song
Tích cực tuyên truyền để người dân không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch
Ngày xuất bản: 07/09/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 9008

 Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa ban hành kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 với thông điệp “Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Thiết lập kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh

Theo đó, từ ngày 7/9/2021 đến 14/9/2021 các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục thực hiện các chỉ đạo, định hướng trong Kế hoạch số 02/KH-TBTT, Kế hoạch số 03/KH-TBTT ngày 2/9/2021.

Báo chí cần quan tâm đến những vấn đề mới và các thông điệp về công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của đất nước. Các giải pháp đồng bộ về giãn cách xã hội, điều trị, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự được người dân đồng tình.

 

Ê kíp bản tin truyền hình internet - Báo Kinh tế & Đô thị đã có mặt kịp thời để ghi nhận tình hình. Ảnh minh họa

Cũng theo kế hoạch, các cơ quan báo chí truyền thông cần truyền đi thông điệp về việc có các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc xin hơn trong một đến hai tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc xin. Khi đã thực hiện được mục tiêu về tiêm vắc xin thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn… cùng với việc mỗi người có ý thức an toàn để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, cộng đồng.

Truyền đi thông điệp Việt Nam nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tuyên truyền thông điệp lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ ngành đang quyết liệt đẩy mạnh ngoại giao vắc xin nhằm đưa vắc xin về nước nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm cho nhân dân. Thông tin về việc chúng ta sẽ nhận hàng chục triệu liều vắc xin trong tháng 9 năm 2021.

Đặc biệt, truyền thông mạnh, rộng khắp về việc ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch, kiểm soát dịch, kiểm soát cuộc sống trong khi chuyển trạng thái và phục vụ điều hành kinh tế xã hội sau dịch. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số không phải là giải pháp tạm thời để đối phó với dịch bệnh mà là giải pháp chiến lược, lâu dài.

Không chủ quan lơ là, mất cảnh giác với diễn biến của dịch bệnh

Theo kế hoạch, các cơ quan báo chí truyền thông cần thông tin có phân tích, lý giải kỹ về các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng chống dịch, sự thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, nhân dân để phấn đấu quyết liệt hơn, nỗ lực hơn quyết tâm kiểm soát, dập dịch được sớm nhất.

Thông tin về sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Các lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên. Sự hưởng ứng đồng tình, thông cảm của nhân dân để thực hiện mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần có các bài viết, phóng sự chia sẻ bài học, kinh nghiệm, cách làm hay về phòng chống dịch COVID-19 của các địa phương.

 

Phóng viên tác nghiệp đợt xảy ra dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Thông tin về việc từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục thông tin để người dân chấp hành các quy định về phòng chống dịch, các quy định về giãn cách, cách ly, không chủ quan lơ là, mất cảnh giác với diễn biến của dịch bệnh và sự nguy hiểm của dịch để tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả. Tuyên truyền chống dịch như chống giặc, lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là chiến sỹ, nhân dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Kịp thời phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội, không để người dân bị tác động tiêu cực, phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, kế hoạch cũng yêu cầu Sở TT&TT chỉ đạo hệ thống báo chí, truyền thông tại địa bàn tuyên truyền các nội dung tại kế hoạch này. Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền tới các “pháo đài” chống dịch là các xã phường, thị trấn vì đây là nơi gần nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất trực tiếp nhất với dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để “Dân biết, Dân hiểu, Dân tin, Dân theo, Dân làm”.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải