song
Khắp - nét văn hoá cổ truyền cần được phát huy
Ngày xuất bản: 19/08/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 39951

 Nếu như người Mông được biết đến với điệu múa Khèn yểu điệu, người Tày với câu hát Then chữ tình thì Khắp Thái lại là một loại hình âm nhạc đặc trưng của dân tộc Thái. Khắp là một hình thức sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cưới, hỏi của người Thái. Cữ mỗi độ tết đến, xuân về hay những lễ hội… Ta lại được chìm đắm trong những trong hát Khắp của người Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Từ xa xưa, tiếng khắp đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người Thái. Qua làn điệu hát khắp, chúng ta không chỉ thưởng thức sự thi vị của ý thơ mà còn thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình với người yêu, người bạn, giãi bày những điều khó nói.

Điệu Khắp của người Thái Mường Lò

Dân ca Thái - Khắp Thái là những bài hát, những làn điệu trữ tình được lưu giữ bằng cách truyền miệng hoặc ghi chép từ đời này sang đời khác. Khắp Thái là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ, một bài thơ, một truyện thơ đồng thời cũng là một bài hát. Khắp Thái có rất nhiều loại, tùy nội dung, đề tài mà nó có những tên gọi khác nhau.

Hiện nay có khá nhiều làn điệu khắp khác nhau, nhưng có thể chia thành hai loại chính là khắp bắc (hát sáng tác mới) và khắp lời truyền thống. Khắp lời truyền thống là lời khắp phổ biến nhất hiện nay. Trong các cuộc khắp đối đáp, khắp giao duyên, người khắp sẽ chọn những câu, đoạn để khắp cho phù hợp, hoặc cùng nhau khắp những bài khắp truyền thống của đồng bào mình.

Tản chụ xống xươngTản chụ xiết xương là một trong những điệu khắp truyền thống điển hình. Tản chụ xiết xương gồm các bài hát để nói kháy yêu nhau theo kiểu tâng người hạ ta. Thực chất hình thức khắp này là mượn chủ đề tình yêu để thi  tài năng đối đáp giữa các cặp hát đối, khắp truyền thống còn có các điệu như: “Tản ỉn tản mặc” nghĩa là lời tỏ tình; “Mỡi lảu, vảy lảu” nghĩa là mời rượu, từ chối rượu; “Xống khươi, tỏn pạư” nghĩa là tiễn rể, đón dâu...

Khắp Thái thường kết hợp cùng với “pí khui” (sáo trúc) và “pí pe” (khèn bè), giọng hát trầm bổng cùng với điệu “pí” ngân nga tạo nên một thứ âm thanh vô cùng lạ, độc đáo và đi vào lòng người. Khắp thái thường được bắt đầu bằng “yêu lú nặm ne”, “lá ới, noong ơi” có nghĩa là “thương lắm em ơi”.

Khắp Thái từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Thái, có thể thể hiện ở khắp nơi như trên nương, ngoài ruộng để xua đi cái mệt nhọc của buổi lao động, hay hát cho nhau nghe vào các dịp lễ hội, lễ tết, các dịp cưới xin, xưa kia người ta còn có thể hát cho nhau nghe từ 2 - 3 ngày đêm…

Thanh niên người Thái trước đây ai cũng phải biết khắp, nếu không sẽ chẳng thể quen được ai và cũng chẳng thể lấy được con gái của bản mình làm vợ. Bởi lẽ trai gái đối đáp, giao duyên, muốn làm quen, mời rượu hay muốn tỏ tình cũng đều bằng khắp. Ngày nay cũng vậy, thanh niên trai gái trong làng lớn lên đều phải biết các điệu Khắp của bản, mường mình và cũng như bao người Thái gắn bó máu thịt với mảnh đất này, lớn lên bằng những điệu khắp từ lời ca tiếng hát của bà, của mẹ, của những lễ hội tưng bừng cả một vùng trắng hoa ban.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bà con dân tộc Thái trong các thôn bản lại cùng nhau tụ họp bên bếp lửa hồng cùng nắm tay nhau nhảy sạp, nhâm nhi chút rượu cho ấm bụng và nghe các bà, các mẹ hát Khắp.

Được biết, để phát huy và giữ gìn bản sắc văn hoá của người Thái vùng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng được một đội văn nghệ tại xã Nghĩa An, hội tụ nhiều nghệ nhân trong vùng để truyền dạy cho lớp trẻ những làn điệu khắp của dân tộc mình.

Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của mỗi tộc người chính là chúng ta đang tìm về với cội nguồn dân tộc, về với những giá trị đích thực của cuộc sống. Tìm về với điệu khắp của người Thái Mường Lò để thấy được giá trị truyền đời của một hình thức sinh hoạt văn hoá thuần phác gắn với đời sống tinh thần của đồng bào. Về Mường Lò, về với mảnh đất giàu bản sắc văn hoá để say trong men nồng hương rượu với những điệu khắp, điệu xoà bất tận để cảm nhận sự cùng sự mộc mạc thân tình của người dân bản địa. Đó hẳn sẽ là những cảm xúc khó quên với mỗi du khách có dịp ghé thăm Mường Lò, nơi được mệnh danh là cửa ngõ miền Tây của Tổ quốc.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải