Nằm trong khuôn khổ chương trình Hội Báo toàn quốc 2023, sáng 18/3, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam cùng phối hợp tổ chức chương trình Talkshow: “Người làm báo trong kỷ nguyên số”.
Tham dự chương trình có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Chương trình còn có sự tham gia của nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Điện tử Dân Việt/Nông Thôn Ngày Nay....
Các đại biểu tham gia chương trình Talkshow.
Công nghệ có phải là số một?
Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: "Giống như nhiều nhà báo công tác lâu năm trong lĩnh vực báo chí, chúng tôi đã trải qua những cách làm báo đơn sơ nhất, thời kỳ chụp ảnh bằng máy phim, in, viết bài, photo bài viết của mình để gửi đến các tòa soạn…
Ngày nay công nghệ giúp chúng tôi rất nhiều, chúng tôi có thể chụp hàng nghìn bức ảnh để gửi cho hàng nghìn người khác chỉ trong thời gian ngắn. Ngồi ở một nơi nhưng chúng tôi có thể nhìn, theo dõi được rất nhiều người ở nơi khác khi làm đề tài về điều tra. Công nghệ tìm kiếm trên môi trường mạng internet cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc".
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Điện tử Dân Việt/Nông Thôn Ngày nay.
Nhà báo Doãn Hoàng cho biết, bên cạnh mặt tích cực khi ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí thì cũng có những rủi ro, đó là dễ bị mất bản quyền, sản phẩm được tạo ra nhanh hơn nhưng cũng bị lấy cắp nhiều hơn. Công nghệ tạo ra hiệu quả, tiện lợi nhưng cũng tạo ra thách thức rất nhiều. Hiện nay các bạn phóng viên trẻ đang gặp nhiều thách thức, chúng ta viết nhiều, đăng nhiều, chạy theo số lượng, các vấn đề trên mạng xã hội, theo trend… nhưng câu hỏi đặt ra là những tác phẩm đó có ích gì cho xã hội. Các bạn trẻ đang trượt theo một chiều đó mà không đi sâu vào một vấn đề, lĩnh vực nào đó.
Còn theo nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị: Phóng viên ở kỷ nguyên số hiện nay rất áp lực, ngoài vấn đề làm nhanh, chính xác, chúng tôi duy trì việc kiểm tra lượng view của các phóng viên hàng ngày, hàng tuần phải đủ lượt view mới được chấm nhuận bút tin tức đó. Tôi nghĩ mình đã mất công làm ra một sản phẩm báo chí mà không có người đọc thì sản phẩm đó sẽ không có giá trị.
Chúng tôi thực hiện bình chọn những phóng viên có lượng view cao nhất theo tháng và 10 phóng viên có lượng view thấp nhất. Từ đó hướng dẫn những phóng viên có lượng view thấp, giúp họ phát triển tốt hơn. Chúng tôi sử dụng công nghệ để đánh giá xem bài viết đó đang ở vị trí nào, bao nhiêu người đang đọc, bài viết đã đọc trên nền tảng công nghệ nào.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị.
Mỗi phóng viên, ngoài việc tác nghiệp thật nhanh, có cách tiếp cận độc đáo thì ngay cả cách đặt tít cũng cần phải nhanh nhạy để thu hút người đọc, người xem, liên tục chia sẻ tác phẩm báo chí của mình trên các nền tảng khác nhau.
Đối với tôi những nhà báo giỏi là những người phải giỏi về công nghệ, làm được seo, ứng dụng các công nghệ vào báo chí, đa năng, vì thế sinh viên báo chí cũng cần luôn nghiên cứu học hỏi những công nghệ mới. Phải học công nghệ, luôn đổi mới liên tục.
Còn theo nhà báo Hồ Quang Lợi – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Quan hệ giữa nội dung và công nghệ luôn quan trọng với báo chí hiện nay, nhưng điều quan trọng hơn cả là tinh thần dấn thân của người làm báo, vì nghề báo là nghề đặc biệt, chúng ta luôn đối mặt với thách thức hiểm nguy. Nghề cao quý nhưng cũng rất gian khổ.
Trong thời đại truyền thông số, chúng ta thường tận dụng công nghệ tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội sau đó lại đăng tải lại trên mạng xã hội, tuy nhiên có những thông tin không được kiểm chứng, không qua chọn lọc, điều này cũng rất nguy hiểm với người làm báo.
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngoài ra, trong kỷ nguyên số, nhà báo phóng viên cũng phải đối mặt với một thách thức khác, đó là chạy theo lợi ích kinh tế, vụ lợi, đánh mất mình trong thời đại số, công nghệ nếu chưa biết có thể học hỏi, đổi mới nhưng đánh mất mình là điều rất nguy hiểm.
