song
Thăng trầm tranh minh họa báo chí
Ngày xuất bản: 14/06/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8022

 Tranh minh họa là một yếu tố không thể thiếu của báo chí, góp phần làm nên sự sống động, thành công của các ấn phẩm. Lặng lẽ, âm thầm, các họa sĩ đã để lại nhiều dấu ấn cá nhân qua các tác phẩm vẽ minh họa truyện ngắn, truyện dài kỳ, bút ký, tản văn, thơ...

 

Tác phẩm minh họa trên báo in của tác giả tham gia triển lãm “Minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023”.

Các thế hệ họa sĩ vẽ minh họa

Có thể nói, các ấn phẩm báo in trong hơn một trăm năm qua đã tạo nên tên tuổi của nhiều thế hệ người làm báo, nhà văn, nhà thơ... và cả những họa sĩ thiết kế cũng như vẽ minh họa báo chí.

Với thể loại báo chí dành cho trẻ em, phần hình ảnh, vẽ minh họa cực kỳ quan trọng. Độc giả càng nhỏ tuổi thì phần vẽ minh họa càng nhiều và kích thước càng to. Như với tờ Họa Mi, Nhi Đồng, Rùa Vàng (dành cho lứa tuổi mầm non và tiểu học)..., họa sĩ phải "bao sân” "phần nhìn” tới 90%, phần chữ (nội dung để đọc) chỉ còn khoảng 10%. Ở nước ngoài, với nhiều ấn phẩm kiểu này, người họa sĩ vẽ minh họa kiêm luôn phần biên tập nội dung, cộng tác viên lại là các nhà báo, nhà văn, các chuyên gia kỹ năng và giáo dục. Ở những tờ báo mà độc giả lớn hơn, như Thiếu Niên Tiền Phong, Khăn Quàng Đỏ, Hoa Học Trò, Mực Tím... thì phần tranh, ảnh chiếm 50%. Ở những tờ báo này ngày nay, họa sĩ thiết kế kiêm kỹ thuật viên xử lý hình ảnh và vẽ minh họa khá nhiều...

Từ cuối những năm 1990, khi có máy tính tham gia vào hầu hết các khâu làm báo, các nhà in được trang bị hệ thống in 4 tới 7 màu. Nhanh - nhiều - tốt và rẻ hơn, số lượng và chất lượng báo, tạp chí tăng lên đã huy động các họa sĩ tham gia thiết kế và vẽ minh họa báo chí nhiều hơn hẳn. Báo in ghi dấu ấn khá nhiều tên tuổi họa sĩ ngoài Bắc, lứa gạo cội thì có Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Mai Long, Tạ Lựu, Huy Toàn, Tuấn Dũng, Đoàn Thanh, Đặng Thạc. Thế hệ tiếp sau có Lê Tiến Vượng, Hữu Khoa, Mai Hoa, Lâm Thao, Kim Duẩn, Minh Hải, Đình Lương... (báo Thiếu niên Tiền phong và Hoa Học Trò); Quang Vinh, Bích La, Bạch Đàn, Hải Nam... (báo Nhi Đồng). Trong Nam thì có Đỗ Trung Quân, Đức Lâm, Hoàng Tường, Nguyễn Ngọc Thuần, trẻ thì có Mai Thanh, Bình An, Tất Sĩ, Ngọc Châu, Tuyết Ngần, Vương Thị Thúy, Cao Thị Thúy, Lê Thị Hồng...

 

Tác phẩm minh họa trên báo in của họa sỹ Ngô Xuân Khôi tham gia triển lãm "Minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023”.

Ở những tờ báo mà độc giả là người lớn thì phần ảnh, minh họa chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ từ 10 đến 20%. Ở những tờ báo này, phần vẽ minh họa thường ở chuyên mục văn nghệ, trang thơ và góc giải trí...; hầu hết vẽ đen trắng, nhỏ, đơn giản. Có thể nhắc tới các họa sĩ tiêu biểu như Anh Dũng, Việt Tuấn (Tiền Phong), Đỗ Dũng (Phụ Nữ), Lê Tâm (Công an Nhân dân, Văn nghệ Công an), Thanh Toàn, Nguyễn Đăng Phú (minh họa cho các ấn phẩm của Hànộimới)...

Tờ Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an... có tranh minh họa khá nhiều, kích thước to hơn, bề thế hơn, chủ yếu minh họa cho các truyện ngắn, ký sự, tản văn và các trang thơ. Các minh họa phóng khoáng, bay bổng và "văn nghệ” hơn, đồng điệu cùng các tác phẩm văn chương (thường rất dài). Khá nhiều họa sĩ thành danh đã góp sức trên các ấn phẩm này, từ các họa sĩ lão thành danh tiếng như Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Đinh Minh, Văn Đa, Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm cho đến Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Vũ Giáng Hương, Ngọc Thọ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc...

Tiếp sau thì có Thành Chương, Phạm Minh Hải, Trương Hạnh, Trương Hiếu, Huy Toàn, Phạm Học Hải, Phạm Ngọc Sĩ, Tiểu Bạch, Đỗ Phấn, Đỗ Dũng, Công Quốc Hà, Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Lương Xuân Đoàn, Lê Trí Dũng, Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Đăng Phú, Lê Tâm, Phạm Hà Hải, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn, Hoàng Phượng Vĩ, Tô Chiêm, Bùi Hải Nam, Trọng Thanh, Quang Huynh, Công Ngoạn...

Có thể nói, ngoài một vài họa sĩ chính kiêm vẽ minh họa cho tòa báo, tạp chí hay nhà xuất bản gọi là chuyên nghiệp, thì hầu hết họa sĩ kể trên đều là họa sĩ sáng tác tranh các thể loại trước khi là họa sĩ minh họa.

Thăng trầm minh họa báo

Minh họa báo chí cũng trải qua nhiều thăng trầm. Những năm 1990 trở về trước, vai trò của người họa sĩ được đề cao rất rõ. Ở chân trang cuối cùng của mỗi tờ báo chỉ có ghi người phụ trách nội dung là tổng biên tập, người phụ trách hình thức mỹ thuật là họa sĩ thiết kế mà thôi. Người họa sĩ có quyền và cùng tổng biên tập quyết định "mỹ thuật” của tờ báo, vì vậy, họa sĩ thiết kế luôn phải mời các họa sĩ vẽ minh họa có danh tiếng để "làm sang” cho tờ báo.

Tác phẩm minh họa trên báo in của họa sỹ Bùi Quang Đức tham gia triển lãm "Minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023”.

Sau năm 2000, khi kỹ thuật số được cập nhật, các ấn phẩm báo chí, xuất bản nở rộ, cần có nhiều họa sĩ thiết kế và vẽ minh họa. Nhiều họa sĩ danh tiếng đã già, có người đã mất, nhiều tòa soạn phải dùng các kỹ thuật viên tham gia quá trình này. Một số người không học mỹ thuật, chỉ biết vi tính mà đã tham gia thiết kế, thậm chí còn vẽ minh họa khiến chất lượng mỹ thuật và minh họa bị suy giảm đáng kể. Nhiều ban biên tập chỉ coi bộ phận mỹ thuật là "phụ”, xếp sau các ban chuyên môn khác.

Ngay ở các tờ báo dành cho tuổi thiếu nhi, nơi cần lực lượng họa sĩ đông đảo, vị trí của các họa sĩ cũng rất "mù mờ", chịu sự chi phối "giám định mỹ thuật” không chỉ của ban biên tập mà còn cả ban chuyên môn khác. Vì vậy, nhiều họa sĩ giỏi đã lặng lẽ chuyển nghề, họa sĩ giỏi là cộng tác viên cũng không còn háo hức như xưa. Nhìn vào nhiều tờ báo trẻ em hay tuổi mới lớn giờ chỉ thấy "màu mè diêm dúa” mà thiếu hẳn nét vẽ khỏe khoắn, ngộ nghĩnh ngày nào...

Còn với các tờ báo dành cho người lớn, do sức ép và sự canh tranh của các thể loại báo chí truyền thông khác, nhiều tờ báo, tạp chí đang phải tái cấu trúc, thu hẹp các ấn phẩm, giảm mạnh các trang văn nghệ, bài dài, tăng cường các trang, bài ngắn thiên về thông tin kinh tế, giải trí... Vì vậy, các trang có minh họa giảm mạnh, nhiều họa sĩ minh họa cũng bị ảnh hưởng đến công việc và thu nhập.

Bước sang thế kỷ XXI, trước sự chuyển đổi rất mạnh của báo chí truyền thông đa phương tiện, nhiều tờ báo in đã phải dừng hoạt động; nhiều tạp chí văn nghệ hoặc tạp chí có trang, chuyên mục văn nghệ... cũng dừng phát hành báo giấy. Do vậy, các chuyên mục cần đến minh họa không còn nhiều. Bên cạnh đó, sự phát triển của các thiết bị chụp ảnh số và tranh vẽ kỹ thuật số cũng đã khiến vai trò vẽ minh họa của giới họa sĩ bị ảnh hưởng. Chỉ những tờ báo "thuần” văn hóa - văn nghệ hay những tờ báo có ra ấn phẩm cuối tuần, cuối tháng, các tạp chí văn nghệ địa phương, các số chuyên đề văn chương là vẫn cần sự song hành của họa sĩ vẽ minh họa.

Có thể nói, câu chuyện nghệ thuật minh họa báo chí đang bước sang giai đoạn mới, với thời cơ và thách thức mới. Thời hoàng kim với báo in đang qua đi, minh họa giờ đây chuyển dần sang các trang báo điện tử, tốc độ vẽ, xử lý cần nhanh, rẻ để thích ứng với các loại hình truyền thông đa phương tiện.

Tuy nhiên, dù cho báo chí truyền thông đa phương tiện phức tạp đến đâu, hiện đại đến đâu thì vẫn cần đôi tay, khối óc người họa sĩ vẽ minh họa nhằm tạo sự độc đáo, khác biệt mà không hệ điều hành hay robot nào có thể thay thế được. Để hấp dẫn, mê hoặc người đọc báo in hay báo mạng, vẫn phải cần "tiếng sét ái tình” từ những hình ảnh, những nét vẽ minh họa đắm say của các họa sĩ tài hoa.

 Theo HNMO

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải