song
Nhà báo, Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies): Độc giả tiếp cận thông tin trên ứng dụng MXH nào - báo chí phải xuất hiện ở đó
Ngày xuất bản: 10/03/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 14152

“Thông qua các nền tảng công nghệ, mạng xã hội (MXH), các cơ quan báo chí cho người dùng hiểu được những giá trị nội dung thông tin, thấy được cái nhìn đa chiều khách quan, xác tín. Làm được điều này sẽ không chỉ là thành công về thu hút độc giả mà còn mang hiệu quả về kinh tế”.

Đó là chia sẻ của nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies) về hoạt động báo chí trong thời kỳ bùng nổ của MXH.

Mỗi một tác phẩm báo chí đăng tải cần có cái nhìn đa chiều

+ Thưa ông, ông đánh giá thế nào về xu hướng tiếp cận thông tin trên MXH của công chúng hiện nay? Việc tiếp cận thông tin này liệu có ảnh hưởng tiêu cực đối với công chúng?

- Hiện nay người dân Việt Nam đã tiếp cận lượng thông tin gấp 5 lần so với những năm đầu của thập niên 1990, khi các giải pháp truyền thông trên internet được mở rộng, chúng ta tiếp cận đa dạng với khối lượng thông tin khổng lồ. Điều đó không có nghĩa là chúng ta tiếp cận thông tin tốt hơn, lượng thông tin quá nhiều, khi đó năng lực tiếp nhận thông tin sẽ trở nên hời hợt. Lượng thông tin đồ sộ nhưng nội dung thông tin nào cũng rất ngắn, không được sâu. Thông tin mọi người tiếp cận được thường mang theo những định kiến chủ quan của người xem.

Định kiến đó có sẵn trong nhận thức, tư duy của mỗi người, chính tư duy đó tác động vào hệ thống dữ liệu của trí tuệ nhân tạo đang có trong nền tảng MXH. Mình có định kiến gì, tìm kiếm thông tin như thế nào, công nghệ sẽ cung cấp thông tin phù hợp với định kiến đó. Rõ ràng chúng ta tiếp cận thông tin nhiều hơn, nhưng thông tin đó là khiên cưỡng, xuất hiện xu hướng phủ nhận việc tiếp xúc những thông tin đa chiều, nhất là khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Youtube…

 

Lượng độc giả rõ ràng đổ sang các MXH, báo chí sẽ dần mất chỗ đứng, điều này chúng ta phải đối mặt, đó là cạnh tranh sòng phẳng.

Việc tiếp cận thông tin này triệt tiêu, đẩy các tin với những góc nhìn khác và vô tình chúng ta không biết rằng sẽ có những nội dung khác, quan điểm khác, có thể là sự thật khác. Khả năng phân tích của trí tuệ nhân tạo càng phát triển bao nhiêu thì càng làm cho chúng ta có cái nhìn lệnh lạc về mọi mặt nhiều hơn.

+ Trong sự phát triển đó, phải chăng báo chí đang bị thất thế, khi chạy theo các sự kiện, tin tức, hình ảnh đã đăng tải trên MXH?

- Báo chí phải giữ vai trò là người phân tích và truyền tải thông tin độc lập, tiếp cận gần hơn với sự thật (mặc dù khó để xác định chắc chắn sự thật). Báo chí nếu hoạt động theo đúng nguyên tắc nghiệp vụ, tôn chỉ sẽ là cách tiếp cận gần với sự thật nhất.

Bên cạnh đó, cần thu thập thông tin một cách đa chiều, khách quan. Nếu như báo chí cũng a dua viết theo cảm tính của công chúng, viết theo cách mà công chúng muốn đọc, như vậy sẽ bị đi theo một dòng, một hướng tư duy. Báo chí như vậy sẽ góp phần củng cố những định kiến của người dùng. Lúc này báo chí sẽ không giữ được vai trò truyền thống vốn có. Báo chí không thể đuổi theo cách làm của MXH, vì người dùng MXH thường không có nghiệp vụ để điều tra nghiên cứu những vấn đề, có quan điểm một cách sâu sắc.

Nếu báo chí hoạt động theo cảm tính, đăng nội dung tin bài theo mong muốn của một bộ phận độc giả thì sẽ là rất nguy hiểm. Mỗi một tác phẩm báo chí đăng tải cần có cái nhìn đa chiều, cố gắng tiếp cận thông tin ở nhiều phía, đi đến ngọn ngành. Tất nhiên báo chí cung cấp thông tin người đọc muốn đọc, nhưng đồng thời cần có nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích, đa dạng.

Báo chí trên mặt trận truyền thông phải giữ được trung lập, sự độc lập trong tư duy, không áp đặt suy nghĩ của cá nhân lên vấn đề nào đó. Mỗi nhà báo có thể có góc nhìn, ý kiến cá nhân khác nhau nhưng đã viết báo phải gạt cái tôi, tìm ra những nguồn tin, có góc nhìn từ nhiều phía. Tuy nhiên đây là nói ở góc độ lý thuyết còn câu chuyện thực tế vẫn rất khó thực hiện. Người làm báo sử dụng MXH cũng đăng tải, tương tác như mọi người thì chúng ta sẽ bị chi phối và giống như nhiều người dùng khác. Bản lĩnh người làm báo phải khác với người dùng MXH khác.

Cuộc cạnh tranh sòng phẳng

+ Thị phần quảng cáo ở các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử bị thu hẹp, ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Tổng chi phí cho quảng cáo mỗi năm đều tăng lên theo xu hướng chung, nhưng tỷ lệ quảng cáo trên báo chí so với các nền tảng công nghệ như Google, Facebook, Twitter, Youtube… thì tỷ lệ quảng cáo cho báo chí ngày càng thu hẹp. Giống như miếng bánh ngày càng to ra nhưng phần chia cho báo chí thì ngày càng nhỏ lại. Rõ ràng khả năng tiếp cận công chúng qua nền tảng MXH tốt hơn, hiệu quả hơn so với báo chí, đó là hiện trạng.

Chúng ta phải thừa nhận rằng công nghệ ngày càng phát triển và có xu thế chiếm dần lượng bạn đọc của báo chí. Vị trí của báo chí với công chúng đang dần dần mất, yếu đi. Khi mà các nền tảng công nghệ định danh, phân loại các đối tượng tiếp xúc, nhờ công nghệ, các MXH hiểu được nhu cầu, thị hiếu, hành vi người dùng hơn, thì báo chí vẫn đưa sản phẩm đến người dùng như một tập thể rộng lớn, không có sự thấu hiểu, kết nối liên hệ cho từng cá nhân.

Các doanh nghiệp muốn quảng cáo có thể thông qua các công ty công nghệ, MXH sẽ tiếp cận được đến từng đối tượng khách hàng với tư cách là những cá nhân, khi họ nắm được các nhu cầu, tư duy của từng khách hàng. Lượng độc giả rõ ràng đổ sang các MXH, báo chí sẽ dần mất chỗ đứng, điều này chúng ta phải đối mặt, đó là cạnh tranh sòng phẳng.

 

Nhà báo, Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies).

+ Trong muôn vàn thông tin, đã có nhiều cơ quan báo chí chủ động đi đầu trong đổi mới nội dung và coi mạng xã hội như những kênh trong mục tiêu tăng lượt truy cập, tăng khả năng tương tác, thưa ông?

- Đó là xu hướng chung, khi độc giả tiếp cận thông tin trên ứng dụng MXH nào buộc cơ quan báo chí đó phải xuất hiện ở đó. Nền tảng công nghệ nào mới ra, chiếm được sự quan tâm của công chúng thì báo chí phải có mặt ở đó, đưa nội dung lên đó.

Như một số tờ báo lớn trong nước đã phát triển ở nhiều nền tảng khác nhau, như: TikTok, YouTube, podcast trên các nền tảng Spotify, iTune… để kéo người dùng vào các kênh của họ, người dùng nhìn thấy sự sáng tạo, tính phát hiện của thông tin tốt hơn so với MXH, tạo nên sức lôi cuốn, lúc đó là thành công, thành công cả về lượng độc giả theo dõi báo lẫn hiệu quả về kinh tế.

Qua các nền tảng này, các cơ quan báo chí cho người dùng hiểu được những giá trị nội dung của cơ quan báo chí, thấy được cái nhìn đa chiều khách quan hơn, uy tín, xác tín hơn. Hiểu rõ chân tướng sự thật, vấn đề. Mang lại niềm tin, tính khách quan, chuẩn mực của vấn đề. Tất nhiên mỗi cơ quan báo chí sẽ có những cách thể hiện thông tin riêng, cá tính, tố chất riêng của từng đơn vị.

+ Theo ông, về lâu về dài, các cơ quan báo chí cần có những chiến lược gì để cùng cạnh tranh giữa chính các cơ quan báo chí và với các nền tảng MXH để cùng phát triển?

- Mỗi cơ quan báo chí đều có những tính đặc thù riêng của từng đơn vị, ở đây điều quan trọng là việc xác định con đường phát triển nội dung phù hợp với độc giả mà tòa soạn báo muốn hướng tới. Cơ quan báo chí phải xác định điều mình nhằm tới, hướng tới điều gì, biết được giá trị cốt lõi nhất của tờ báo mình. Làm sao có sự khác biệt với các tờ báo khác và thông tin trên MXH. Ở đây cơ quan báo chí phải có con đường riêng biệt. Tìm ra được thế mạnh riêng, tập trung phát triển thế mạnh của riêng tờ báo đó, chứ không phải như ở bất kỳ tờ báo nào khác.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải