song
Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Ngày xuất bản: 20/11/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 82687

 Những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã triển khai và nỗ lực thực hiện Đề án “Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Qua đó, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống, xoá bỏ các hủ tục, tệ nạn xã hội, cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân.

Tiết mục múa khèn Mông trong Lễ hội Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015.

Song song với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 5 đội văn nghệ mang bản sắc các dân tộc tại khu I xã Cao Phạ, khu II xã La Pán Tẩn, khu III xã Chế Cu Nha, khu IV xã Hồ Bốn và đội văn nghệ tổ 9+10 thị trấn Mù Cang Chải. Các đội đều đã hoạt động thường xuyên và tham gia tích cực trong các ngày lễ, hội lớn của huyện.

Là một cán bộ Ban Tuyên giáo huyện Mù Cang Chải, ngoài việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn anh Thào A Páo còn là một thành viên tham gia nhiệt tình trong đội múa khèn Mông của tổ 9 + 10 thị trấn. Anh Páo tâm sự: “Cây khèn gắn bó với đồng bào Mông chúng tôi từ lâu đời rồi. Từ bé mình đã được dạy thổi khèn và múa khèn. Mỗi chàng trai Mông đều coi cây khèn như người bạn thân thiết và ai cũng cũng biết thổi khèn. Để múa được hay thì phải luyện tập nhiều. Mình muốn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình được gìn giữ đến các thế hệ sau. Thời gian tới mình sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn văn hóa của người Mông”.

Được biết, các hoạt động tại Lễ hội Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải tháng 9/2015 vừa qua đã thu hút hơn 10 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn và hội thi khèn Mông cấp huyện lần đầu tiên đã được tổ chức. Những giai điệu của cây khèn kết hợp với vũ điệu múa được thể hiện khéo léo, tinh tế của những chàng trai Mông thu hút nhiều người xem. Tuy mới là lần đầu, nhưng hội thi khèn Mông đã có hơn 100 nghệ nhân đến từ 13 xã, thị trấn trong huyện tham gia. Các nội dung thi từ đạo cụ đến múa khèn đơn, khèn đôi và thi khèn tập thể đã tái hiện nét văn hóa đa dạng, đa sắc màu của đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống tại vùng cao Mù Cang Chải.

Cùng với xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn, huyện Mù Cang Chải đã làm tốt công tác xã hội hóa từ các cá nhân đến các doanh nghiệp gắn kết, hỗ trợ, tham gia bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc, dụng cụ dân tộc, các nghề truyền thống như đan, thêu, rèn, mộc; quảng bá văn hóa ẩm thực với những món ăn đặc sắc như xôi ngũ sắc, bánh dày, thịt sấy, cá, thịt muối; giữ gìn trang phục và trang sức của đồng bào, nghiên cứu sản xuất một số mặt hàng lưu niệm mang dấu ấn, bản sắc văn hóa…

Chị Giàng Thị Dùa ở bản Nả Háng A, xã Mồ Dề bộc bạch: “Phụ nữ Mông ai cũng tự thêu cho mình một bộ váy bằng tay. Gia đình có con gái, lên 8 tuổi tôi đã dạy chúng thêu, may đến nay chúng đã tự thêu và may váy để mặc. Trước khi về nhà chồng, mỗi phụ nữ người Mông cũng có ít nhất cho mình từ 2 - 5 bộ áo váy tự thêu bằng tay. Người Mông rất vui và luôn tự hào với những trang phục của mình vì nó rất đẹp”.

Đồng chí Phạm Văn Thành - Trưởng phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải cho biết: “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch là hướng đi lâu dài, bền vững của địa phương. Hàng năm, huyện vẫn hỗ trợ thêm kinh phí cho các đội văn nghệ hoạt động, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện để các nghề thủ công truyền thống phát triển”.

Vũ Đồng

Nguồn: Theo Báo Yên Bái

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải