song
Xuân này nhớ hoa Ban
Ngày xuất bản: 11/01/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 37097

 Hoa ban gắn bó, thành tình cảm, nổi tiếng với vùng Mường Lò quê tôi, với vùng Tây Bắc Tổ quốc. Thực ra, không phải hoa ban chỉ có ở vùng Tây Bắc, trong những năm chống Mỹ cứu nước, tôi vác súng hành quân trong rừng núi chiến trường nước bạn Lào cũng gặp bạt ngàn rừng hoa ban. Có lần cả tuần ở trong rừng hoa ban, đúng mùa hoa nở rộ, ngút ngàn màu trắng, ngan ngát hương thơm. Ở trong rừng hoa ban, đồng đội tôi nhận xét: “Cây hoa ban cũng chịu khô cằn, gian khổ như bộ đội, mọc trên đất sỏi đá, che chở cho chúng ta”. Mấy đồng đội quen với hoa ban từ nhỏ thì có kinh nghiệm: “Năm nào hoa ban nở nhiều, nở đồng loạt, ấy là báo tin vui cho dân bản. Năm ấy sẽ mưa thuận gió hòa, người không lo lụt lội, nương ruộng không lo hạn hán, cấy lúa trồng ngô đều tốt bời bời, được mùa bội thu”.

Hoa ban vốn gắn bó lâu đời với người dân Tây Bắc. Trong các bản làng đã có nhiều phong tục, tập quán, thành nét văn hóa riêng về hoa ban. Đồng bào Thái cho hoa ban là hoa chàng rể. Những chàng trai hiền lành, chịu khó, hiếu thảo mới yêu, mới làm rể, khi mùa xuân đến là nghĩ ngay đến việc vào rừng, tìm lấy cành hoa ban đẹp nhất, ưng ý nhất đưa về biếu bố mẹ vợ. Cành hoa ban được chọn là cành có nhiều hoa, chỉ vừa hé nở, tươi mởn, không sâu, không khuyết. Bố mẹ vợ được con rể biếu tặng như thấy trẻ lại, ngắm nhìn, thưởng ngoạn lộc xuân của núi rừng. Từ hoa ban, người Thái còn có tập quán chế biến thành món ẩm thực mang tính đặc sản, dù không cầu kỳ, chỉ là xôi, có thể là xào, nấu chín. Điều đặc biệt, dù chế biến bằng cách nào món có hoa ban cũng ngon, cũng khác lạ, ai cũng ưa thích. Nhất là sau những ngày tết, tiệc tùng thịnh soạn món hoa ban càng hợp, thêm hấp dẫn.

Hoa ban đặc trưng cho vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc (ảnh: Nguồn internet)

Bao đời, đã thành quen, thành nếp, nhà có con gái lớn, chưa có chàng trai đem hoa ban đến nhà, người cha người mẹ thường nhắc yêu con gái: “Con lớn bằng này mà bố mẹ chưa được miếng hoa ban nào”. Lời nhắc nhở, cũng là lời động viên để con gái chịu khó trồng thêm nương bông, khéo kéo sợi, dệt vải, thành người gái đẹp, nết na, được nhiều chàng trai để ý.

Gắn bó, thân tình với hoa ban, hoa lại gần gũi với những đôi trai gái khi yêu nhau, trải qua hàng nghìn năm, đã xuất hiện những truyền thuyết đẹp về đức tính của dân tộc. Chẳng hạn truyền thuyết: Xưa có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Ngặt một nỗi chàng trai là con nhà nghèo, cô gái là con Tạo giàu có, quyền thế. Quan Tạo biết chuyện đã cậy quyền, cậy của trịch thượng:

- Thằng này phận con ngựa. Yên phải đặt lên lưng ngựa, sao ngựa đòi cưỡi yên được?

Biết không thể chung sống được với nhau trong bản, đôi trai gái kéo nhau vào rừng. Họ được ở bên nhau tự do, nhưng ngày này sang ngày khác, không có dao chặt cây, không có thuổng đào củ rừng, không có lửa sưởi qua đêm lạnh. Họ nhịn đói, dựa lưng vào nhau giữ hơi ấm qua đêm đông, nên yếu dần. Cuối cùng họ kiệt sức, lả đi. Thương cho mối tình đẹp đẽ, thủy chung bị chức quyền, của cải làm hoen ố, cây rừng đã tỏa bóng, hạ cành che chở, rũ lá đắp lên đôi tình nhân. Trên cây còn nở đầy những bông hoa trắng tinh khiết. Sau này người đời gọi cây đó là cây hoa ban.

Lại có truyền thuyết kể thế này: Ngày ấy có đôi trai gái đều mồ côi, nghèo khó nhưng đẹp người, đẹp nết, khỏe mạnh, yêu nhau thắm thiết. Biết chuyện, quan Tạo trong vùng muốn chiếm đoạt cả hai người đưa về nhà làm côn lươn, mới gọi cả đến. Quan Tạo hỏi chàng trai:

- Mày muốn làm ngựa nhà quan không? Về với tao có thóc ăn, có chăn phủ lên lưng, có yên đẹp…

- Không ạ! Tôi muốn làm con nai thảnh thơi ăn cỏ trong rừng.

Tạo lại hỏi người con gái:

- Mày về làm kiềng bếp nhà tao nhé? Bếp nhà quan quanh năm không hết lửa, lúc nào cũng thơm mùi thịt cá.

- Không ạ! Tôi chỉ làm cây bưởi hoang bên rừng, đã có người nhận gốc.

Biết không thể thoát khỏi tay quan Tạo, đôi trai gái cùng nhau trốn vào rừng. Họ bên nhau, đi mãi. Họ có rừng núi chở che, nhưng bụng đói, sức lả. Dần dần yếu mãi, họ sợ ngất đi sẽ bị thú rừng làm rời xa. Gặp một cây to, nhiều cành lá, muốn được bên nhau mãi, họ lấy dây rừng treo cổ lên cành. Thương phục cho một mối tình, cây đã cúi cành, hạ đôi trai gái xuống đất, nằm bên nhau, rồi trút lá làm đệm, làm chăn, phủ kín thành tổ. Cây còn trơ cành, lại nở bung những cánh hoa trắng muốt, hương bay ngào ngạt. Lúc này quan Tạo đưa quân lính đuổi theo tìm bắt, gặp cây lạ. Tạo nghĩ đến phi (ma), đến hồn cây, hồn rừng núi thì sợ hãi, vội lùi ra xa.

Không được lấy nhau, đôi trai gái vẫn được bên nhau, bên nhau mãi mãi. Cái cây rừng đó, sau này dân bản gọi là cây hoa ban.

Ngày nay, người Tây Bắc, người Mường Lò yêu quý hoa ban là chuộng sự thủy chung, nhân nghĩa, coi thường việc ác không chịu sống quỳ, ghét sự tàn bạo bất công. Mà cây ban đã là biểu hiện. Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày, hoa ban, rau ban còn là món ẩm thực đặc sắc, độc đáo của đồng bào Thái. Ngay đơn vị tôi, sau những mùa đông lạnh giá, khô cằn, sống trong rừng núi thiếu rau, hoa ban đã giúp chúng tôi vượt qua thiếu thốn, có sức chiến đấu.

Sau những năm dài chiến tranh tàn phá, đói nghèo làm kiệt quệ núi rừng, hoa ban cũng chịu cảnh chung. Mấy năm nay, thị xã Nghĩa Lộ, Mường Lò đã khôi phục lại rừng hoa ban, đưa cả cây ban về đứng trong công sở, bên đường phố, quả là việc làm của những người có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống. Một việc làm đẹp, thật ý nghĩa. Xuân này tôi cũng muốn về thăm phố quê, được đứng dưới hàng hoa ban nở trắng…

Trần Cao Đàm

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải