song
Tự hào nghề báo
Ngày xuất bản: 08/02/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 37226

 Sau mỗi chuyến công tác của mẹ, Thanh Chi luôn háo hức để được nghe mẹ kể về nơi mẹ vừa đến, người mẹ vừa gặp và những câu chuyện mẹ biết. Mẹ đã truyền ngọn lửa đam mê nghề báo sang Chi, tình yêu với nghề báo cứ lớn dần theo năm tháng. Thanh Chi mơ ước một ngày nào đó sẽ trở thành nhà báo để được đi, được khám phá và trải nghiệm cuộc sống.

Từ nhỏ, Thanh Chi đã yêu thích môn văn và hay viết những cảm nhận nho nhỏ về cuộc sống. Nhiều khi mẹ ngồi viết bài, Chi cũng lúi húi ngồi bên cạnh ghi ghi chép chép, rồi đọc cho mẹ nghe, được khen cô bé phấn khởi lắm. Không hiểu sao lúc đó ấn tượng nghề báo đối với Thanh Chi khi thấy mẹ và đồng nghiệp lỉnh kỉnh đồ đạc cho mỗi chuyến công tác dài ngày là cơ hội được đi nhiều nơi, hiểu thêm nhiều điều, gặp gỡ nhiều người, chứ chuyện áp lực bài vở để mẹ phải thức đêm hay những vất vả khi tác nghiệp Thanh Chi không nghĩ tới.

Mẹ Chi là một phát thanh viên, một phóng viên kỳ cựu của Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái, hồi đó mỗi lần nghe mẹ nói hôm nay Đài phát phóng sự của mẹ hay nghe thấy giọng đọc của mẹ là Chi bỏ hết mọi thứ để xem, để nghe.

Nhà báo Thanh Chi

Quyết tâm theo nghề báo của cô bé Thanh Chi cũng trở thành hiện thực khi đầu quân về Báo Yên Bái. Lạ lẫm và bỡ ngỡ là những gì Chi gặp phải ngay trong ngày đầu đi thực tế, và đến giờ cô vẫn rất cám ơn các anh, chị đồng nghiệp đã luôn hướng dẫn và trợ giúp một cách tận tình vô cùng quý báu để cô có thêm động lực và sự tự tin.

Bước vào nghề, Thanh Chi mới thấu hiểu bên ngoài vẻ hào nhoáng của một công việc gắn mác được đi nhiều, mối quan hệ rộng và có một vị thế nhất định trong xã hội là biết bao sự hy sinh thầm lặng. Vào nghề cũng đồng nghĩa với việc Chi phải từ bỏ nhiều ước mơ và những sở thích rất con gái, không được thường xuyên diện những bộ váy điệu đà với những đôi giày cao gót mỏng manh. Nhưng đổi lại Chi được thoả sức bay nhảy, được tìm hiểu nhiều điều lý thú xung quanh mình.

Chi vẫn nhớ như in chuyến đi vùng cao đầu tiên để làm phóng sự về Tết của người Mông tại thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu. Lên xã có 100% đồng bào Mông sinh sống vào đúng dịp người dân đón Tết cổ truyền dân tộc. Được cùng ăn, cùng ở và cùng tham gia làm các công việc chuẩn bị cho ngày Tết với bà con, thức trắng đêm để tận mắt chứng kiến và tham gia vào nghi lễ. Sau chuyến đi đó Chi thêm hiểu và yêu hơn những con người chất phác, thật thà nơi vùng cao.

Từ khi về Phòng Báo Yên Bái điện tử, Thanh Chi trụ luôn ở đó đến tận bây giờ. Là gương mặt phát thanh viên đầu tiên của Truyền hình Internet, Thanh Chi đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Có được sự tự tin như ngày hôm nay, cô đã phải tự mình học hỏi và luyện tập rất nhiều từ cách lấy hơi, cách phát âm, nhả chữ rồi sử dụng âm lượng biểu cảm thông qua giọng nói, âm sắc tiết tấu.

Sức vóc con gái có hạn nhưng điều đó không ngăn được những tâm huyết cháy bỏng với nghề của cô phóng viên trẻ. Từ lúc nào Chi đã quen với những chuyến đi hàng trăm km bằng xe máy đến các huyện xa của tỉnh như Mù Cang Chải, Trạm Tấu... Mỗi chuyến đi trở về Chi lại thấy mình gầy và đen đi trông thấy. Nhưng sau tất cả đọng lại trong cô vẫn là niềm vui từ những bài viết nóng hổi của cuộc sống.

Nhà báo Quang Tuấn - Trưởng phòng Báo Yên Bái điện tử nhận xét: “Thanh Chi là một phóng viên xông xáo, năng động, biết tranh thủ các “tình huống” báo chí. Chi có thể tác nghiệp ở nhiều vị trí công việc trong hoạt động tuyên truyền xuất bản báo điện tử và các clip video trên báo điện tử. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi giao việc cho phóng viên Thanh Chi”.

Hứng khởi khi kể về chuyến đi lên bản Háng Tày, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải cùng phóng viên Mạnh Cường, không vui sao được khi “Chi là nữ phóng viên đầu tiên đặt chân lên bản xa nhất của Chế Tạo” như Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải đã nói. Háng Tày cách trung tâm huyện 70 km mà phải đi tới 6 tiếng đồng hồ, thông thường chỉ một người một xe máy, nhưng là con gái lên được ưu tiên có lái xe, đường vừa dốc vừa quanh co gập ghềnh toàn đá, bên vách núi, bên vực sâu, chiếc xe máy cứ chồm lên rồi trượt khỏi đá, mặc dù hai tay đã ghì chặt người phía trước vậy mà có lúc người vẫn trượt khỏi yên xe, có lúc sợ đành nhảy xuống đi bộ một mình. Vất vả như vậy nhưng Chi thấy thành quả mình nhận thật xứng đáng khi được trải nghiệm cuộc sống ở nơi xa nhất tỉnh. Chi muốn kể cho mọi người biết những hy sinh và nghị lực của những giáo viên cắm bản, của những đứa trẻ nghèo giữa đại ngàn heo hút nhưng không em nào bỏ học giữa chừng. Đã có lúc vô cùng sợ hãi nhưng đó thực sự là những trải nghiệm không bao giờ Chi quên.

Thanh Chi chia sẻ: “Mình thích được đi, nhất là những nơi ít người đặt chân đến và thêm một chút khó khăn thì càng bị cuốn hút. Càng đi càng thấy say, thời gian nào ít đi vùng cao là thấy nhớ, nghề báo đặc biệt ở chỗ đó. Vì thế, dù có nhiều khó khăn phía trước nhưng mình luôn thấy tự hào vì đã chọn và làm đúng công việc mà mình yêu thích. Nghề báo khiến cho mình thêm thực tế khi nhìn nhận bản thân, nhìn nhận cuộc sống xung quanh. Và vì thế mình luôn tự nhủ phải điều chỉnh mình hướng về phía trước một cách tích cực, cầu tiến”. 

Làm báo ở vùng cao vô cùng gian khó, song niềm yêu nghề, đam mê cầm bút là động lực để Chi miệt mài, cần mẫn tìm cảm hứng cho mình và cũng chính  những dòng sự kiện, chính những niềm vui nhỏ nhoi từ một bài báo hoàn thành đúng thời hạn hay nhận được nhiều hiệu ứng từ độc giả lại khiến Chi hào hứng lên đường.

Thuỳ Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải