Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 24/9/1958, đoàn tàu khách Lào Cai - Hà Nội dừng bánh tại Ga Yên Bái, đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn của Chính phủ đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.
Di tích lịnh sử Quốc gia Lễ đài Sân vận động Yên Bái - nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958 nay trở thành điểm đến của cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân tới dâng hương báo công với Bác. (Ảnh: Quang Tuấn) |
Đoàn đại biểu ra đón Bác có đồng chí Nguyễn Đức - Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thành Đô - Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đại biểu thay mặt các đoàn thể, đại diện nhân dân các dân tộc.
Từ một toa đặc biệt ở cuối đoàn tàu, Bác Hồ bước xuống sân ga. Người vận bộ quần áo ta mầu gụ, chân đi dép cao su, nước da hồng hào, khỏe mạnh, dáng đi nhanh nhẹn vẫy tay chào mọi người.
Xe của Tỉnh ủy đón Bác và đoàn công tác về trụ sở Tỉnh ủy (nay là khu vực Nhà điều dưỡng của tỉnh) theo tuyến đường Cao su (nay là đường Thanh Niên). Nhân dân đứng tập trung ở hai bên đường rất đông vẫy tay chào mừng.
Cùng đi với Bác là các đồng chí Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Trần Đại Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp; Lê Dung - Thứ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện...
Tới trụ sở Tỉnh ủy, Bác đã gặp gỡ và làm việc ngay với các đồng chí trong Ban Thường vụ, đại diện Mặt trận Tổ quốc, đại biểu các ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị.
Thay mặt Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Đức báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh sau 4 năm tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế. Sau khi nghe báo cáo, Bác biểu dương khen ngợi những thành tích đã đạt được.
Bác hỏi thêm về tình hình hợp tác hóa nông nghiệp; về cung cấp thuốc chữa bệnh, muối, dầu hoả, kim chỉ thêu đối với đồng bào; tình trạng chưa biết chữ; thực trạng bệnh sốt rét, bướu cổ; các hủ tục trong ma chay, cưới xin; nạn tảo hôn, đánh vợ ...
Bác ân cần căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải quan tâm sâu sát đến cơ sở; chăm lo đến đời sống và nguyện vọng của nhân dân, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo... Bác nhắc nhở các cán bộ cùng đi phải quan tâm đến Yên Bái.
Cụ thể là, Bộ Y tế phải cử đội y tế lên giúp đỡ đồng bào; Bộ Giáo dục cử thêm giáo viên lên giúp tỉnh xóa được nạn mù chữ; Bộ Giao thông và Bưu điện phải giúp mở mang đường sá để xe vận tải lớn đến được tất cả các huyện, xã, điểm vùng cao tạo điều kiện giao lưu được hàng hóa giúp kinh tế phát triển...
Bác đề nghị trong lễ mít tinh phải mời đại biểu linh mục, giáo dân tới dự để giữ vững mối đoàn kết tôn giáo; động viên giáo dân thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân.
Kết thúc buổi làm việc, Bác đi thăm dãy nhà làm việc của Ty Tài chính, Ty Nông lâm nghiệp; trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Ty Nông lâm nghiệp về tình hình hợp tác hóa nông nghiệp, tỷ lệ nông hộ chưa vào hợp tác xã.
Bác tới thăm gia đình đồng chí Bùi Cương Linh - Trưởng Ty Tài chính. Đi qua thấy hàng rào ngăn giữa Ty Tài chính và Ủy ban hành chính tỉnh bị đổ ngả nghiêng, Bác nhắc nhở phải dựng lại hàng rào cho chắc chắn.
Sáng ngày 25/9/1958, đại diện Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và hàng ngàn quần chúng nhân dân thị xã Yên Bái, các vùng lân cận đã tề tựu đông đủ ở sân vận động thị xã dự lễ mít tinh và nghe Bác nói chuyện.
8 giờ sáng, đoàn xe đưa Bác cùng đoàn công tác của Chính phủ; lãnh đạo tỉnh Yên Bái tiến vào khu vực sân vận động. Đoàn xe dừng lại, Bác bước xuống xe với bộ áo quần lụa màu gụ, tươi cười vẫy tay chào đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và cùng đoàn đại biểu bước lên Lễ đài sân vận động. Cả biển người sôi động hô vang khẩu hiệu "Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Đại diện các cháu thiếu niên nhi đồng đã lên Lễ đài tặng hoa chúc mừng Bác.
Đồng chí Nguyễn Đức, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đọc lời chào mừng và trân trọng mời Bác nói chuyện với đồng bào. Bác đứng trước mi-crô, tươi cười, vẫy tay chào đồng bào. Những tràng pháo tay, những lời hô khẩu hiệu "Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm” lại vang lên.
Tại buổi mít tinh, sau khi khen ngợi thành tích của quân và dân Yên Bái, Bác thân mật nói chuyện và ân cần dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trước hết, Bác nói đến vấn đề đoàn kết dân tộc. Đây là vấn đề số một, hết sức quan trọng bởi vì: "… Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức, bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ”.
Bằng những hình ảnh ví dụ hết sức gần gũi, sinh động, dễ hiểu, Bác đã nêu ý nghĩa của vấn đề đoàn kết: "…10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xòe 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó…”.
Tiếp đến, Bác nói về việc tăng gia sản xuất phải làm thế nào để đời sống nhân dân được sướng hơn, được ăn no mặc ấm. Bác khẳng định, để làm được điều đó thì phải tăng gia sản xuất, phải cố gắng làm ăn định canh, tăng vụ, phải chú ý về phân bón. Bác cũng khuyên, không nên về sợ đóng thuế mà không tăng vụ, giấu diện tích vì "Nhân dân làm chủ mà ông chủ, bà chủ lại tự dối ông chủ, bà chủ thì có đúng không?”.
Rồi Bác dặn dò: "Đất của ta không thiếu nhưng một số đồng bào dân tộc còn phải làm rẫy, làm nương. Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp…”.
Vấn đề thứ ba Bác đề cập đến trong bài nói chuyện là phải tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hoá mới. Đó là, tiết kiệm trong tăng gia sản xuất, tiết kiệm trong tổ chức ma chay, cưới xin…
Về xây dựng đời sống văn hoá mới gắn với thực hành tiết kiệm, Bác nói: "Đồng bào ta đây có nhiều điểm tốt, nhưng cũng còn có khuyết điểm cần phải sửa chữa dần dần. Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, hai bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ. Như thế là không tốt… đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ, nhưng cũng cứ phải chén, thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng…”.
Cả biển người bên dưới chăm chú, lắng nghe lời Bác căn dặn.
Thay mặt Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Đức - Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hứa quyết tâm thực hiện lời Bác dạy và bắt nhịp cho mọi người cùng hát bài "Kết đoàn”.
Trong lúc mọi người đang say sưa hát, Bác cùng các đồng chí trong đoàn rời khỏi Lễ đài, kết thúc chuyến thăm và làm việc đầy ý nghĩa tại tỉnh Yên Bái.
Ngọc Lan
Nguồn: Báo Yên Bái
CÁC TIN KHÁC