Phóng viên nhà báo hãy trở thành chuyên gia về một lĩnh vực nào đó
Trao đổi tại buổi talkshow, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: Nhà báo thời buổi công nghệ số đó còn là thời kỳ tác nghiệp toàn cầu, ngoài học tập đồng nghiệp trong nước thì học tập cách tác nghiệp của bạn bè đồng nghiệp quốc tế cũng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, mỗi nhà báo cần xây dựng được uy tín của mình. Xây dựng lòng tin của bản thân với cộng đồng, để bạn đọc tin tưởng chia sẻ những đề tài mới cho mình. Thách thức lớn nhất của phóng viên hiện nay là có hiểu biết sâu về lĩnh vực mà mình đang quan tâm, đang triển khai hay không. Tôi nghĩ phóng viên đã chuyên làm lĩnh vực nào phải chuyên sâu về lĩnh vực đó, giỏi về lĩnh vực đó thậm chí còn giỏi hơn các cơ quan chuyên môn.
Các đại biểu trao đổi về người làm báo trong kỷ nguyên số.
Nhà báo điều tra giờ có nhiều thuận lợi khi có công nghệ hỗ trợ, nhưng để sử dụng hiệu quả, tận dụng tối đa, làm chủ công nghệ cần một bộ não biết kết nối. Chúng ta đang ngập thông tin, ngập công nghệ nhưng làm sao để biến nó thành bài viết, thành sản phẩm báo chí hấp dẫn hoàn chỉnh quan trọng hơn.
Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, để giải bài toán về phát triển báo chí trong giai đoạn hiện nay, mỗi cơ quan báo chí phải đối mặt với ba vấn đề, đầu tiên là nội dung, giải bài toán về công nghệ và kinh tế báo chí.
Chúng tôi đang hướng tới những bài viết chuyên sâu để tiến tới thu phí báo chí, không thể free mãi được. Tập trung sản xuất nội dung chuyên sâu, có những bài báo mang tính giá trị thông tin cao, chuyên ngành để đáp ứng được yêu cầu của người đọc. Các cơ quan báo chí phải có những thông tin khác biệt chuyên sâu, để hướng tới làm kinh tế báo chí một cách bền vững.
Trước mặt, đối với ứng dụng công nghệ chúng tôi liên tục bồi dưỡng để nhà báo sử dụng công nghệ thành thạo, biết được cách làm báo đa phương tiện, biết làm video, postcard, thậm chí nhà báo dẫn chương trình truyền hình, dẫn hiện trường. Tôi nghĩ sinh viên sắp ra trường cũng cần làm chủ được báo chí đa phương tiện, làm chủ công nghệ.
Tham dự chương trình Talkshow còn có các cơ quan đơn vị báo chí, đài phát thanh truyền hình, các thầy cô và các bạn sinh viên báo chí.
Bên cạnh đó, phóng viên phải có nội dung, đề tài độc, chuyên sâu, phải giỏi và dần trở thành chuyên gia về lĩnh vực đó, tránh việc đưa các tin tức mà hàng nghìn người phóng viên khác có thể làm được.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tạo thuận lợi nhưng cũng tạo ra thách thức sống còn
Có cách nghĩ khác với nhà báo Nguyễn Minh Đức, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, mỗi phóng viên phải đi bằng 2 chân vừa làm nội dung vừa xây dựng hình thức thể hiện trình bày một cách phong phú, bắt mắt. Mỗi nhà báo cần phải được đào tạo liên tục để đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, tôi có cách nhìn khác, nếu không biết làm kinh tế báo chí nhưng người đó có những đề tài độc lạ, mang tính độc quyền, triển khai tốt... thì cũng góp phần để bạn đọc tìm đến đọc.
Vì thế không nhất thiết cứ phải hiểu biết đa ngành, hiểu biết nhiều về công nghệ. Ai làm tốt điều gì hãy làm thật tốt điều đó một cách tốt nhất, mỗi cá nhân trong cơ quan báo chí đó hãy cứ làm tốt vị trí của mình...
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa cảm ơn các đại biểu tham dự.
Cảm ơn những chia sẻ quý giá, tâm huyết của các nhà báo tham dự chương trình Talkshow: “Người làm báo trong kỷ nguyên số”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tất cả những ý kiến được đưa ra trao đổi đều gần gũi, mang tính thời sự với đời sống báo chí, hướng người làm báo đến việc đổi mới, ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số, thôi thúc người làm báo sản xuất tin bài các sản phẩm báo chí theo hướng hiện đại...
“Chương trình Talkshow giúp mỗi người làm báo dù đang công tác hay đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ có những cách đi của mình, để vượt qua các thử thách, hướng tới thành công trong tương lai”- nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Nhà báo và Công luận
CÁC TIN KHÁC