song
Độc đáo tín ngưỡng thờ thần cửa “Bùa trùngz” của người Hmông si Suối Giàng
Ngày xuất bản: 08/01/2019 12:00:00 SA
Lượt đọc: 72893

 Suối Giàng, là một xã vùng cao của tỉnh Yên Bái, cách huyện lỵ Văn Chấn 12km về phía bắc, nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, Suối Giàng có khí hậu mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi với sản phẩm chè cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, đây là nơi quần cư của trên 700 hộ, hơn 3400 khẩu ngườiHmông si (Hmông Đỏ) với đời sống văn hóa dân gian hết sức phong phú, độc đáo mà trong đó, lễ cúng thần cửa Bùa trùngz là nghi thức quan trọng, gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần của người Hmông nơi đây.

Trong quan niệm dân gian của ngườiHmông si ở Suối Giàng, thần cửa Bùa trùngz có vai trò  hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh, có chức năng bảo vệ, phù hộ, che chở cho các thành viên trong gia đình, gìn giữ con người, vật nuôi và cây trồng trước những tác động của tự nhiên của môi trường và của thế lực siêu nhiên. Thần cửa Bùa trùngz được người Hmông si quan niệm như người gác cửa bảo vệ cho gia đình, canh cho mọi điều ác, điều dữ không vào trong nhà, canh cho vía của cải, hồn thóc lúa không đi ra ngoài làm cho gia đình bị mất mùa đói kém.

Theo phong tục truyền thống lễ cúng Bùa trùngz không tổ chức thường xuyên liên tục theo một chu kỳ nhất định, lễ cúng được tổ chức khi trong nhà có biểu hiện như nuôi lợn hay bị chết, dịch bệnh, không lớn, hoặc các hiện tượng khó khăn trong chăn nuôi. Lễ cúng Bùa trùngz được tổ chức vào ban đêm, thời gian tổ chức trong khoảng từ ngày 15 đến 30 âm lịch.

Để tổ chức lễ thức này, gia chủ chuẩn bị lễ vật là một con lợn cái từ 5 - 15kg (đây là nghi thức cầu xin cho sự sinh sôi nảy nở, cho nên lễ vật bắt buộc phải là lợn cái).

Khi tổ chức lễ Bùa trùngz gia chủ phải thực hiện nhiều nghi thức kiêng kỵ khắt khe, sau khi cúng dâng lợn họ đóng chặt tất cả các cửa, không cho khách bên ngoài được vào trong nhà trong khi làm lễ cúng. Trong khi tổ chức lễ cúng không nói tiếng dân tộc khác trừ tiếng Hmông, người dân tộc khác có thể được tham dự nghi lễ tuy nhiên họ không được nói chuyện trong quá trình diễn ra lễ cúng.

Tiến trình nghi lễ

Lễ cúng được bắt đầu vào khoảng 21h, một con lợn cái được đặt giữa nhà, người dân lấy một sợi dây lanh buộc vào cổ con lợn cúng để khi tiến hành nghi thức cúng dâng lợn cho thần cửa Bùa trùngz chủ nhà sẽ cầm sợi dây đó như biểu hiện cho hiện thân của chủ nhà.

Bắt đầu lễ cúng chủ nhà cho đóng toàn bộ các cửa lại (trừ cửa chính) và thắp một bó hương cắm đều vào tất cả các vị trí thiêng trong ngôi nhà, sau đó tay phải cầm 1 que hương tay trái cầm dây lanh buộc con lợn, rồi hai tay đó cầm vào hai cánh cửa chính nơi người dân quan niệm là chỗ ngự của thần cửa, chủ nhà đứng hướng ra ngoài cửa, anh em trong gia đình và dòng họ đứng sau chủ nhà cúng chủ nhà tiến hành nghi thức dâng cúng lợn cho thần cửa.

Chủ nhà bắt đầu cúng với nội dung có đại ý như: “….Hôm nay là ngày lành tháng tốt…tôi thay mặt cho chủ gia đình có con lợn cái được làm lễ cho thần cửa…cầu xin cho mọi điều tốt đẹp đến với gia đình…xin mời thóc, lúa về nhà, lợn gà trâu bò...về đầy chuồng…xin cho gia đình làm ăn thuận lợi, luôn luôn được mùa…xin mời ngô lúa về nhà…xin các thần cửa phù hộ bảo vệ cho hồn ngô hồn lúa đừng chạy ra ngoài mà làm gia đình tôi phải mất mùa…. Xin các  thần cửa bảo vệ cho gia đình tôi không còn ốm đau, bệnh tật, trồng cây  gì được cây đấy, chăn nuôi được mùa…xin mời các thần về nhận lấy mà phù hộ cho gia đình chúng tôi…” .

Sau khi kết thúc lời cúng của chủ nhà, hai cánh cửa chính được đóng lại, những dòng họ như họ Sùng, họ Giàng phải kiêng cho tới hết 3 ngày sau đó đồng bào mới mở cửa chính đó, dòng họ Vàng thì chỉ cần đóng cửa tượng trưng trong vòng khoảng 10 phút là có thể mở cửa như bình thường.

Nghi thức “Hầuz” cúng mời thịt cho thần cửa

Nghi thức Hầuz là lễ thức chính của lễ cúng thần cửa, người dân cúng dâng lợn xong, lợn được chế biến chia thành 4 -5 phần, sau đó tất cả thịt lợn, cả tim, gan, lục phủ ngũ tạng cũng được mang luộc chín để dâng cúng cho thần cửa. Nghi thức hầuz còn có nghĩa là chia thịt cho thần cửa tại cửa buồng của chủ nhà.

Để tổ chức nghi lễ, gia chủ cho kê một chiếc bàn dài trước cửa buồng ngủ của chủ nhà. Trên chiếc bàn cúng đó người dân bài trí 9 chiếc chén bằng nứa đặt thành một hàng dài thẳng hàng nhau, bên cạnh 9 chén nứa là 9 chiếc bát to đặt thẳng thành một. Chuẩn bị một que hương và một chiếc muôi to dành cho lễ cúng.

Bắt đầu vào buổi lễ, ông chủ nhà cầm chiếc muôi lớn lần lượt múc từng muôi nước luộc thịt lợn đổ đầy vào các chén bằng nứa. Chủ nhà tay trái cầm 01 que hương, tay phải cầm muôi, vừa múc nước canh đổ vào các chén nứa chủ nhà vừa cúng khấn với nội dung cúng có đại ý như: “…Hôm nay là ngày lành tháng tốt… gia đình tổ chức cúng cho các thần một con lợn cái…do làm ăn không nên, trồng cấy không tốt…chăn nuôi không thuận…gia đình hay ốm đau…hôm nay ngày lành tháng tốt, mời các thần cửa về nhận lễ vật để phù hộ cho gia đình tôi được khỏe mạnh…gìn giữ hồn ngô hồn lúa…những người ngoài đi qua cửa mang thóc lúa về đầy nhà, gà lợn về đầy chuồng, tiền bạc thì đầy hòm…ai đi qua cửa cũng mang vía của cải về đầy nhà…nuôi lợn thì lợn phải sống đến già, lông bạc…ai đi qua cửa cũng mang những vía giữ, vía làm ốm đau đi xa…mang những sự xấu xa đi ra khỏi nhà…cho gia đình luôn khỏe mạnh …

Phía bên trong gian buồng khoảng 3 - 4 đứa trẻ đợi sẵn bên trong kết thúc một lần cúng, những đứa trẻ sẽ được uống những chén nước canh do chủ nhà sau khi đã dâng cúng mời thần cửa về dự, đồng bào cho rằng những đứa trẻ sẽ nhận được những sự may mắn và luôn luôn khỏe mạnh. Tổng cộng có tất cả 9 lần ông chủ nhà múc nước canh làm nghi thức mời thần cửa thì 6 lần dành cho trẻ nhỏ còn 3 lần sau cùng sẽ dành cho chủ gia đình.

Sau mỗi lần cúng nước canh cùng với những lời cúng khấn để cầu xin với thần cửa, chủ nhà lại bỏ những phần thịt đã được thái nhỏ cho vào những chiếc bát đã được bố trí trên bàn. Việc bỏ các phần thịt theo thứ tự trong 9 bát cũng theo nguyên tắc nhất định, đồng bào thả làm sao để vẫn thành hình một con lợn nguyên để cúng cho thần cửa không bị thiếu phần nào. Tất cả các bộ phận trên người con lợn đều phải được thả vào bát cúng cho thần cửa (đối với dòng họ Giàng, đồng bào kiêng ăn tim cho nên trong nghi thức cúng thần cửa người dân cũng kiêng không cúng tim).

Lời cúng của các lần cúng đều giống nhau với ý nghĩa cầu xin thần cửa về nhận lễ vật là lợn và gọi hồn thóc lúa về nhà, phù hộ gia đình và mang đi những điều đen đủi xấu xa. Lần cúng thứ 7, 8, 9 trong lời cúng của chủ nhà với thần bảo hộ chủ nhà khấn vẫn những lời cúng như ban đầu: “…thịt cũng đã đầy mâm, lợn cũng đủ con rồi…không thiếu phần nào cho thần cửa…cơm canh cũng đã đủ rồi…cầu xin các thần phù hộ che chở, bảo vệ cho gia đình…thần cửa đứng cửa hãy gác không cho mọi người mang hồn vía lúa ngô ra ngoài, không cho mang hồn vía con người trong gia đình ra ngoài mà làm nó ốm đau bệnh tật…xin các thần cửa canh gác cửa không cho những người lạ đi qua mang vía dữ vào nhà mà làm ốm đau mọi người…mà làm vía thóc lúa sợ mà bỏ đi xa…”.

Sau lần cúng thứ 9, chủ nhà uống cạn các chén canh, ông chủ nhà bỏ tất cả các chén nứa đó vào trong những chiếc bát thịt, chén ở gần bát nào sẽ được thả vào bát đó, sau khi uống xong các chén nước canh là hoàn tất việc cúng mời thần cửa nhận đủ phần thịt lợn cúng mà gia đình đã dâng cúng.

Kết thúc buổi lễ gia đình dọn một vài mâm cơm mời toàn thể anh em và bạn bè dự lễ buổi tối ngày hôm đó cùng uống rượu và chúc mừng cho gia chủ đã tổ chức thành công nghi lễ và họ tin tưởng rằng kể từ giờ trở đi thần cửa sẽ coi sóc, phù hộ và bảo vệ gia đình, bảo về hồn ngô lúa, cây trồng và vật nuôi trong khu nhà đó.

Bắt đầu từ tối hôm đó cho đến hết ba ngày sau các họ như: Sùng, Giàng…kiêng và không cho những người không dự lễ tối hôm đó vào nhà, kể cả là những người thân trong gia đình nếu đi đâu xa mà không về kịp ngày tổ chức thì trong ba ngày kiêng đó cũng không được vào nhà. Ngoài ra các họ này kiêng mang thức ăn, thịt lợn chế biến từ con lợn cúng ra ngoài mà phải ăn hết trong ngày hôm đó, họ Sùng quét xương lợn thừa vào góc nhà sau ba ngày kiêng mới được mang bỏ đi. Họ Giàng, họ Vàng đào một chiếc hố nhỏ giữa nhà và chôn toàn bộ lông, xương lợn và những dụng cụ sử dụng trong nghi lễ xuống đó lấp thật kín với quan niệm không cho ai biết việc làm của gia đình để mọi sự may mắn tốt lành sẽ đến với gia chủ. Họ Vàng, họ Sùng trong ba ngày kiêng còn kiêng mang thóc, lúa, ngô, gạo hay các loại lương thực thực phẩm trong gia đình ra ngoài với quan niệm rằng nếu mang thóc lúa ra ngoài hồn vía thóc lúa sẽ đi mất mà gia đình trồng cấy sẽ không được mùa, năng suất không được cao.

Lễ thức cúng thần cửa bùa trùngz là nghi thức dân gian truyền thống tồn tại trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào từ rất lâu, nó là bộ phận không tách rời trong đời sống tín ngưỡng dân gian của họ. Nó chi phối và ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống hiện tại của mỗi gia đình người Hmông si. Tín ngưỡng thờ thần cửa  phản ánh tinh thần cố kết cộng đồng của người Hmông si, vai trò của dòng họ và sự đoàn kết thông qua một nghi lễ của một gia đình nhưng có sự tham gia của cả dòng họ, đôi khi của cả cộng đồng vì những ước vọng về cuộc sống ấm no, an bình và hạnh phúc.

Nguyễn Mạnh Hùng

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải