song
Thách thức về tính trung thực của tin tức khi tốc độ phát triển và áp dụng AI ở mức nhảy vọt
Ngày xuất bản: 17/08/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6431

Hoạt động báo chí trong xu thế cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới, việc bắt gặp những thông tin sai lệch không còn là hiếm. Với tốc độ phát triển và áp dụng AI đã vượt xa những bước nhảy vọt về công nghệ trước đây, thách thức trong tính trung thực của tin tức đang là vấn đề nóng hổi.

Rủi ro tiềm tàng trong việc lan truyền thông tin sai lệch

Khoa học công nghệ không chỉ tác động đến cách thức báo chí, truyền thông truyền đi thông điệp của mình, chi phối, tác động đến cách thức và hiệu quả tiếp cận của công chúng mà còn tác động sâu sắc vào chất lượng thông tin.

Thực tế cho thấy, báo chí đã có khả năng thích ứng nhanh chóng với sự đổi mới của công nghệ, đặc biệt là trong những năm gần đây. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã dần trở nên phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại tòa soạn của các hãng thông tấn. Việc áp dụng AI đã mang lại lợi ích cho cả nhà báo và tổ chức truyền thông. Nó giải phóng các nhà báo khỏi những nhiệm vụ tẻ nhạt thường ngày, giúp họ tiết kiệm thời gian và tập trung vào những công việc sáng tạo và có đòi hỏi nhiều kỹ năng cao hơn.

Mặc dù AI có nhiều lợi ích, nhưng nó cũng gây ra một số lo ngại. Một trong những rủi ro đáng kể nhất là khả năng nội dung do AI tạo ra sẽ lan truyền thông tin sai lệch. 

 

10 hãng thông tấn hàng đầu thế giới kêu gọi đàm phán tập thể và minh bạch giữa các phương tiện truyền thông và các nhà phát triển AI để kiểm soát xem tài liệu có bản quyền nào có thể được sử dụng trong đào tạo các công cụ AI, cũng như loại bỏ sự thiên vị trong thuật toán AI.

Trong tuần vừa qua, có tới 10 hãng thông tấn hàng đầu thế giới đã ký vào bức thư kêu gọi sự minh bạch và luật bản quyền rõ ràng nhằm vào AI. Các hãng thông tấn này cho rằng AI có khả năng “đe dọa tính bền vững của hệ sinh thái truyền thông” bằng cách làm xói mòn đáng kể niềm tin của độc giả vào chất lượng và tính trung thực của tin tức. 

Theo nhiều nghiên cứu, AI có thể được sử dụng để lọc và chọn những câu chuyện có nhiều khả năng thu hút độc giả và tương tác nhất, do đó tạo ra sự mất cân đối trong tin tức, điều này sẽ không có nếu các câu chuyện được trình bày theo cách khách quan do con người sản xuất. Công chúng chỉ tiếp xúc với một mặt của câu chuyện, và do đó, họ có thể bị định hướng thông tin một chiều do Al tạo ra. Hơn nữa, AI có thể được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch và tin giả cho công chúng bằng cách trình bày những câu chuyện giả tạo bên cạnh những câu chuyện có thật. 

Bên cạnh đó, AI cũng có thể là đối tượng bị lừa bởi tin giả. Các thuật toán AI được thiết kế để xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, nghĩa là rất khó để phân biệt giữa tin thật và tin giả. Hơn nữa, AI không có khả năng hiểu được ý nghĩa cảm xúc và đạo đức của tin tức mà nó xử lý. Khi AI tiếp tục trở nên tiên tiến hơn, khả năng dễ bị tin tức giả mạo tấn công sẽ tăng lên, khiến việc phân biệt giữa đâu là thật và đâu là giả càng khó khăn hơn. 

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, khi AI trở nên lợi hại cũng là lúc chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm, chủ động trước nguy cơ kẻ xấu, thế lực thù địch sử dụng AI để phát tán tin độc hại, tin giả. Từ góc nhìn an ninh truyền thông, điều này cho thấy sự tiềm ẩn nguy cơ về thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả. Một khi trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong lĩnh vực thông tin, công nghệ có thể giúp làm giả giọng nói, hình ảnh, tạo dựng những câu chuyện, phát ngôn giả mà như thật để đánh lừa công chúng, đặc biệt trên không gian mạng xã hội.

"Những đối tượng có mục đích xấu lợi dụng vai trò, uy tín của báo chí để làm giả các thông tin, đánh lừa công chúng đó là thông tin báo chí cung cấp, phản ánh. Sự phát triển của tin giả sẽ càng trở nên tinh vi, phức tạp, và vì vậy, cùng với việc nâng cao cảnh giác, các phương pháp nhận diện, đối phó, xử lý nạn tin giả càng phải được chú trọng đầu tư công nghệ thông minh và xử lý bài bản. Năng lực quản lý xã hội và quản lý cơ quan báo chí cần được nâng lên để thích ứng với biến đổi", PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh nhận định.

Ngành công nghiệp tin tức phải tìm cách bảo vệ nội dung sáng tạo của mình

Kể từ khi ra mắt ChatGPT vào 11/2022, các ứng dụng mới dựa trên nền tảng Generative AI đã được triển khai gần như hàng ngày. Hệ quả là Internet đã chứa đầy nội dung do AI tạo ra. Bên cạnh những thứ khiến con người ta phải sửng sốt thì cũng xuất hiện vô số những nội dung nhạt nhẽo, lặp đi lặp lại. Điều đó làm cho việc lan truyền thông tin sai lệch trở nên dễ dàng hơn và cũng đặt ra gánh nặng lớn hơn cho ngành truyền thông trong nỗ lực củng cố và khôi phục lòng tin của độc giả.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo Vietnamplus nhắc lại bài học từ quá khứ, khi nhiều chuyên gia cho rằng một trong những sai lầm lớn đầu tiên của báo chí là phản ứng quá chậm về tầm quan trọng cũng như sự xâm lấn của mạng xã hội. "Chúng ta đã trải qua một thời gian dài đưa hết nội dung mà mình sản xuất lên mạng xã hội, thay đổi những thứ cốt lõi nhất của mình để phục vụ nó, mà đôi khi nó không phải thế mạnh của chúng ta cũng như không phải thứ mà độc giả đang cần. Tóm lại là chúng ta đã trao quyền lực quá lớn cho mạng xã hội và dẫn đến việc mạng xã hội quay lại nuốt chửng chúng ta", nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho biết.

 

Trong những ngày đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu tại World Cup, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những nguồn phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt. (Ảnh: VTC)

Nhìn nhận về hiện tại mối đe doạ từ AI, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, nhìn chung AI giúp các tòa soạn thực hiện công việc nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, nhưng nó sẽ khiến các biên tập viên, phóng viên trở nên dễ dãi, cũng như góp phần khiến việc truyền các thông tin sai lệch nhanh hơn. "Chẳng hạn trong đợt World Cup Bóng đá Nữ vừa qua, những nội dung giả mạo về đội tuyển nữ Việt Nam trở nên “viral” một cách khủng khiếp thông qua những đoạn meme được chế từ các công cụ có sử dụng AI, khiến tâm lý chung của một bộ phận khán giả bị đẩy sang thái cực mang tính cực đoan", nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật đưa ra ví dụ.

Tại nước ngoài, trang News Guard đưa ra một thống kê giật mình khi có tới 347 trang tin tức trông chả khác gì các trang tin tức hợp pháp, nhưng nó chứa đầy nội dung do AI tạo ra và thúc đẩy việc thông tin sai sự thật. Một nghiên cứu gần đây của Massachusett Institute of Technology (MIT) cho thấy, mọi người có nhiều khả năng tin vào thông tin sai lệch do AI tạo ra hơn là tin giả do con người viết ra. 

Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật thực tế này đặt ngành công nghiệp tin tức vào thế phải tìm cách bảo vệ nội dung sáng tạo và tài sản trí tuệ của mình, nhưng cũng không thể quay lưng lại với các tiện ích mà AI đem lại.

Đánh giá về thách thức trong tính trung thực của tin tức, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh cho rằng, Chat GPT dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Vấn đề kiểm chứng nguồn tin của phóng viên, nhà báo là vô cùng quan trọng nếu không muốn “tiếp tay” cho sự lan truyền thông tin không chính xác.

Qua nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm bàn về trí tuệ nhân tạo cho thấy một kết luận, nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao, nếu quản trị nội dung trong toà soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số. Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe doạ an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động… là những thách thức lớn hiện nay. 

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải