Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất hiện từ ngày 1/2 đến ngày 6/3, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan ra 9 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc, mới nhất là hai tỉnh Hòa Bình và Điện Biên.
Như vậy, sau hơn nửa năm nhận được cảnh báo từ Tổ chức Thú y thế giới (tháng 8/2018) về nguy cơ bệnh DTLCP có khả năng lây lan, xâm nhiễm vào Việt Nam, mặc dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động ban hành nhiều công điện, chỉ thị chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, diễn tập thực địa và kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp DTLCP, nhưng vẫn không ngăn chặn được.
Với hơn 10.000 trang trại, 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn và tổng đàn gần 30 triệu con, nếu không kịp thời khống chế ngăn chặn dịch thì chẳng những ngành chăn nuôi lợn đứng trước nguy cơ bị "đánh sập”, mà còn ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, môi trường.
Để ngăn chặn, cần chặn đứng nguồn gốc DTLCP, không để lây lan. Muốn vậy, cần có sự thống nhất quyết tâm, giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống thú y các cấp, lực lượng quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, công an và quân đội phải cùng vào cuộc.
Mục tiêu cao nhất là cô lập, xử lý triệt để các ổ dịch, quyết liệt phòng ngừa, không để dịch tiếp tục lây lan. Siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; sẵn sàng ứng phó, xử lý ổ dịch nhanh gọn, triệt để.
Các bộ, ngành liên quan không chờ địa phương báo cáo có dịch mới tổ chức dập dịch, mà cần thành lập ngay các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như của các bộ, ngành, nhất là Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2 vừa qua. Các địa phương cũng cần cảnh giác, tránh lơ là trước nguy cơ DTLCP.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm đầy đủ kinh phí, nhân lực, hóa chất… cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; đặc biệt là phải duy trì, tăng cường nguồn lực cho hệ thống thú y các cấp, kể cả các cơ quan kiểm dịch động vật tại cửa khẩu, đường bộ, sân bay, cảng biển, bảo đảm đáp ứng yêu cầu "dập dịch như dập lửa”.
Để khắc phục tình trạng giấu dịch, bán chạy lợn bệnh, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương nghiên cứu, tham mưu tăng mức hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy, theo hướng hỗ trợ tối thiểu 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy.
Bên cạnh đó, cũng cần thống nhất hỗ trợ với cả các dịch bệnh khác trên lợn (tai xanh, lở mồm long móng…) để người nuôi khỏi thiệt thòi. Trước mắt, các địa phương cần nắm chắc địa bàn, cơ sở chăn nuôi, chủ động bố trí nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người dân và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; khuyến khích người dân chủ động thông báo, thực hiện nghiêm việc tiêu hủy khi xảy ra dịch. Đặc biệt quá trình xử lý các ổ dịch phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền và người dân.
Về lâu dài, tổ chức nghiên cứu xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế nhằm chủ động chẩn đoán, xét nghiệm chính xác các loại dịch bệnh động vật. Đồng thời, chủ động phối hợp các tổ chức quốc tế (FAO, OIE) và các nước xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống DTLCP nói riêng và các loại dịch bệnh động vật khác, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
B.T
CÁC TIN KHÁC