văn, nhà báo, chuyên gia vào cuộc, tham gia tranh luận. Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội dù không dùng nick ảo vẫn có cảm tưởng mình đang sinh hoạt trong một vỏ bọc an toàn cùng với đám đông và không cần chịu trách nhiệm những gì mình đang hành xử trên không gian này.
Chính vì thế, những người tạo ra các trang “antifan”, hoặc các chiến dịch tấn công một cá nhân nào có ý kiến khác họ trên mạng, thường lôi kéo số đông vào tham gia bình luận, chia sẻ thông tin. Chưa bao giờ mà việc bêu xấu một ai đó và kêu gọi mọi người khác cùng bêu xấu lại bầy đàn dễ dàng như lúc này, bất chấp các quy định của pháp luật về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác cũng như những quy phạm đạo đức xã hội.
Những chuyện vi phạm pháp luật trong đám đông ném đá trên mạng cũng tương tự: Họ tung ra các hình ảnh, video, và những tư liệu (thường không rõ nguồn gốc và thiếu chứng cứ) để “bóc phốt”, để nói xấu; có khi họ cũng dùng ảnh chế để miệt thị “đối tượng mục tiêu”. Khi thái độ ghét của đám đông đến cao trào, họ thường tung ra các nội dung yêu cầu tẩy chay những nhãn hàng, thương hiệu mà “đối tượng mục tiêu” ấy là người đại diện.
Có một câu hỏi đặt ra là vì sao những kênh thông tin được lập ra để công kích cá nhân như thế lại thu hút số đông? Vì sao khi báo chí chính thống tốn không ít nhân lực, vật lực nhưng không phải chương trình nào, tác phẩm nào cũng thu hút được công chúng, thì một nhóm nhỏ hoặc một cá nhân chỉ cần nền tảng mạng xã hội và thiết bị đơn giản đã trở thành tâm điểm dư luận?
Câu trả lời chỉ có thể là vì báo chí chưa làm tốt vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận. Trong trận địa truyền thông hôm nay, báo chí vẫn là công cụ hàng đầu để công chúng thực hiện quyền tiếp cận thông tin “chính thống” - hiểu theo nghĩa là thông tin được kiểm chứng theo những quy tắc nghề nghiệp được công nhận nhằm đảm bảo độ tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng - điều khiến báo chí khác hẳn về chất với những phương tiện truyền thông khác. Nếu báo chí bỏ quên trận địa, truyền thông xã hội sẽ lấp vào chỗ trống vì nhu cầu thông tin của đám đông ngày càng nhiều hơn.
Từ câu chuyện livestream của nữ doanh nhân nói trên, hàng loạt vấn đề đặt ra mà công chúng cần tìm được lời giải chính thức. Ví dụ: Sự thật về khả năng chữa bệnh của “thần y” thế nào? Ai đã dung túng cho ông ta hoạt động trong một thời gian dài?
Thực tế, báo chí quá chậm hoặc quá thụ động trong việc lấp khoảng trống thông tin ấy. Dường như chúng ta ngại cất lên những tiếng nói phản biện. Dường như chúng ta ngại điều tra để tìm ra bản chất sự thật nhằm góp phần thông tin và định hướng dư luận xã hội một cách chủ động, hiệu quả. Báo chí đã chờ một diễn viên hài tự đăng clip xin lỗi người hâm mộ rồi phát lại, tường thuật những bình luận trên mạng; Báo chí đã chờ cơ sở giáo dục ra quyết định miễn nhiệm một hiệu phó (là nghệ sĩ) vì ồn ào phát biểu thiếu văn hóa trên mạng để đăng tin v.v.. chứ chúng ta chưa dấn thân, chưa dám vượt qua các rào cản để “bóc phốt” chính xác những kẻ giấu mặt thực sự đã thao túng cuộc chơi truyền thông, đã dẫn dắt đám đông trên mạng nhằm góp phần làm lành mạnh môi trường truyền thông.
Không phải lúc nào đám đông cũng đại diện cho chân lý. Ảnh: TL
Báo chí hôm nay phải thay đổi cách nói với công chúng truyền thông của mình. Sự thay đổi ấy không chỉ ở phương pháp tác nghiệp mà còn ở thiên chức phục vụ. Công nghệ đã giúp cho người làm báo hôm nay khả năng vô cùng phong phú để tương tác với công chúng, để làm tốt chức năng “diễn đàn của nhân dân”. Truyền thông xã hội là phát minh của nhân loại, báo chí chính thống cần phải khai thác nó như những nền tảng mới để thu hút độc giả, để mời công chúng “cùng làm báo”.
Giữa sự phong phú và phức tạp của bức tranh truyền thông hôm nay, hơn lúc nào hết, báo chí - với thiên chức của mình, với nguyên tắc kinh điển về độ tin cậy, sự trung thực và đạo đức cần được phát huy nhiều hơn nữa trước yêu cầu sàng lọc và định hướng thông tin cho công luận./.
Theo Tạp chí Người làm báo điện tử
CÁC TIN KHÁC