song
Nhiệm vụ của báo chí trong tuyên truyền phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Ngày xuất bản: 22/08/2019 12:00:00 SA
Lượt đọc: 94322

Hơn 70 năm qua, kể từ ngày chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban Tổ chức “Ngày thương binh, liệt sĩ” được đăng trong trang Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27/7/1947. Kể từ ngày đó đến nay, báo chí của nước ta luôn bám sát thực tiễn kịp thời phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, cổ vũ, động viên và nhân rộng những điển hình tiên tiến khơi dậy cách làm hay, sáng tạo trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nhờ có sự vào cuộc của báo chí, các phong trào như: “Áo lụa tặng bà, Áo ấm tặng mẹ, Hội mẹ chiến sĩ, Phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ: “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc giúp đỡ thương bệnh binh nặng, cha mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ không nơi nương tựa, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều tác phẩm báo chí đã có sức lan tỏa mạnh mẽ góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát, hi sinh, giúp các gia đình thương binh liệt sĩ người có công với cách mạng vươn lên trong cuộc sống.

Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Yên Bái viếng Nghĩa trang liệt sỹ Trung tâm tỉnh 

Ngoài ra báo chí còn tích cực đấu tranh phê phán những biểu hiện vô cảm trước sự hi sinh mất mát của các thế hệ đi trước, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực trong thực hiện chính sách người có công, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.

Trong suốt quá trình lịch sử dân tộc, báo chí đã bám sát tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết về công tác: Thương binh liệt sĩ như Chỉ thị 223/CT-TW tháng 7/1975 lấy ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành ngày “Thương binh liệt sĩ” của cả nước.

Hệ thống báo chí của cả nước đã góp phần khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc: Ưu đãi người có công như Chỉ thị 20-CT/TW về công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, giải quyết việc tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ vào nghĩa trang. Chỉ thị số 80-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn mới. Đặc biệt là việc tuyên truyền pháp lệnh ưu đãi người có công năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã được báo chí tuyên truyền khá đậm nét. Nhờ đó các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống, hàng triệu người có công đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

Các cơ quan báo chí trong cả nước đã góp phần cùng với các ngành các cấp kêu gọi tập thể và các cá nhân ủng hộ đóng góp: 3.481 tỷ đồng (tính trong 10 năm 2007 - 2017) vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ đó mà đã xây dựng được: 90 ngàn căn nhà, sửa chữa 75 ngàn căn với tổng giá trị trên 12 ngàn tỷ đồng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà trao quà tri ân đối với mẹ Việt Nam anh hùng nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ, đầu tư, nâng cấp các Trung tâm giám định ADN, giúp cho việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được chú trọng, quan tâm. Cả nước có 9.637 công trình liệt sĩ, trong đó có nhiều công trình có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Được, khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc…

Hoạt động tình nghĩa của các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn dân đã giúp các gia đình chính sách phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong cơ chế mới. 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Nhiều thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó đã trở thành nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt… trong đó có nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý, Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân. Tất cả những việc làm đó đã được báo chí phản ánh kịp thời, trung thực góp phần động viên người có công yên tâm vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Ngày 22/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 21/CT - TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với Chính phủ về việc đào tạo ngành nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng, tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng… đã được ban hành từ các nhiệm kì trước. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xác nhận, thực hiện giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án về xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Cùng với hệ thống báo chí của cả nước. Hội Nhà báo Yên Bái cùng các cơ quan báo chí: Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái, Báo Yên Bái, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã mở nhiều chuyên trang, chuyên mục phát động các cuộc thi viết về đề tài: “Đền ơn đáp nghĩa”. Thông qua việc giới thiệu chân dung, thành tích của các thương binh, gia đình liệt sĩ, các tổ chức cá nhân làm tốt chính sách cổ vũ phong trào giúp đỡ, ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Báo Yên Bái, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội xuất bản 2 tập sách giới thiệu tấm gương của các thương binh vượt qua nỗi đau mất mát vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Có thể khẳng định trong nhiều thập kỷ qua, báo chí luôn đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị làm tốt công tác: “ Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với dân tộc và đất nước trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc.

Ngọc Chấn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải