song
Làm báo - nghề cao quý
Ngày xuất bản: 21/06/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15433

 Bác Hồ nói: "Cũng như bao nghề khác, làm báo là nghề cao quý, bởi nó dẫn dắt dư luận, phục vụ đất nước và nhân dân”.

Phóng viên báo, đài Trung ương và Hà Nội tác nghiệp tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 

Ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh Niên, cơ quan của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Báo Thanh Niên truyền tải lý luận Mác Lenin vào nước ta, tiến đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam đánh đuổi thực dân đế quốc, giành độc lập dân tộc, đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày thành lập báo Thanh Niên 96 năm trước trở thành ngày truyền thống báo chí vẻ vang - khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ngay từ đầu, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định, các chiến sĩ đi tiên phong trong nền báo chí cách mạng ấy cũng là những cán bộ cách mạng. Ngòi bút và trang giấy của họ vẽ lên tờ hịch cách mạng, chỉ thực hiện một mục đích duy nhất, một lý tưởng duy nhất là phục vụ nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện dân cày có ruộng, xưởng máy là của thợ thuyền, dân giàu nước mạnh. Bác Hồ nói: "Cũng như bao nghề khác, làm báo là nghề cao quý, bởi nó dẫn dắt dư luận, phục vụ đất nước và nhân dân”.

Nhiều năm trước, tại cuộc hội thảo về nghề báo - nghề cao quý, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội đã nhắc lại nhiều luận điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí và nhà báo cách mạng, khẳng định: "Bất cứ nghề gì cũng cao quý, rất đáng tôn vinh, nhưng làm báo, với tính chất đặc thù của nó, lực lượng góp phần dẫn dắt tư tưởng - văn hóa thuộc thượng tầng kiến trúc càng có ý nghĩa đặc biệt, được nhân dân tin yêu, gửi gắm. Càng gian khó, phẩm chất và đạo đức làm nghề càng tỏa sáng. Sự cao quý của nó, niềm vinh dự và tự hào của những người làm báo, trong thử thách càng được nhân lên”.

Với truyền thống vẻ vang của 96 năm nền báo chí cách mạng, hơn 70 năm hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, với khí chất kiên cường, dũng cảm, dám xả thân của một trong những lực lượng đi đầu trong các hoạt động tư tưởng - văn hóa, trong phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, người làm báo như những người lính tiên phong trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên cương Tổ quốc, nhiều nhà báo tay súng, tay bút, tay máy đã ngẩng cao đầu trong tác nghiệp, bất chấp hiểm nguy và có không ít nhà báo đã anh dũng ngã xuống nơi chiến hào.

Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Sự bùng phát của đại dịch đợt sau diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn đợt trước, cả thế giới gồng mình chống dịch bệnh, hàng chục ngàn nhà báo ở các quốc gia dũng cảm đi vào các tâm dịch thông tin và cổ vũ cuộc chiến đấu phòng chống đại dịch Covid-19. Các nhà báo, cơ quan báo chí không là ngoại lệ. 

 

Công việc thông tin, tuyên truyền, chuyển cảm hứng "lăn xả”, "quên mình” của các chiến sĩ tuyến đầu, đội ngũ các chiến sĩ áo trắng, lực lượng quân đội, công an… không ngơi nghỉ phát hiện, truy vết, dập dịch, quên mình cứu chữa người nhiễm bệnh. 

Các nhà báo Việt Nam tự hào là một trong những lực lượng tích cực, xông pha phòng chống đại dịch Covid-19. Giải Báo chí quốc gia năm 2020 đã có nhiều tác phẩm báo chí viết về đại dịch Covid-19 được tuyển chọn vào vòng chung khảo và được hội đồng chung khảo đánh giá cao, một số tác phẩm mang tính phát hiện, đoạt giải cao.

Nhà báo lão thành Phan Quang, năm nay 93 tuổi được vinh danh là "Nhà báo tiêu biểu” đầu năm 2021, trải qua nhiều vị trí quản lý trong nghề báo - nghiệp văn, trả lời phỏng vấn báo Nhà báo và Công luận: "Tôi tự hào về nghề báo cao quý. Nếu được trở lại tuổi thanh xuân và được chọn lại nghề ư? Tôi không ngần ngại mà nói rằng: Tôi vẫn chọn nghề báo cao quý và vinh quang này. Báo chí là một dòng sông không ngừng chảy, những nhà báo thuộc các thế hệ khác nhau là những giọt nước làm nên dòng sông ấy. Dù là thượng nguồn hay hạ lưu, sông vẫn dòng sống ấy, nước vẫn giọt nước ấy. Dù già hay trẻ, chúng ta cùng có một điểm chung - niềm tự hào, ấy là lòng yêu nước và ý nguyện của nhà báo dâng hiến cuộc đời vì nước, vì dân…”.

Người làm báo Việt Nam vô cùng tự hào với nghề báo vinh quang mà mỗi chúng ta đều hết mình phấn đấu - tận hiến, không ngơi nghỉ. Đội ngũ hàng chục ngàn nhà báo đã và đang đồng lòng đồng sức, đoàn kết bên nhau dưới ngọn cờ chiến đấu của Đảng và Bác Hồ - trong dòng chảy của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, đóng góp mồ hôi, công sức và cả xương máu vì một nền báo chí chiến đấu và cách mạng; một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, hội nhập sâu rộng với nền báo chí thế giới phát triển mạnh mẽ và sôi động.

 (Theo Kinhtedothi)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải