song
Những mùa hạ khó quên
Ngày xuất bản: 03/10/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 43411

 “Đây là Đài truyền thanh Yên Bái”- lời xướng được lồng trên nền nhạc “Bài ca cách mạng tiến quân” lần đầu tiên phát trên hệ thống truyền thanh của tỉnh tại Thị xã Yên Bái ngày 01/9/1957 chính là cái tên khai sinh của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái hôm nay.

Hồi đó bộ phận nội dung chỉ có 4 người kiêm cả mảng tuyên truyền trong Ty Văn hóa – Thông tin do anh Hồ Thức phụ trách. Lớp biên tập kiêm phát thanh viên đầu tiên của đài là các anh Hồ Thức, Cao Ngọc Thụy, chị Trần Thị Nhâm và chị Phùng Thị Thành. Sau khi chị Nhâm chuyển công tác đi Lao Cai được bổ sung thêm anh Đinh Trọng An, chị Phùng Thúy Vụ, chị Nguyễn Thị Minh và một số người khác. Đến nay chị Vụ, tôi và chị Nhâm  đã ở vào lớp người “Cổ lai hy”, còn các anh Hồ Thức, Cao Ngọc Thụy, Đinh Trọng An và chị Phùng Thị Thành đều đã là người thiên cổ. Thời gian như bóng chim câu qua cửa sổ, thoáng cái đã 59 năm trôi qua! 59 mùa hạ đầy ắp những kỷ niệm gắn bó với sự nghiệp phát thanh truyền hình đã trôi vào dĩ vãng.

Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái (Ảnh: PV)

Sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình Yên Bái ra đời trong những ngày hè nóng bỏng, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 12 quốc khánh Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và cuộc chiến của những người cầm bút chiến đấu trên mặt trận này cũng nóng bỏng và sục sôi suốt gần 60 năm  qua. Trải qua biết bao thăng trầm, từ lúc ban đầu bộ phận nội dung chỉ có trang giấy, cây bút, máy ghi âm chỉ có một chiếc to  như cải tủ để chạy nhạc hiệu. Tín hiệu truyền trên dây đưa đến các loa lớn 15w và 25w đặt tại các cụm dân cư, nhà dân ưu ái lắm mới có cái loa kim treo trên tường dù lúc kêu, lúc tịt. Ra - di - ô là một thứ xa xỉ với mọi người, cả tỉnh có lẽ chỉ có vài chiếc to như cái mõ trâu gọi là đài orionton do Hung ga ry sản xuất chủ yếu dành cho lãnh đạo.

Đi lên từ tay trắng nhưng với nhiệt tình cháy bỏng và lòng dũng cảm, những người làm công tác Phát thanh – Truyền hình Yên Bái đã bám trụ kiên cường, vượt qua bom đạn của quân thù, dựng lại cột, nối dây, sửa loa, có tới ba, bốn lần chuyển máy móc bằng vai trần, chân đất khiêng những cỗ máy phát điện, máy tăng âm nặng hàng tấn đi sơ tán, chạy hết chỗ này sang chỗ khác. Thế nhưng mỗi khi có máy bay địch là từ các loa truyền thanh lại cất lên tiếng còi ủ báo động và lời phát thanh viên dõng dạc: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Hiện nay máy bay địch đang xâm phạm vùng trời tỉnh ta, đồng bào hãy bình tĩnh nhanh chóng vào hầm trú ẩn, các lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng chiến  đấu!” Máy bay địch bị đánh tơi tả bay xa, đài lại báo yên, trên hệ thống loa lại vang lên những bản nhạc vui tươi cùng tin chiến thắng. Bám trận địa, bám dân, đưa tin kịp thời phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, gương chiến đấu, sản xuất của quân dân xã Giới Phiên, Hợp Minh, Đại Phác, Lang Thíp, Xuân Tầm…bắn máy bay địch, gương chiến đấu dũng cảm của tự vệ nhà máy cơ khí Yên Bái, trung đoàn 254 pháo phòng không và các đơn vị bảo vệ sân bay Yên Bái, hệ thống cầu đường sắt và Nhà máy thủy điện Thác Bà. Những tấm gương nữ dân quân Lương Thị Mới (xã Hưng Khánh, Trấn Yên) bắt sống phi công Mỹ; Hoàng Thị Ơn, Trần Thị Hạnh (xã Minh Đông, Văn Yên) dũng cảm tháo bom nổ chậm, cùng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trên những cánh đồng “5 tấn” trên khắp các địa bàn trong tỉnh được đưa tin kịp thời trên đài đã góp phần cổ vũ tinh thần vừa sản xuất vừa chiến đấu, tất cả vì Miền Nam ruột thịt của đồng bào chiến sỹ tỉnh ta cho đến ngày toàn thắng. Từ khi ra đời, đài luôn gắn bó, đồng hành cùng quê hương trong mọi bước đi lúc khó khăn cũng như khi tràn ngập niềm vui chiến thắng, đài trở thành một bộ phận không thể thiếu trong một cơ thể hoàn chỉnh của cuộc sống hiện đại, lãnh đạo không thể thiếu đài làm công cụ chỉ đạo, người dân cần nghe loa như cần không khí để hít thở. Chính do nhu cầu tự thân của cuộc sống đòi hỏi mà đài không ngừng phát triển thành hệ thống từ tỉnh đến các huyện, xã  và từng hợp tác xã.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cùng với sự phát triển của  đất nước, do nhu cầu tăng cường hệ thống tuyên truyền hiện đại hơn, khi thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn năm 1976 thì đến tháng 11 năm 1977 Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở chuyển phần lớn cán bộ quản lý và bộ phận làm công tác tuyên truyền của Ty thông tin cùng bộ phận biên tập Đài truyền thanh Lào Cai hợp nhất lại, tiếp nhận cơ sở kỹ thuật và đội ngũ công nhân của đài dự phòng Đài Tiếng nói Việt Nam (V3). Ban đầu còn trực thuộc Ty Thông tin,  Đài do anh Cao Ngọc Thụy là Phó Trưởng Ty kiêm giám đốc. Khi anh Thụy nghỉ hưu, Ty Thông tin giải thể anh Hồ Thức là Trưởng Ty Thông tin sang làm giám đốc. Lúc này Đài mới thật sự là  một tờ báo điện tử khá mạnh với một đài phát sóng ở tỉnh phát trên 3 tần số cùng 17 đài truyền thanh huyện thị và hàng trăm đài cơ sở hình thành mạng lưới phát thanh, truyền thanh từ tỉnh đến xã vừa tiếp sóng đài cấp trên, vừa phát thanh chương trình của mỗi cấp. Khi tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng (1978) tỉnh chủ trương chuyển về thị xã Yên Bái. Đài về tiếp nhận khu đất của Công ty vật tư nông nghiệp tại km7, sau khi tỉnh quy hoạch đặt đài truyền hình tại khu đồi sau trụ sở Ngân hàng nhà nước tỉnh ở km5 thì toàn bộ cơ sở của Đài được chuyển về đó để tiện việc sản xuất chương trình và truyền dẫn sóng.

15 năm trong đại gia đình Hoàng Liên Sơn, Đài phát  thanh tỉnh Hoàng Liên Sơn  đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một phòng trực thuộc ty Thông tin đài đã trở thành cơ quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh với nhiều phòng ban tổ chức thực hiện và quản lý sự nghiệp phát thanh, truyền thanh toàn tỉnh. Lúc đầu Đài chỉ phát thanh tiếng phổ thông thì nay đã phát 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số có tỷ lệ dân số khá đông của tỉnh. Cùng với chương trình thời sự đã duy trì chương trình ca nhạc và  mỗi tuần có hai chương trình văn nghệ. Nhiều chuyên mục được mở ra dành cho các đối tượng như thiếu nhi, thanh niên, lực lượng  vũ trang, phụ nữ v.v…Hoạt động của đài đã góp phần không nhỏ trên mặt trận tư tưởng để động viên quân và dân tỉnh Hoàng Liên Sơn chiến đấu và sản xuất thắng lợi.

Cùng với sự nghiệp phát thanh, sự nghiệp truyền hình cũng được phát triển nhờ sự quan tâm của tỉnh. Năm 1990, anh Đỗ Quang Minh là giám đốc đi học ở Liên  Xô, tôi được giao phụ trách đài. Một hôm đồng chí Chỉ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đỗ Khắc Cương đích thân đến tận Đài bảo tôi:

- Tớ xin được cái máy phát hình màu của Liên  Xô 100w, giao cho đài các cậu làm truyền hình liệu có làm được không? Tôi thưa:

-Tỉnh giao nhiệm vụ và được các anh ủng hộ nhất định chúng em sẽ làm được!

Nhận lời với lãnh đạo tỉnh nhưng phương tiện kỹ thuật chuyên dùng không có, kiến thức và kinh nghiệm làm truyền hình cũng là con số không, cán bộ kỹ thuật và phóng viên được đào tạo làm truyền hình cũng không. Từ “ba không” nhưng với tâm huyết và ý chí quyết tâm của tập thể, chúng tôi đã biến cái tưởng như không thể thành có thể. Được tỉnh ủng hộ, đặc biệt là Chủ tịch Đỗ Khắc Cương, chúng tôi đã xây được một nhà cấp III làm phòng máy, cột phát sóng là cột thông tin tín hiệu dùng trong quân sự mua từ miền Nam chở ra được Công ty xây dựng số 4 dựng cao 64 mét trên đỉnh đồi Ngân hàng, đưa tổng độ cao cả phần đất đồi tự nhiên và cột lên trên 100 mét so với  mặt đường 379, đủ tầm phủ sóng hầu khắp thị xã Yên Bái. Với một máy phát hình màu 100w, 3 màn  hình ti vi màu, 2 chiếc camera VHS nhãn hiệu M7, 2 đầu vi - đi - ô dân dụng để dựng hình, phát băng và dùng camera để lồng tiếng, ghép hình theo kiểu “cắt dán”, trường quay là phòng bá âm đài phát thanh được dùng chung cho truyền hình. Người có công đầu đảm nhận phần kỹ thuật để phát sóng thành công là anh Trần Khánh Dư, trưởng phòng kỹ thuật, người làm chương trình đầu tiên đưa nội dung các sự kiện và con người Yên Bái lên truyền hình với kỹ thuật thủ công, không có bàn dựng là anh Dương Soái. Phát thanh viên truyền hình đầu tiên là chị Đỗ Thị Hòa. Với những cố gắng vượt bậc, sự đam mê, dám nghĩ, dám làm của cả tập thể, lần đầu tiên người dân Yên Bái thấy hình ảnh của mình trên tivi là cả một sự vui mừng đến khó tả. Đài Truyền hình Yên Bái chính thức phát chương trình đầu tiên từ 19/5/1991.

Đang lúc bề bộn với bao công việc bởi Đài Tiếng nói Việt Nam đang liên kết với Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn xây dựng và đặt chương trình phát thanh tiếng H’Mông của cả nước tại Yên Bái, sự nghiệp truyền hình mới phôi thai thì thêm việc chia tách tỉnh. Có biết bao nhiệm vụ mới đặt ra: Nào sắp xếp nhân sự phân công người đi mà làm tư tưởng động viên người đi Lao Cai đâu có dễ! Rồi tìm đâu ra máy phát sóng, máy ghi âm, các trang bị kỹ thuật để từ một đài trang bị cho hai đài của hai tỉnh, sau đó là lắp đặt, vận hành, tổ chức sản xuất chương trình, nội dung để đúng 01/10/1991 mỗi đài tự phát chương trình của tỉnh mình. Khó khăn là thế nhưng với cố gắng cao và nhiệt huyết cùng trách nhiệm của cả tập thể đoàn kết, phấn đấu nên mọi việc đều được hoàn thành đúng thời gian theo yêu cầu.

Mùa hạ cuối cùng tôi làm công tác phát thanh, truyền hình cũng là mùa hạ chia tay với Lao Cai. Cho đến nay, chuyến xe cuối cùng chở anh chị em đi Lao Cai dời khu tập thể Đài phát thanh ở km7 dưới cái nằng chói chang đã trôi vào quá khứ được một phần tư thế kỷ mà tôi vẫn còn có cảm giác như anh em chỉ đi công tác ít ngày rồi về, không ai nghĩ lại xa đến thế!

Kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống ngành Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, nhớ lại cảnh cũ người xưa mà lòng bồi hồi xúc động. Vui  với sự lớn mạnh không ngừng ngang tầm thời đại của sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình hôm nay, chúng tôi - những người được đặt mấy viên gạch nhỏ góp phần xây đắp nên sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình  tỉnh nhà hôm nay càng tin tưởng các đồng nghiệp trẻ nhất định sẽ kế thừa một cách xứng đáng truyền thống 59 năm qua của Đài để cùng nhau đoàn kết phấn đấu, vượt khó đi lên xây dựng sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình Yên Bái phát triển đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, chính quyền, nhân dân trong tỉnh và bè bạn gần xa.

 Nguyễn Thanh Vân

(Nguyên Giám đốc đài PT-TH tỉnh)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải