song
Làm báo nơi vùng cao
Ngày xuất bản: 17/12/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 61118

Trong quãng đời làm báo của tôi, vùng cao luôn là đề tài hấp dẫn. Có thể là do duyên nghiệp được lãnh đạo Báo Yên Bái phân công phụ trách mảng dân tộc miền núi, nhưng chính là tình cảm chân thật và cuộc sống đang thay da đổi thịt của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cuốn hút, mang lại nhiều cảm hứng cho ngòi bút. Vậy chăng mà một số tác phẩm như: "Người giỏi Pá Hu", "Chuyện từ làng Dao Khe Ván", "Về vùng đặc sản nếp Tan", "Lênh đênh làng ven", "Gập ghềnh Chế Tạo"... không chỉ  là sự thích thú cho bản thân mà còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc.

Nhưng để đi và thâm nhập thực tế vùng cao thì lại là một quá trình chẳng chút dễ dàng. Nhớ lần cùng mấy anh cán bộ Bưu điện tỉnh đi xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình để viết về Bưu điện văn hóa xã. Lúc ấy đường Đông hồ Thác Bà chưa thông nên phải vòng sang huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Đến đèo Gàng đúng lúc trời đổ mưa to khiến mặt  đường đầy thùng vũng và trơ ra những hòn đá mồ côi gồ ghề tựa sống trâu. Xe ô tô dù đã gài cầu vẫn trơn trượt không thể vượt đèo đành quay lại. Rồi cũng không thiếu những nguy hiểm rình rập dọc đường. Một số anh em ở Báo Yên Bái chắc khó quên cảnh bị kiềm tỏa trên đèo Khau Phạ dịp đi làm số báo kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Mù Cang Chải. Mưa bão ào ào, đất sạt đá lở chặn cả đường tiến lẫn đường lùi, đành nằm lại giữa đèo. Chờ đợi qua đêm mà bụng thon thót lo có viên đá lạc giáng thẳng vào xe, gần sáng mới thông đường. Cũng ở Mù Cang Chải, cơ may còn đến khi chiếc u oát trong đó có anh Nguyễn Văn Ngọc lúc ấy là Bí thư Thành ủy thành phố Yên Bái; anh Thào A Sàng - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải và tôi bị bó phanh trượt dốc trên đường Nậm Khắt đi xã Ngọc Chiến (tỉnh Sơn La). Nhảy vội xuống khi xe dừng, hú hồn nhìn lại thì bánh trước ô tô chỉ còn cách mép vực chưa đầy nửa mét. Chị Trần Quỳnh Liên - Phó tổng biên tập Báo Yên Bái thì kể câu chuyện xe ô tô bị trôi do gặp lũ ống bất ngờ khi vượt ngầm suối Tung trên đường lên huyện Trạm Tấu cách đây trên chục năm mà bây giờ vẫn chửa hết run.

Gian khổ vậy thế mà vui. Nhớ lần đầu đến xã Khai Trung của huyện Lục Yên, "bình nguyên xanh" khi ấy đang trong thời kỳ vận động đưa cây đậu tương vào gieo trồng. Dân vẫn quen kiểu làm ăn manh mún tự cấp tự túc nên còn nghèo lắm. Về viết bài đăng báo và có làm bài thơ "Lên Khai Trung", rồi công việc cũng cuốn đi chẳng nhớ nữa. Ai dè lần sau quay lại, lớp cán bộ xã bây giờ chỉ còn  gặp Phùng Thừa Lâm hiện đang là Bí thư Đảng bộ xã. Anh có già hơn lần gặp trước nhưng tính tình vẫn hồn nhiên, cởi mở như xưa. Nắm chặt tay tôi, người cán bộ dân tộc Dao hồ hởi: “Thế là lại đến với Khai Trung rồi nhé, mọi người vẫn nhớ như in lời nhà báo hẹn “Năm sau mùa măng đắng, cho anh gửi cơi trầu đấy”. Thời gian trôi nhanh thật, thoắt cái đã hơn chục năm trời. So với năm 1999, thì cảnh sắc, con người đã đổi thay nhiều lắm. Các thôn Giáp Luồng, Giáp Chảy, Giáp Cay, Khe Rùng, Tác Én đều có chi bộ Đảng và là Làng văn hoá. Năm 2005 địa phương cũng ra mắt xây dựng Xã văn hoá. Vui mừng nhất là điện lưới quốc gia sớm về đến xã, ánh sáng văn minh thay thế cho ngọn đèn dầu. Có điện, 100% số hộ mua sắm được phương tiện nghe nhìn để không bị đói thông tin. Rồi viễn thông cũng dựng cột, phủ sóng và trên 90% hộ gia đình hoà mạng thuê bao điện thoại bàn hoặc điện thoại di động. Ở thôn Giáp Luồng, một ngôi nhà sàn văn hoá được dựng lên làm nơi đón khách và giao lưu trong những ngày xuân hay ngày hội. Trước sân còn có cả khoảng đất rộng và phẳng là sân bóng đá, bóng chuyền, đồng thời rộng mở vòng xoè đêm lửa trại dịp khai mạc “Tuần văn hoá du lịch Khai Trung”. Bên mâm cơm ngày tái ngộ, câu thơ năm nào lại văng vẳng "Khai Trung đến lần đầu/ Nghe rưng rưng lòng hát". Còn ở xã Nà Hẩu (huyện văn Yên) là nơi người Mông hoa tận Bắc Hà (Lào Cai) di cư về đã sớm ổn định cuộc sống nhờ chương trình định canh định cư. Rừng nguyên sinh nơi đây được bảo tồn, giữ vững nhờ tình yêu rừng và những qui ước riêng có. Đời sống hằng ngày chưa phải đã dư dả nhưng lòng hiếu khách thì lúc nào cũng sẵn. Người dân hay nhắc tới Cư A Phần - cháu của nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Cư Hoà Vần. Nhà Cư A Phần ở đỉnh dốc Ba Khuy, mỗi khi vượt dốc vào Nà Hẩu không thể không dừng chân nghỉ. Cư A Phần hiếu khách, rất buồn khi cơm mời không đắt, rượu chúc không vơi. Bây giờ có xe ô tô song hầu như đi qua đều dừng ghé lại, tôi không bỏ qua thông lệ ấy. Cư A Phần quả là người biết làm ăn. Ngôi nhà gỗ ba gian, ván lịa nhìn ra mặt đường, phía sau là nương với vạt rừng khoanh nuôi mướt xanh màu lá. Riêng trồng quế gia đình có 3ha với đàn trâu 6 -7 con. Giữa bao nhiêu đồ đạc sang trọng, góc nhà vẫn còn chiếc cối xay đá. Chủ nhà vui vẻ bảo: “Cuộc sống tạm no đủ rồi song vẫn phải giữ nó, thi thoảng xay ngô làm mèn mén để nhớ về thời gian khó”. Con người vùng cao chân chất là thế đấy.Tôi cũng đã từng gặp "Người giỏi Pá Hu" Thào A Tông ở Trạm Tấu; Đặng Phúc Vạn thôn Khe Ván (Văn Yên), người bỏ công sức, tiền của mở đường dân sinh; Hoàng Đình Thìn, dân tộc Mường ở xã Sơn A (Văn Chấn) ngoại bẩy mươi tuổi vẫn tận tụy với công tác xã hội... Đầu năm 2015, có dịp trở lại xã Suối Giàng của huyện Văn Chấn. Vẫn người xưa cảnh đấy mà bây giờ có lắm đổi thay. Giàng A Tếnh đã thôi làm Bí thư Đảng bộ xã để lên huyện giữ cương vị Phó trưởng ban Dân vận huyện; còn Giàng A Đằng sau hai khóa là Chủ tịch UBND xã, vừa rồi được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư đảng bộ. Từ một địa phương thiếu đói bây giờ Suối Giàng đã bảo đảm an ninh lương thực với bình quân đầu người 556kg/năm; hộ nghèo chỉ còn chiếm 39%. Suối Giàng có rừng chè shan cổ thụ hàng vạn cây, nhờ trồng mới mà diện tích hiện nay đạt 467ha, trong đó có 394ha cho thu hái với sản lượng búp tươi hằng năm đạt 500 tấn. Hiện xã đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm chè sạch và bắt tay vào làm du lịch sinh thái. Cùng với con đường trải nhựa từ huyện lên trung tâm xã, đường liên thôn bản cũng được bê tông hóa. "Tuần văn hóa du lịch Suối Giàng" vừa được địa phương tổ chức với một chương trình đặc sắc văn hóa dân tộc Mông như Lễ cúng chè, múa khèn, ném pao, đua ngựa... Các thôn Giàng Cao, Pang Cáng bước đầu biết tổ chức du lịch cộng đồng. Riêng bí thư Giàng A Đằng thành công trong xây dựng cho mình thương hiệu Đằng Trà và giới thiệu sản phẩm cùng các sản vật vùng cao ngay tại ngôi nhà gỗ dựng nơi đầu thôn. Suối Giàng đang chuyển mình và tạo ra những đột phá mới. Đến xã Suối Bu lại ấn tượng vô cùng với đội ngũ lãnh đạo địa phương: Vàng Sáy Tùng - Bí thư Đảng ủy, Mùa A Của - Chủ tịch UBND xã, Mùa A Chang trưởng bản Bu Cao cùng tân Phó chủ tịch Ủy ban nhân xã Sùng Thị Sía. Suối Bu chưa vượt qua cái ngưỡng nghèo nhưng đã biết trồng nhiều cây ngô vụ đông, khai hoang ruộng nước và phát triển diện tích chè để tăng thu nhập, xóa đói giáp hạt. Đặc biệt bản Bu Cao có 114 hộ với 554 khẩu, hầu hết là dân tôc Mông. Sau hơn 5 năm hạ sơn, cuộc sống của người dân trong bản đã thuận lợi rất nhiều. Bây giờ tất cả các hộ ở bản tái định cư đều được sử dụng điện lưới quốc gia, dùng nước sạch. Hiện 80% số hộ trong bản có xe máy, gần 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Bu Cao đang cùng các thôn bản khác của xã Suối Bu vươn lên xây dựng nông thôn mới.

Con người vùng cao, cuộc sống vùng cao đã cuốn hút tôi. Nơi đây giúp tôi hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi; hiểu thêm cái tình của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó đã trở thành động lực để xác định rõ trách nhiệm của mình mà rèn luyện "tâm sáng, bút sắc, lũng trong".

Thế Quynh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải