Luật Báo chí 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Luật có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Luật Báo chí lần này đã kết cấu Chương II với 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trong đó, quy định công dân có quyền: sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó.
Thứ hai, về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, Luật Báo chí mới đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học.
Thứ ba, Luật Báo chí mới đã bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí; trong đó, quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.
Thứ tư, về quyền tác nghiệp của báo chí, ngoài những quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí lần này đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Thứ năm, cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo trong Luật, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí mới này còn bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó, quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí: Luật Báo chí mới quy định mở hơn Luật Báo chí hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, thể hiện tại Điểm c, Khoản 2, Điều 21 quy định: nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.
Thứ bảy, về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí: Điều 9 Luật Báo chí mới đã quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, trong đó đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn một số hành vi so với Luật Báo chí hiện hành.
Thứ tám, về cải chính và xử lý vi phạm: nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật Báo chí mới đã bổ sung một số quy định mới về cải chính.
Thứ chín, Luật Báo chí mới đã pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào Luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí...
B.T
Nguồn: Theo Báo Yên Bái
CÁC TIN KHÁC