song
Sáng tạo hết mình cho những khuôn hình đẹp
Ngày xuất bản: 19/12/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 30126

Trong ký ức của Trần Tiến, nghề báo là những đêm thức trắng trực máy của bố và là những chuyến công tác một mình kéo dài cả tuần của mẹ ở vùng cao. Rồi từ những lần theo chân bố đến Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái, Trần Tiến đã tò mò với những chiếc máy to cồng kềnh nhưng lại có thể làm ra những hình ảnh như thật. Dần dần Tiến lại thấy những câu chuyện về góc máy, thước phim của các cô chú phóng viên ở Đài sao mà thú vị thế.

Phóng viên Trần Tiến

Từ nhỏ Trần Tiến đã thích chụp ảnh, đi đâu cùng gia đình, bạn bè cậu bé cũng mang theo máy ảnh bên mình. Thế nên sau hai tháng học ngành biên tập của Cao đẳng Truyền hình Hà Nội Tiến xin chuyển sang học quay phim truyền hình để khám phá về hình ảnh và góc máy. Bước chân vào nghề báo sau 3 năm học với những háo hức được đi và khám phá những vùng đất mà trước đây chỉ biết qua những lời kể của mẹ và những khó khăn mà trên giảng đường chưa bao giờ được học. Trần Tiến phải học hỏi từ những anh, chị đi trước, càng đi nhiều càng vỡ ra nhiều, Tiến dần hiểu để có được những hình ảnh mà mình thấy thật đẹp trên ti vi trước kia, những cung bậc cảm xúc mà mình được đón nhận khi xem truyền hình thật không hề đơn giản.

Phóng viên truyền hình là người kể câu chuyện bằng hình ảnh, nên cái cần đầu tiên là phải có được những hình ảnh “biết nói”, những hình ảnh trung tâm của câu chuyện, những hình ảnh đó phải “biết kể chuyện”. Vì vậy người quay phim phải đến tận nơi và kịp thời ghi lại hình ảnh và âm thanh của sự việc. Nếu không ghi được hình ảnh thì đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ có được phóng sự truyền hình. Vậy nên Tiến không bao giờ ngại đi và càng khó khăn thì lại càng háo hức. Tiến đặc biệt thích tác nghiệp ở vùng cao, bởi nơi đây có văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc, là một “kho” tư liệu khổng lồ để phóng viên tìm hiểu, viết bài. Nhưng địa bàn này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp. Khi nói đến vùng cao là nghĩ đến khó khăn: núi nối núi, rừng nối rừng, nắng và gió, địa bàn rộng, giao thông cách trở. Làm báo nơi gian khó này Tiến đã được thử thách, tôi luyện và trưởng thành.

4 năm làm nghề, kỷ niệm với nghề báo cứ lớn dần lên cùng với niềm đam mê với những khuôn hình, góc máy. Những bữa cơm cùng với giáo viên cắm bản chỉ có rau rừng và cá khô dưới ánh sáng điện thoại mà ngon hơn đặc sản. Rồi phong tục “chén rượu mở đầu câu chuyện” ở vùng cao, mà đó là thứ rượu không nhẹ mà nồng cay, xộc đến tận cổ họng khi đưa lên ngửi, hay những lần phải vật lộn với con “ngựa sắt” trên những đoạn đường dốc nhão nhoẹt, trơn trượt lại trở thành những điều thú vị. Nhưng có lẽ chuyến công tác trong 2 trận lũ lịch sử vào tháng 8 và tháng 10 vừa qua tại huyện Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ và Trạm Tấu vừa qua để lại ấn tượng sâu đậm nhất.

Nhận điện thoại từ lãnh đạo cơ quan, Tiến chỉ kịp ấn ít quần áo, đôi ủng và thứ không thể thiếu là nước uống và lương khô vào túi lên đường đến rốn lũ. Đến nơi một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra: nhà sập, những thân cây to 2 - 3 người ôm bị nước cuốn trôi nằm ngổn ngang, tài sản hoa màu coi như mất trắng, những tiếng khóc của người vợ mất chồng, con mất cha thôi thúc Tiến. 7 ngày ở Mù Cang Chải Tiến cũng như anh em báo chí không quản khó khăn ngày cũng như đêm dầm mình trong nước lũ. Vậy nhưng trận lũ sau tại Nghĩa Lộ và Trạm Tấu, Tiến vẫn hăng hái lên đường. 2 tuần nằm trong vùng lũ, đến hiện trường các bản bị lũ cuốn phần lớn là đi bộ men theo đường rừng, Tiến cùng đồng nghiệp chỉ kịp ăn uống ngay trên “trận địa”, cứ dừng chân nghỉ là tranh thủ ngồi viết, dựng hình.

Khó khăn nhất là đường vào Bản Hát, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu vẫn là những khúc cua, ướt nhẹp, có đoạn chỉ trơ đá, con suối bên đường khi nước rút lộ ra nhiều hòn đá kích thước lớn, cánh đồng Bản Hát gần như bị san phẳng. Câu chuyện về chàng trai Lò Văn Mười làm thuê ở Hà Nội khi nghe tin toàn bộ gia đình đã bị lũ cuốn trôi, mà đường vào Trạm Tấu bị chia cắt phải đi bộ 6 tiếng mới về đến nhà, nghe Mười kể Tiến cũng bật khóc.  

Tiến chia sẻ “Tôi muốn máy quay có thể lia đến tận ngóc ngách những nơi lũ tràn vào để xem người dân gắng sức ra sao, luôn tự hỏi mình phải làm gì để giúp bà con. Những thước phim, hình ảnh đã là thông điệp để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, để bà con không bị đói và rét và luôn có niềm tin không bị đơn độc.

Với Tiến quay phim là một nghề “kỳ lạ”, bởi người quay phim vừa phải nắm bắt các kiến thức về máy móc, kỹ thuật nhưng vừa phải có tâm hồn của một nghệ sĩ, chứ không đơn thuần là những nút bấm cơ học. Trong mỗi phóng sự Tiến như sống và cảm cùng nhân vật để tìm ra những cách thể hiện sinh động cho mỗi khuôn hình. Bởi nếu quá trung thành với một cách quay thì dễ làm cũ mình, góc máy không có độc đáo. Đây cũng là động lực để Tiến không ngừng vận động, tự đổi mới mình từ tư duy đến cách ghi hình. 

Nhà báo Phương Lan, Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái nhận xét “Trần Tiến là phóng viên hăng hái, xông xáo, không ngại đến những nơi khó khăn. Tiến luôn biết cách sáng tạo ra những khuôn hình đẹp, những góc quay táo bạo, tạo được hình ảnh mang giá trị thông tin”.

Chọn nghề quay phim truyền hình là lựa chọn cho mình một công việc không hề nhàn hạ. Chỉ riêng chuyện liên tục công tác xa, thậm chí không báo trước. Trên chặng đường đó, có những lúc người quay phim phải đơn độc, vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại. Mỗi một thước phim, một khuôn hình đến với khán giả chính là kết tinh của bao mồ hôi, công sức, trăn trở, sáng tạo của người quay phim. Nhưng đã chọn nghề chàng phóng viên trẻ Trần Tiến vẫn luôn hết lòng với nghề để tạo lên những bức tranh đa màu về cuộc sống.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải