song
Yên Bái đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Dang thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.
Ngày xuất bản: 25/09/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6881

  Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của đồng bào nhân dân các dân tộc Mường Lò, Yên Bái và trong niềm vui chung của đồng bào Thái các tỉnh Tây Bắc, tối 24/9, tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu long trọng tổ chức Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

 

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tới dự và chung vui với nhân dân các dân tộc Yên Bái và đồng bào các tỉnh có di sản ở Tây Bắc

 

Đồng chí Tòng Thị Phóng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội về dự và chung vui với nhân dân các dân tộc Yên Bái và đồng bào các tỉnh có di sản ở Tây Bắc

 

Các đại biểu dự Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội

Dự buổi lễ có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Vượng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Tòng Thị Phóng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Về phía khách quốc tế có Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Sẻng - Phết Hùng - Bun - Nhuông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam và đại diện các tổ chức quốc tế.

Về phía địa phương chủ trì tổ chức - tỉnh Yên Bái, dự buổi lễ có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Dự buổi lễ còn có lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và một số địa phương lân cận cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước.

 

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng tại Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội

Phát biểu chào mừng tại Lễ đón nhận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: “Nghệ thuật Xòe Thái” là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái; phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc. Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO hôm nay là dịp để tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt; tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc 4 tỉnh có di sản, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); các bộ, ban, ngành Trung ương; các địa phương; các tổ chức, cá nhân có liên quan đã luôn quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, lưu giữ, trao truyền, bảo tồn, tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị của “Nghệ thuật Xòe Thái”.

Ngày 15/12/2021, tại Kỳ họp lần thứ 16, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris (Pháp), Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Thái và của 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trong buổi lễ trọng đại này, 4 tỉnh đã vinh dự được nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trao Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đồng chí Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Đồng chí Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng ghi danh của UNESCO cho lãnh đạo các tỉnh: Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển; của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, của tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam. Lời ca: “Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi” ngân vang giữa rừng hoa Ban, hoa Mận, hoa Đào vùng Tây Bắc, bên dòng sông Mã, sông Chảy, Mường Hung đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày vui của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng, của dân tộc...

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội

Bày tỏ niềm vui mừng và tự hào khi Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên “Dải đất hình chữ S” tươi đẹp; qua đó, tiếp tục khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đối với thế giới. Với loại hình du lịch kết nối giữa thiên nhiên- văn hóa- con người thì Xòe Thái là nét chấm phá đặc sắc của những địa danh thiên nhiên nổi tiếng của vùng đất Tây Bắc như Cao nguyên Mộc Châu, Đèo Khau Phạ, Hồ Pá Khoang, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Thác Tác Tình, đỉnh Tà Chì Nhù với loài hoa chi pâu đặc sắc...

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự trân trọng đối với sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái đã nâng niu, trao truyền, gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc vô giá này. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu đã đóng góp tích cực để bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, các di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại nói chung.

Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn và mong muốn các tổ chức quốc tế, nhất là cơ quan Đại diện UNESCO tiếp tục dành cho Việt Nam sự hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng và hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại.

Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, Thủ tướng đề nghị chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO.

Thủ tướng lưu ý, giá trị cao đẹp của nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn, phát huy không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Các cấp, các ngành có liên quan cần có chương trình truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, cần vượt qua biên giới Việt Nam để nghệ thuật này mãi mãi trường tồn và đời đời bền vững; để thế giới biết đến nhiều hơn, yêu quý, trân trọng và kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

 

Bà Pauline Tamesis- Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, đồng chí Đỗ Đức Duy- Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trân trọng cảm ơn và tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh: Việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh có di sản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản và các tỉnh có di sản cam kết sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” nói riêng và các di sản văn hóa nói chung theo phương châm “lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương, với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

 

Đồng chí Đỗ Đức Duy- Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu đáp từ tại Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội

Tham dự buổi lễ, sau phần nghi lễ trao Bằng của UNESCO, đại biểu, người dân và du khách đã được hòa mình vào không gian của chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Xòe Thái- Tinh hoa miền di sản”. Đây là lần đầu tiên tại Thị xã Nghĩa Lộ diễn ra chương trình nghệ thuật với phối cảnh sân khấu hoành tráng, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc. Một trong những dấu ấn khác biệt của "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” chính là phần thiết kế sân khấu chạy dài xuống toàn bộ sân vận động trung tâm, được liên kết xuyên suốt với hình tượng dòng suối như dòng Nậm Thia (ngòi Thia) chảy dài từ trên thượng nguồn những dãy núi bao la, xuống tận vùng đồng bằng.

 

Một màn biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "Xoè Thái- Tinh hoa miền di sản"

Chương trình nghệ thuật "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” gồm 3 chương: "Thiên di - Dựng bản, lập mường”; "Miền Di sản” và "Tinh hoa nghệ thuật Xòe” đã lôi cuốn khán giả khi mở ra thiên sử thi đặc sắc, với hàng loạt những màn đại cảnh công phu, lộng lẫy và hoành tráng nối tiếp nhau, là sự kết hợp hài hòa giữa bản đại vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời.

Chương trình nghệ thuật với 02 chương đầu quy tụ khoảng 900 diễn viên chuyên, không chuyên biểu diễn. Trong đó có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng như: Tùng Dương, Sèn Hoàng Mỹ Lam và đông đảo diễn viên là chính bà con nhân dân, những nghệ nhân, đồng bào Thái và người dân Tây Bắc như Nghệ nhân dân gian Lò Thị Ban, Lương Văn Tài, Mã Minh Huệ, Lương Thanh Hiếu, Đào Xuân Hưng đến từ nhóm nhạc dân gian Việt Bắc cùng các nghệ nhân của 4 tỉnh Tây Bắc… Thông qua các màn biểu diễn, hõ đã kể câu chuyện về cộng đồng của họ, từ cội nguồn nào, từ thực tế đời sống ra sao, từ tình yêu nào, để hình thành nên Nghệ thuật Xòe Thái - một thứ nghệ thuật thăng hoa từ cuộc sống của họ. Đây sẽ là một cuộc trình diễn xuyên suốt, không có điểm dừng, khán giả đã thực sự bị lôi cuốn vào chương trình nghệ thuật.

 

Màn xoè "Hoa ban nở" trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "Xoè Thái- Tinh hoa miền di sản"

Chiếm trọn một chương riêng biệt, "Tinh hoa nghệ thuật Xòe” chính là những điệu xòe uyển chuyển, duyên dáng hội tụ những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc tiêu biểu đã trở thành di sản của người Thái ở Tây Bắc, với 2.022 nghệ nhân dân gian người dân tộc Thái và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã. Tham gia màn biểu diễn này, các đại biểu, khách quý đã cùng tay trong tay với các diễn viên hòa vào vòng xòe, làm sống dậy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc qua nghệ thuật Xòe Thái.

Vòng xòe kết nối vô tận trong buổi lễ đã tạo nên một đêm xòe đoàn kết đầy phấn khởi và hạnh phúc, góp phần gắn kết, gìn giữ và trao truyền ngọn lửa tinh thần cao quý của đồng bào dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Tây Bắc nói chung.

P.V

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải