song
Nhà báo như những cây cầu
Ngày xuất bản: 17/05/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 51319

 Chị bồi hồi nhớ lại những ngày đầu vào Đài Phát thanh Truyền hình Yên Bái với những bước chân rụt rè, lo lắng. Ấy vậy mà đã 20 năm tròn gắn bó với nghề báo với bao khó khăn, thử thách nhưng trên hết chị thấy mình may mắn khi nghề báo cho chị đi, gặp, viết và giúp đỡ mọi người, cho chị những người bạn, đôi khi còn như một người thân.

Hồng Mến đến với nghề báo thật tình cờ, chị nói là nghề đã chọn người. Sinh ra và lớn lên ở huyện Lục Yên, học hết phổ thông, lấy chồng, sinh con và tham gia một vài hoạt động ở xã. Cuộc sống ngỡ cứ vậy, cho đến ngày một người quen đang làm phát thanh viên tiếng Dao ở Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái tìm đến tận nhà bảo chị xuống Đài thử làm phát thanh viên tiếng Dao.

Nhà báo Hồng Mến

Hồng Mến không thể nào quên được cái cảm giác lần đầu tiên bước chân vào Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái lúc đó. Là một trong bốn người may mắn được tuyển dụng và đầu quân về Phòng Phát thanh - Truyền hình tiếng dân tộc của Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái, chị còn rất mơ hồ về công việc sắp tới. Nhưng vừa làm quen đến ngày thứ ba chị đã phải lên sóng. Ngồi trong phòng thu âm mà chị run, hồi hộp và cảm thấy khó thở, chỉ là một tin nhỏ với thời lượng chưa đầy một phút mà phải đọc lại đến 5 lần, mồ hôi chảy ướt áo. Rồi đúng một tháng sau khi nhận việc, người đồng nghiệp giới thiệu chị về Đài đi học, chị phải đảm nhận đọc cả một chương trình phát thanh 15 phút.

Biết mình chỉ có một lợi thế là biết tiếng Dao, còn mọi điều kiện cần có của một phát thanh viên như chất giọng, kỹ thuật đọc lại thiếu hoàn toàn nên Hồng Mến phải cố gắng rất nhiều. Buổi tối ngồi nghe lại chương trình của mình và các đồng nghiệp để học cách lấy hơi, nhả chữ, diễn đạt sao cho đúng ý đồ của người viết. Hàng năm trời không ngày nào chị bỏ thói quen đó.

Đúng là bước chân vào nghề báo, dù chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nhưng chứng kiến cái không khí bận rộn của đồng nghiệp Hồng Mến cũng thấy rạo rực, muốn được làm như họ. Vậy là chị cũng tập tành viết, lúc đầu chị tập viết tin, sau đó là bài, tập viết cả kịch truyền thanh, không những thế còn liều xin gửi tham dự cả Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2002 và bất ngờ đạt Giải Khuyến khích với kịch truyền thanh về đề tài mê tín dị đoan, có đồng nghiệp ở tỉnh bạn bảo chị “đúng là điếc không sự súng”, chị thấy cũng đúng. Sau đó được cơ quan tạo điều kiện cho đi học nâng cao trình độ, chị dần thấy tự tin hơn trong công việc.

Năm 2010, Đài Phát thanh Truyền hình Yên Bái cộng tác với VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam làm chương trình truyền hình tiếng Dao, lại một lần thử sức mới với vai trò phát thanh viên truyền hình. Mỗi tối chị lại đều đặn đứng trước gương tập luyện làm sao cho gương mặt thật sự thoải mái, tự tin.

Làm chương trình về tiếng dân tộc có những khó khăn rất riêng, địa bàn tác nghiệp đều là vùng cao, vùng sâu với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, lối sống vô cùng đơn giản, làm việc theo thói quen. Mặc dù được báo trước là có nhà báo đến viết bài, phỏng vấn thì họ vẫn đi làm nương, rồi ăn uống nghỉ ngơi, mặc cho nhà báo chờ đợi. Có lần trước khi quay chương trình văn nghệ, chị đã báo trước với địa phương cả tháng, nhưng nghĩ chương trình đơn giản mọi người chỉ tập qua loa, nên khi đến nơi cả ê kíp đành chờ còn chị phải đứng ra hướng dẫn tập luyện.

Nhà báo Hồng Mến trên sóng truyền hình tiếng dân tộc của Đài PT-TH tỉnh Yên Bái

Nhà báo Hồng Mến chia sẻ “Ngày mới vào nghề, mình rất thích đi viết, có những chuyến một mình đi bộ mấy tiếng đồng hồ đường núi, không một bóng người cũng thấy mình… liều. Tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng nghề báo cũng mang đến nhiều vinh dự, tự hào. Ngoài niềm vui, hạnh phúc luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của khán giả, đồng nghiệp, nghề báo còn cho mình đi, gặp, viết và giúp đỡ mọi người, cho mình những người bạn, đôi khi còn như một người thân… đó là phần thưởng cao quý nhất”.

Làm báo với chị còn là sự chân thực, phản ánh hiện thực xã hội. Nhớ lại lần công tác đến một xã vùng sâu của huyện Văn Yên để phản ánh thành quả của công tác xóa mù chữ, theo báo cáo thì tỷ lệ mù chữ ở xã còn rất thấp, nhưng khi  trực tiếp tìm hiểu kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Chị vẫn hoàn thành phóng sự trước sự phản đối của lãnh đạo địa phương.

Chị đi, viết không chỉ là để có “sản phẩm”, mà khi gặp những hoàn cảnh thật éo le chị muốn thông qua nghề để giúp đỡ họ. Nhờ những mối quan hệ cùng với nhiệt tình của mình, nhà báo Hồng Mến đã liên hệ với các cá nhân, tổ chức giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như xây nhà cho 3 cháu nhỏ mồ côi cả cha và mẹ ở xã Phúc Lợi và gần đây là một gia đình ở xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên, nhà chỉ có người mẹ đã trên 70 tuổi, mắt đã mờ nhưng ngày ngày vẫn phải chăm sóc một người con trai bị liệt, căn nhà của họ chỉ là vài cây cột, quấn quanh bằng tấm bạt dứa, khi ngủ thì buộc lại còn ban ngày cứ để chống huơ chống hoác.

Làm sao để chuyển tải thông tin đến bà con, nói hộ những tâm tư nguyện vọng của họ đó là những trăn trở của nhà báo Hồng Mến, thành công không ít nhưng chị khiêm nhường không muốn nói nhiều về mình. Chị quan niệm Nghề báo là nghề vất vả, nguy hiểm mà đầy hạnh phúc, bởi báo chí là nhu cầu thiết yếu của mọi xã hội và nhà báo là chiếc cầu nối giúp mọi người, mọi vùng hiểu và gần nhau hơn.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải