song
Tăm Khảu Mả: Lễ hội giã cốm của người Tày - Đồng Khê
Ngày xuất bản: 11/10/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 36443

 Từ thành phố Yên Bái, ngược đường miền Tây, vượt qua Đèo Ách “Bên nắng, bên mưa khí trời cũng khác” là tới Đồng Khê - một trong 31 đơn vị hành chính của huyện Văn Chấn. Nơi đây có thung lũng Nà Trạm xinh đẹp, bằng phẳng dưới chân núi Linh Nam và Pu Cóp Mưa. Nà Trạm là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Tày với những lễ thức sinh hoạt văn hóa truyền thống còn được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Trong đó có lễ hội “Tăm khảu mả ” có nghĩa là “Giã cốm” với những động tác, nhịp chày có niêm luật chặt chẽ và giàu sức biểu cảm, thể hiện ­ước vọng của lòng người về một cuộc sống thanh bình no đủ nơi mường bản.

Giã cốm ở Tú Lệ (ảnh: Đức Nguyễn)

Mỗi độ cuối thu, khi những bầu sữa nếp trên cánh đồng Nà Trạm vào độ đỏ đuôi mà tiếng Tày gọi là “Khảu pen rang” thì cũng là lúc bắt đầu lễ Tăm khảu mảu. Từ sáng sớm, khi những hạt sương thu còn đọng trên những tấm mạng nhện mỏng manh, các noọng duyên dáng trong những bộ áo váy tràm xanh thẫm, lấp lánh vòng xà tích ánh bạc, đeo ớp bên hông, tay cầm hái nhỏ râm ran rủ nhau ra thửa ruộng đầu bản, ngắt lúa nếp về chuẩn bị cho lễ Tăm khảu mảu. Từng bông nếp thơm sây hạt - chắt chiu thơm thảo từ đất mẹ, được những bàn tay thuần phác nghề nông chọn lựa, nâng nui thành những cụm lúa đẹp tựa đóa kim hoa, mang về sấy đều trên than củi. Lò sấy được đào vào một thế đất cao, vừa để dễ đốt vừa hàm ý tượng trưng cho trời đất gặp nhau, giao hòa linh khí âm dương. Đến khi hạt lúa nứt nẻ, tỏa hương thơm nồng ấm vào không gian mênh mang thăm thẳm của trời thu, lúa sấy  được mang ra nèo, dùng bát sứ tuốt hạt khỏi bông.

Linh hồn và nét đặc sắc của lễ Tăm khảu mảu, thể hiện sinh động nhất ở phần giã cốm. Âm thanh náo nức gọi mời của lễ hội cất lên nhờ sự kết hợp hài hòa theo niêm luật giữa Tăm khảu mảuquéng loỏng (Tức là giữa động tác giã thuần túy và nghệ thuật gõ chày vào thân đuống). Chày và đuống nguyên thủy là những công cụ lao động, dùng bóc tách hạt lúa thành gạo. Khi văn hóa ẩm thực thăng hoa thành văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của con người, thì chày và đuống trở thành nhạc và đạo cụ trong lễ hội. Chày được làm bằng những thân cây sồi vừa nắm tay cầm và dài chừng 1,5 mét. Đuống có hình dạng giống chiếc thuyền độc mộc. Các bậc cao niên ở thung lũng Nà Trạm bảo rằng: Chỉ có những cây đuống làm bằng thân sấu già trên núi Pu Cóp Mưa và Linh Nam mới cho những âm thanh vang ấm.

Giã cốm được tiến hành qua sáu bài theo những thể thức nhất định. Mỗi bài theo một nhịp, diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau, vừa mang màu sắc tâm linh vừa chứa đựng những ý niệm phồn thực. Nhịp đuống là những bài ca về tình yêu, đạo đức, ý chí, tình cảm và còn là tín hiệu nóng ấm của con tim, là sợi dây gắn kết cộng đồng, thắp sáng niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc.

“Kha tham” Là bài giã đầu tiên, gồm ba người gõ đuống theo nhịp đi. Các đuống hai bên chống chày, đung đưa theo nhịp đuống bạn để phụ họa và tăng thêm phần say sưa cho lễ hội. “Lạc thác” là bài giã tám người một đuống, đồng loạt theo nhịp điệu đều đặn và giòn giã. Tiếp đến là bài “Cắp cáng”. Tiếng đuống da diết, đượm chút buồn, gợi nhớ câu chuyện tình đau thương và đẹp của đôi trai gái yêu nhau tha thiết, nhưng vì sự hà khắc của lễ giáo xưa, họ đã phải chết, biến thành đôi chim suốt đời gọi nhau “Cắp cáng …cắp… cắp… cáng”. Đó cũng là quan niệm về tình yêu thuần khiết, thủy chung và khát vọng yêu thương của người miền núi. Hai cây sào nứa vỗ nhẹ bên thân đuống, cùng tiết nhịp khoan nhặt ở bài “Kèn lừa” là những lời nhắn nhủ ân tình của người xưa về kinh nghiệm sống, để tránh những tai họa có thể xảy ra trên sông nước. “Kèn lừa” cũng chính là mong ước của lòng người về những may mắn trong cuộc đời. Đặc biệt ở bài “Tăm húc” có nghĩa là dệt vải. Truyền thống tốt  đẹp của phụ nữ Tày được thể hiện qua những động tác mô phỏng hình ảnh thoi đưa nhịp nhàng và âm thanh rộn ràng của khung cửi. Từ những sợi lanh nhỏ, nhờ ban tay khéo léo và đức tính cần mẫn, người phụ nữ đã dệt nên ước mơ, hạnh phúc, dệt thành tiếng nói tâm tư tình cảm, thành niềm tự hào và tô thắm sắc màu xứ sở. “Tạp hua ma” (Tức là: Đập đầu chó) là bài giã cuối cùng và cũng là lúc hạt cốm xanh, dẻo hình thành. Những tiếng đuống dồn dập, tựa tiếng thét căm giận và quyết tâm xua đuổi diệt trừ loại lang sói - diệt trừ cái ác bảo vệ cuộc sống an vui hạnh phúc cho bản làng.

Có hạt cốm rồi, người ta tiến hành chế biến thành nhiều món ăn mang phong vị ẩm thực của người Tày. Hạt cốm tươi dùng làm món tráng miệng ăn kèm với chuối chín. Cốm xanh dẻo thơm quện với hương vị ngọt ngào của chuối ngự cuối thu thật hấp dẫn. Cốm tươi còn được nấu với nước luộc vịt, cho một thứ cháo sánh, có thể gắp được ăn vừa thơm mát lại vừa ngậy. Cũng những hạt cốm tươi ấy, đem rang lên cho phồng, ăn vào giòn tan thơm ngọt. Rồi còn cả món cốm đồ xôi, gói lá dong xanh, để cả ngày vẫn dẻo thơm hương vị núi ngàn. Nhìn chung các món ăn chế biến từ hạt cốm xanh rất đặc biệt và chỉ có nếm thử mới cảm nhận hết vị thơm ngon và sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Tày nơi thung lũng Nà Trạm này.

Trong ngày lễ Tăm khảu mảu, con cháu bao giờ cũng dành những hạt cốm đầu tiên, bát cháo cốm múc ra trước nhất và gói xôi cốm vừa xơi ra từ chõ đồ còn nghi ngút khói hương mùa nếp mới, thành kính dâng lên “Xó ma” và bàn thờ Thổ công. Nghi thức này là để bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng với đất trời, tổ tiên và cũng là tâm nguyện gìn giữ truyền thống văn hóa bao đời của dân tộc mình.

Lễ hội Tăm khảu mảu có thể kéo dài tới tận đêm khuya. Càng về đêm, tiếng đuống càng say sưa. Tất cả như tan hòa đắm đuối trong đam mê và ước vọng cội nguồn - trong cái vĩnh hằng của tình yêu cùng những câu khắp nôm xao xuyến gọi mời.

- Em ơi! Em có mang cái đó chắn vào lỗ con thuồng luồng được không? Em có mang bờ rào nứa chắn lấy mặt trời được không?

- Mang cái đó chắn vào lỗ con thuồng luồng, em cũng chắn được. Đem bờ rào nứa chắn lấy mặt trời em cũng chắn xong… Anh ơi! Cái kim rơi xuống gậm sàn anh có tìm thấy không? Em đi nhà chồng rồi, anh có chuộc được không?

- Kim rơi xuống gậm sàn, anh cũng tìm thấy. Em đi nhà chồng rồi, anh cũng chuộc được em ra…

Nhịp đuống càng say sưa, chén rượu mừng lúa mới càng thêm sóng sánh. Lời hát giao duyên của các noọng các càng nồng nàn và tha thiết.

- Hai tay em nâng chén rượu đầy. Bước vào gian giữa mời ông, mời cụ vui cùng con cháu. Bước tới gian ngoài mời cô bác, chú dì. Mời anh chung vui mừng lúa mới. Đã nâng thì cạn. Không cạn, thì có đôi con nòng nọc chết khô, có con chuột trong hang lăn ra chết. Rượu để cao thì nó đổ. Rượu để thấp thì nó đắng…ai ơi!

Không khí lễ hội Tăm khảu mảu ở thung lũng Nà Trạm cứ say sưa cho tới tận đêm khuya khi trăng cuối thu đã kề ngọn núi đằng tây. Những bịn rịn nhớ nhung trong phút chia tay xin gửi vào câu khắp tiễn nhau, gửi vào hẹn ước mùa sau, lại cùng nhau giã cốm, khắp then và cùng uống hình nhau trong chén rượu đầy.                                    

                                                                 Thanh Tửu

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải