song
Nâng cao năng lực của đội ngũ phóng viên trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí
Ngày xuất bản: 17/05/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6478

  - Con người và công nghệ là hai chìa khóa quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công. Báo chí - truyền thông cũng không là ngoại lệ khi quá trình chuyển đổi số không hẳn chỉ liên quan đến công nghệ mà còn liên quan nhiều hơn đến yếu tố con người. Trong quá trình đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vừa là thách thức, vừa là chìa khoá để mỗi phóng viên khẳng định bản lĩnh của mình trong việc tiếp cận khai thác thông tin. Để có thể phát huy được những giá trị của nghề báo, các nhà báo tác nghiệp buộc phải chủ động ứng dụng những công nghệ hiện đại.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt từ chuyển đổi số

Kể từ hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX, những thay đổi nhanh chóng trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã trở nên ngày một nhanh hơn, rộng hơn và phức tạp hơn. Một trong những thực tế không thể phủ nhận, công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi ngành công nghiệp báo chí - truyền thông theo cả hai chiều hướng tích cực và bất lợi, điều đó đã buộc các nhà báo phải thay đổi và hình thành những kỹ năng để thích nghi với bối cảnh mới.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lise Lareau - Chủ tịch quốc gia của Hiệp hội Truyền thông Canada trong một bài viết mới đây đã đưa ra những đánh giá thực tế về những gì đang diễn ra trong cuộc cách mạng kỹ thuật số của ngành báo chí - truyền thông: "Chúng ta đang có rất nhiều các phương tiện công nghệ - kỹ thuật tuyệt vời để làm việc nhưng những công nghệ này cũng mang lại những bất lợi đáng kể với đội ngũ phóng viên, biên tập viên". Áp lực cạnh tranh việc làm, sự sụt giảm về thu nhập, sự căng thẳng khi luôn phải đối diện với tốc độ và áp lực công việc cao… có lẽ sẽ là rào cản của con người trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số. Nhưng cũng chính điều đó sẽ tạo động lực khiến họ buộc phải thay đổi cách làm việc.

Có thể dễ dàng nhận thấy chuyển đổi số đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt về vị trí việc làm. Công nghệ ra đời là để con người làm việc ít đi, nhưng sự kết hợp này chỉ hiệu quả nếu công nghệ đi cùng với những kỹ năng phù hợp của con người. Công nghệ đột phá dẫn đến tự động hóa và loại bỏ những công việc lỗi thời, tối ưu hoá các vị trí công việc mà một phóng viên có thể đảm nhận. Các tòa soạn theo mô hình tòa soạn đa phương tiện ở Việt Nam hiện nay đã quá quen với việc phóng viên tham dự một sự kiện cùng lúc phải viết bài cho báo in, báo mạng, sau đó làm audio phát thanh, quay và dựng video cho truyền hình thay vì mỗi phóng viên đảm nhận một vai trò như trước đây. Việc ghi âm, quay video hay chỉnh sửa âm thanh và video có thể được thực hiện đơn giản chỉ với một chiếc điện thoại hoặc máy tính mà không cần đến một lực lượng hùng hậu bao gồm kỹ thuật viên ghi hình, âm thanh hay ánh sáng. Một studio truyền hình có thể được thay thế bằng Parkervision - một hệ thống máy tính để bàn lớn và chỉ cần một người điều khiển với khả năng tự động các công đoạn vô cùng cao. Các thiết bị kỹ thuật số ngày càng dễ sử dụng đã dẫn đến những kỳ vọng mới về năng suất làm việc của con người, tuy nhiên, những thiết bị này cũng làm mờ các danh hiệu và mô tả công việc như một điều tất yếu.

Kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí từ một số quốc gia trên thế giới đã cho thấy để đưa ra được những nội dung tốt trên nền tảng số thì cứ 3 người làm về nội dung nên có 1 người làm về công nghệ cùng sáng tạo ra tác phẩm báo chí. Trên thực tế, cả công nghệ và nội dung đều liên quan mật thiết đến yếu tố con người. Vấn đề là phải xây dựng một đội ngũ người làm báo tinh thông về nghề nghiệp, có khả năng đưa ra xã hội những nội dung tốt và cũng phải sử dụng thành thạo công nghệ.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí

Tom Rosenstiel - Giám đốc điều hành Viện Báo chí Mỹ đã từng nói: "Đối với hầu hết các cơ quan báo chí, mẫu hình không giấy mới là tương lai. Hãy đẩy mạnh hoạt động digital, hoặc là chết". Báo Economist trong một bài viết mới đây cũng nhận định rằng, một trong những kết quả rõ nét nhất của đại dịch Covid-19 toàn cầu là việc "sẽ có nhiều dịch vụ tận dụng dữ liệu được áp dụng trong mọi mặt đời sống". Chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.

Theo thời gian, sự phát triển thần tốc của công nghệ khiến con người trở nên mất kiểm soát cuộc sống của chính mình chúng ta mới trở lại nhìn nhận đúng về vai trò của con người - một trong hai yếu tố trung tâm của chuyển đổi số. Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải là chuyện khó với các cơ quan báo chí, khả năng thích ứng với công nghệ, thích ứng với kỷ nguyên báo chí kỹ thuật số hiện tại và tương lai của con người, của đội ngũ những người làm báo mới là điều đáng được quan tâm. Vậy, để phục vụ công cuộc chuyển đổi số, bản thân các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên cần đáp ứng những tiêu chí gì?

Trước hết, tạo kỹ năng mới cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên: Các cơ quan báo chí cần tận dụng khả năng thích nghi của con người để tạo kỹ năng mới và nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên nhằm giúp công nghệ và con người bị tách biệt. Điều đó có nghĩa, khi lãnh đạo một cơ quan báo chí nghĩ tới việc đầu tư vào công nghệ, thì trước hết họ nên chuẩn bị nguồn nhân lực đủ mạnh để có thể tiếp cận, vận hành và khai phá được những nền tảng, thiết bị công nghệ phục vụ cho công việc.

Những kỹ năng công nghệ chủ chốt chính là những kỹ năng mềm như khả năng nắm bắt, khả năng thích nghi, ham học hỏi, sự linh hoạt, nhạy bén với công nghệ mới… Các vị trí chuyên gia phân tích an ninh mạng, kỹ sư phần mềm và các nhà khoa học công nghệ… sẽ là những vị trí công việc có nhu cầu lớn hơn tại các cơ quan báo chí trong thời gian tới. Điều nghịch lý là giáo dục bậc cao luôn chơi trò đuổi bắt, vì các trường đại học nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng và xây dựng các khóa học mà rốt cục tạo ra cung thừa trong tương lai cho các lĩnh vực đó. Năng lực công nghệ chỉ mang tính tạm thời, những kỹ năng cứng sẽ trở nên lạc hậu, do đó, chìa khóa ở đây là sự ham học hỏi, sự nhanh nhạy nắm bắt vấn đề.

Thứ hai, cần sự thay đổi tư duy từ cấp cao xuống cấp thấp: Tư duy của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả lãnh đạo. Cùng với tư duy khoa học, tư duy hệ thống và tính sáng tạo... đội ngũ lãnh đạo tòa soạn cần phải nâng cao năng lực tư duy chiến lược nhằm đáp ứng các yêu cầu của chuyển đổi số. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ít nhất 50% hiệu quả hoạt động của một đơn vị phụ thuộc vào người lãnh đạo. Điều đó có nghĩa, sự thay đổi có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn nếu nó đi từ cấp cao xuống cấp thấp. Trong bối cảnh chuyển đổi số, không thể trông đợi những thay đổi lớn từ các cơ quan báo chí nếu không bắt đầu từ việc lựa chọn và phát triển đội ngũ lãnh đạo toà soạn.

Thứ ba, có kỹ năng khai thác các dữ liệu có giá trị: Một trong những lợi thế cạnh tranh lớn đối với các quan báo chí và đối với bản thân từng phóng viên là việc khai thác các dữ liệu có giá trị. Một nhà báo, phóng viên, biên tập viên giỏi trong thời đại công nghệ số là người có kỹ năng biến các dữ liệu thô thành góc nhìn có ý nghĩa, và quan trọng hơn nữa là có thể kêu gọi hành động dựa trên các góc nhìn đó. Đa phần các cuộc trao đổi về dữ liệu thường tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc các loại hình trí tuệ máy tính cụ thể như máy học (machine learning), deep learning, hoặc xử lý ngôn ngữ tự nhiên... nhưng những bước tiến mạnh mẽ trong AI không thể tự tạo ra sự khác biệt cho một tổ chức trong tương lai nếu không có kỹ năng khai thác và xử lý của con người. Sự khác biệt giữa Google, Amazon hay Facebook với các công ty khác không phải là cấp độ hiện đại của những công nghệ họ sở hữu mà ở những bộ óc tài năng của các nhà khoa học dữ liệu và văn hóa hoạt động dựa vào dữ liệu.

Thứ tư, cần xây dựng tư duy liên tục thay đổi: Sợ hãi khi phải bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân là một trạng thái tâm lý thường gặp nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi một người tự đặt ổn định thì người đó sẽ mất đi động lực để khám phá một cuộc sống ý nghĩa hơn. Ngược lại, một cuộc đời không chắc chắn mới có thể kích thích hết khả năng tiềm ẩn thực sự bên trong mỗi con người. Cách để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có thể thích ứng với một hiện tại thay đổi liên tục là luôn tuân thủ hoạt động theo nhịp độ của toà soạn. Có thể có sự đánh đổi giữa tốc độ và chất lượng nhưng những bài học rút ra từ những thử nghiệm sẽ giúp các phóng viên có thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Chuyển đổi số báo chí không chỉ là vấn đề về công nghệ mà còn là chuyển đổi về tư duy. Cùng với chuyển đổi nội dung, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên… Các cơ quan báo chí cần có một lực lượng công nghệ, kỹ thuật nhất định. Bên cạnh xây dựng một đội ngũ công nghệ chuyên nghiệp, cũng cần hướng dẫn kỹ năng tối thiểu về mặt công nghệ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Khi các nhà lãnh đạo toà soạn nghĩ đến việc đầu tư vào công nghệ, trước tiên, họ cần nghĩ đến việc đầu tư vào yếu tố nguồn nhân lực - những người có thể làm cho công nghệ trở nên hữu ích. Các cơ quan báo chí có thể mua sắm thiết bị và công nghệ để chạy đua trong công cuộc chuyển đổi số, nhưng điều quan trọng hơn cả là khả năng thích ứng với kỷ nguyên báo chí số. Sự đổi mới dù theo hướng tích cực cũng không còn phù hợp nếu chúng ta không đủ kỹ năng để làm chủ và sử dụng nó.

Theo tạp chí Người làm báo điện tử

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải