song
Lễ hội Cơm mới của người Tày Khao – Truyền thống văn hóa quý báu
Ngày xuất bản: 19/12/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 37089

 Nếu như lễ hội vào ngày Mão đầu tiên trong năm có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe. Thì Lễ hội Cơm mới vào ngày Mão đầu tiên của tháng 9 âm lịch mang ý nghĩa tổng kết một năm lao động, sản xuất với đất trời, thần linh. Đồng thời là dịp để những người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và giáo dục con cháu duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của người Tày Khao Văn Yên.

Trong 2 ngày 30 và 31/10 (tức 11 và 12/9 năm Đinh Dậu), Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Đông Cuông đã phối hợp với UBND xã Đông Cuông, huyện Văn Yên tổ chức lễ hội Cơm mới năm 2017 tại đền Đông Cuông, thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại Đền nhưng mỗi năm đều có những điểm mới nổi bật, thu hút rất đông đảo người dân địa phương cũng như du khách thập phương tham dự.

Đ/c Dương Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Lãnh đạo huyện Văn Yên tham quan Hội thi khéo tay làm cốm tại Lễ Hội cơm mới Đền Đông Cuông năm 2017

Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông năm 2017 được tổ chức theo nghi lễ truyền thống văn hóa của người Tày Khao ở Đông Cuông, kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội, giữa văn hóa truyền thống với hiện đại, mang đậm nét sinh hoạt văn hóa tâm linh và bản sắc văn hóa của người Tày Khao. 

Theo truyền thống của người Tày Khao, Lễ hội cơm mới là để tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời báo tổ tiên là đã kết thúc mùa cấy gặt bội thu trong năm.

Mở đầu lễ hội Cơm mới là nghi lễ mổ trâu đen tế thần linh và hiến sinh cho trời đất, theo tập tục độc đáo của người Tày Khao. Sau đó, thịt trâu được chế biến làm 36 mâm cỗ đem vào trong đền cúng khao quân, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc và quan, quân các triều đại đã hy sinh trong trận thủy chiến chống quân Nguyên Mông bảo vệ Tổ quốc.

Một trong những hoạt động hấp dẫn trong lễ hội Cơm mới là Hội thi Khéo tay làm cốm. Cốm xanh là lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ dâng Mẫu tại lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông vào ngày Mão tháng 9 hàng năm, nó có ý nghĩa trong sản xuất nông nghiệp và đời sống tâm linh của người dân Tày Khao, với mong muốn dâng lên tổ tiên những hạt cốm dẻo thơm vừa để tạ ơn vừa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Để có được những hạt cốm thơm dẻo dâng Mẫu, cúng đất trời, tổ tiên, người Tày Khao cấy loại lúa nếp bản địa đặc biệt mà bà con ở đây gọi là Khấu Cải. Khi hạt lúa bắt đầu chắc hạt sẽ được gặt về nướng chín trong lò than củi, sau đó đem giã, sàng sảy thành những hạt cốm dẻo thơm.

Tham gia Hội thi năm nay có 7 đội là đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao đến từ các thôn bản sinh sống trên địa bàn xã Đông Cuông.

Toàn cảnh Hội thi khéo tay làm cốm

Hội thi không chỉ là dịp hội tụ các nghệ nhân người Tày Khao truyền lại kinh nghiệm làm cốm cho con cháu mà còn tạo điều kiện cho nhân dân địa phương giao lưu, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm cốm, từng bước đưa sản phẩm cốm đền Đông Cuông và các đặc sản chế biến từ cốm như chè cốm, xôi cốm, bánh cốm, cốm lam trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách thập phương.

Với những nghi thức truyền thống, Hội thi Khéo tay làm cốm thể hiện sức sống, tinh thần lễ hội đặc sắc, mang lại cho du khách và cả người dân địa phương cảm giác linh thiêng. Tạo nên nét đặc sắc riêng của một lễ hội lâu đời trên vùng đất Văn Yên. 

Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông năm nay được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc; công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo trong suốt thời gian tổ chức lễ hội, để lại ấn tượng đẹp với du khách thập phương.

Tại Đền Đông Cuông một năm có hai hội chính. Nếu như lễ hội vào ngày Mão đầu tiên trong năm có ý nghĩa là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe. Thì Lễ hội Cơm mới vào ngày Mão đầu tiên của tháng 9 âm lịch mang ý nghĩa tổng kết một năm lao động, sản xuất với đất trời, thần linh. Đồng thời là dịp để những người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và giáo dục con cháu duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của người Tày Khao…

Với ý nghĩa tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, Lễ hội đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương. Qua đó khơi dậy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tình đoàn kết cộng đồng, ý thức bảo vệ các di sản văn hoá. Đây cũng là dịp để huyện Văn Yên quảng bá, giới thiệu những sản phẩm du lịch văn hoá, nhằm thu hút du khách đồng thời thúc đẩy mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn huyện một cách bền vững.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải