Những ngày đầu tháng 9, cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) với cường độ rất mạnh đã tràn vào các tỉnh miền Bắc nước ta gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cùng với đó, hoàn lưu sau bão cũng gây lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng cho các tỉnh miền Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái. Trong thiên tai nguy cấp, cùng với các lực lượng chức năng, các phóng viên của các cơ quan báo chí trong tỉnh Yên Bái đã không ngại khó khăn, gian khổ, xung kích giữa tâm bão và trong vùng lũ có mặt kịp thời phản ánh thông tin về hậu quả tàn khốc, những khó khăn, mất mát của người dân, cũng như nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc cứu hộ cứu nạn, chăm lo cho người dân, khắc phục hậu quả thiên tai.
Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ tối 9/9 - 10/9 có mưa to đến rất to và dông. Cả thành phố Yên Bái ngập chìm trong nước, các tuyến đường, nhà dân bị cô lập, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn, giao thông gần như tê liệt. Trong điều kiện quân số bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão, Báo Yên Bái có đến 1/2 phóng viên, biên tập viên và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh có 1/3 cán bộ, phóng viên, biên tập viên bị cô lập vì có nhà bị ngập hoặc sạt lở đất. Tuy nhiên các cơ quan báo chí trong tỉnh đã chủ động tích cực, áp dụng mạnh mẽ giải pháp công nghệ thông tin để chỉ đạo hiệu quả hoạt động báo chí, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, kịp thời cung cấp thông tin về bão lũ đến với công chúng trong và ngoài tỉnh. Người làm báo trong tỉnh vẫn là lực lượng chủ lực tiếp cận nhanh, đưa tin kịp thời, đồng thời là đơn vị đầu mối, truyền tin đi các cơ quan báo chí ở Trung ương và khắp các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều phóng viên đã không ngại khó khăn, gian khổ, xung kích có mặt kịp thời phản ánh thông tin về hậu quả tàn khốc, những khó khăn, mất mát của người dân.
Suốt 6 ngày tác nghiệp để đưa tin về vụ sạt lở đất làm 5 ngôi nhà vùi lấp ở thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, phóng viên Đức Toàn, phòng Báo Điện tử, Báo Yên Bái không thể nào quên hình ảnh đau thương tại đây, có người có mẹ và 6 anh chị em là họ hàng đều đã thiệt mạng trong vụ sạt lở đất, rồi hình ảnh về một người phụ nữ trẻ suốt 10 ngày không ngủ, kể cả ngày hay đêm, ngày nào cũng bế con trai ra hiện trường nơi vụ sạt lở đất để cùng các lực lượng chức năng đào bới, tìm kiếm với hi vọng sẽ sớm tìm được thi thể của chồng mình.
Phóng viên Đức Toàn, Báo Yên Bái
Vụ sạt lở xảy ra lúc 2h sáng ngày 10/9, nhận được lệnh anh chỉ kịp mang máy quay, laptop lên đường, lúc này xã Minh Chuẩn bị cô lập, cách duy nhất đi từ Trung tâm huyện là đi nhờ tàu thủy đang làm nhiệm vụ đưa cơm cứu hộ, sau đó chuyển sang những chiếc thuyền nhỏ của người dân trên sông Chảy, nước sông to, chảy xiết, gió thổi mạnh mọi hiểm nguy đều có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Khi tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở đất, lúc đó chưa huy động máy móc mà chỉ có lượng lực đào bới tìm kiếm người mất tích bằng tay anh, nước suối vẫn ào ào chảy, bùn đất ngập thụt vô cùng nguy hiểm nhưng anh vẫn cố gắng tìm cách để tiếp cận gần nhất chỗ các lực lượng tìm kiếm. “Lúc này, tôi hiểu rằng, nhiệm vụ của mình là phải làm sao để có những hình ảnh chân thực, thông tin chính xác nhất về những đau thương mà người dân nơi đây đang phải chịu đựng, chuyển tới bạn đọc, để cả nước cùng chia sẻ với họ” – phóng viên Đức Toàn chia sẻ. Anh đã khắc phục mọi khó khăn trong điều kiện không điện lưới, không sóng điện thoại, chỉ chờ đến tối về Trung tâm huyện mới có thể viết tin gửi về tòa soạn, rồi nhờ anh em biên tập hộ, có những ngày chỉ có thể ngủ 2 đến 3 tiếng, 6 ngày ròng rã anh đã gửi về tòa soạn hơn 20 tin, bài về công tác cứu hộ cứu nạn, chăm lo cho người dân, khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Lục Yên.
Từng tham gia đưa tin nhiều đợt bão lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhưng cơn bão lần này đã để lại cho nhà báo Thanh Sơn, Báo Nhân dân thường trú tại Yên Bái nhiều cảm xúc. Nhà anh nằm trong khu vực bị ngập lụt, không điện lưới, không sóng điện thoại và bị lực lượng chức năng cấm đi lại. Nhưng trước yêu cầu tin tức phải cập nhật liên tục và xác định anh là đầu mối chính để truyền tin về cơ quan báo ở Trung ương, anh bất chấp nguy hiểm lội ra khỏi nhà để sang khu nhà Vincom cách nhà hơn một trăm mét khi đó không bị ngập để tận dụng nguồn điện ở đó tác nghiệp, có đoạn nước sâu anh phải dùng bè chuối để di chuyển, lên được đến nơi thì quần áo ướt hết. Những ngày sau mặc dù bị sốt anh vẫn liên tục theo chân đội cứu hộ để ghi nhận thực tế hiện trường, ghi lại những hình ảnh về công tác khắc phục hậu quả bão lũ, làm công tác từ thiện trên địa bàn tỉnh.
Nhà báo Thanh Sơn, Báo Nhân dân thường trú tại Yên Bái
Bằng tinh thần trách nhiệm của người chiến sỹ làm báo, trong 10 ngày xảy ra bão lũ, phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại Yên Bái đã có 7 bài, 2 phóng sự ảnh, 16 tin, 120 ảnh đăng trên các ấn phẩm báo Nhân dân, tham gia cùng phóng viên Truyền hình Nhân dân sản xuất 8 bài, 20 tin phát trên kênh Truyền hình Nhân dân. Qua mỗi bức ảnh, mỗi dòng tin nhà báo Thanh Sơn mong muốn chia sẻ một phần nào đó những mất mát của người dân Yên Bái. Anh chia sẻ “Tác nghiệp trong bão lũ mọi rủi ro và bất trắc đều có thể xảy ra, nhưng đã làm phóng viên thời sự vẫn phải đi thực tế. Tuy nhiên có được thông hình ảnh đã khó, việc gửi về tòa soạn còn khó hơn, nhiều khu vực mất điện, sóng điện thoại chập chờn, để tìm được khu vực có sóng 3G, 4G để gửi tin bài, ảnh về tòa soạn cũng là một khó khăn”.
Để các tin tức về bão lũ được tuyên truyền đậm đặc, những phóng viên của Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái làm việc bằng hai, ba ngày thường, bất kể giờ giấc, thậm chí phải ở cơ quan 24/24h, họ không quản ngại khó khăn, vất vả, dầm mưa, lội nước luôn có mặt ở những điểm nóng, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bão lũ để thông tin về công tác ứng phó với bão lũ của chính quyền các địa phương và khuyến cáo người dân khu vực ven sông nhanh chóng di dời đến nơi tránh trú an toàn. Phóng viên của Đài đã có nhiều bài viết, hình ảnh xúc động về công tác ứng cứu và khắc phục hậu quả bão lũ.
Phóng viên Đoàn Mến, Phòng Thời sự, Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái đã có hành trình tác nghiệp không thể quên trong cuộc đời làm báo, cô chia sẻ. “Đi tận nơi, chứng kiến tận mắt những thiệt hại do bão lũ gây ra đối với người dân tỉnh Yên Bái, nhiều lúc bản thân tôi cũng không kìm được cảm xúc. Một Yên Bái tan hoang sau lũ, rồi rất nhiều người tử vong do sạt lở đất. Thậm chí có gia đình đã bị xoá sổ hoàn toàn, những cơ cực của người dân trắng tay sau bão lũ, những ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn,… Tất cả những điều đó khiến tôi thực sự ám ảnh”.
Phóng viên Đoàn Mến, Đài PT – TH Yên Bái
Trên các tuyến đường khi nước rút ngập đầy bùn rác, thậm chí có nơi bùn sâu tới cả mét. Do gót chân bị thương nhưng vẫn lội bùn lầy và nước bẩn suốt nhiều ngày nên bị nhiễm trùng, sưng tấy, di chuyển khá khó khăn nhưng Đoàn Mến vẫn cố gắng vác máy cùng đồng nghiệp lội bùn đoạn đường xa hàng cây số đến những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vậy mới thấy bao nhiêu lo lắng giờ không dành cho bản thân, mà còn dành cho máy quay, máy tính và các phụ kiện hỗ trợ tác nghiệp. Cô cũng có nhiều bài viết về tình quân dân, hình ảnh các chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an, bộ đội đã quên ăn, quên ngủ, không màng hiểm nguy tính mạng, dầm mình trong mưa lũ suốt nhiều ngày để giúp dân chạy bão lũ, rồi lại giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau khi bão lũ. Rồi hình ảnh những đoàn thiện nguyện vượt hàng nghìn cây số để cứu trợ người dân vùng lũ Yên Bái… Những hình ảnh ấy đã góp phần lan tỏa nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống.
Khi các huyện trong tỉnh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lịch, nhiều huyện bị cô lập, phóng viên cơ sở chính là cánh tay nối dài của báo chí.
Phóng viên Mỹ Vân, Trung tâm TT và VH huyện Văn Yên
Đối với Phóng viên Mỹ Vân, Trung tâm Truyền thông nghiệp mà còn để lại trong cô nhiều ám ảnh khi đối mặt với những đau thương của đồng và Văn hóa huyện Văn Yên, khi đưa tin về cơn bão số 3 không chỉ là câu chuyện tác bào. Lần đầu tiên cô chứng kiến trận lụt kinh hoàng xảy ra trên địa bàn huyện Văn Yên, đường xá đã bị chia cắt do ngập lụt và sạt lở đất, mưa lớn kéo dài liên tục khiến cho việc di chuyển và liên lạc vô cùng khó khăn. Có những khu vực cô phải lội bộ cả quãng đường dài vì xe không thể tiếp cận, phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro trong khi tác nghiệp để có thể thu thập hình ảnh, thông tin kịp thời phản ánh đến bạn nghe đài và xem truyền hình cũng như nhân dân cả nước qua các kênh truyền thông điện tử và mạng xã hội. Có những đoạn đường khi phóng viên vừa đi qua thì taluy sạt ngay phía sau, hay những lần di chuyển trên những chiếc thuyền bé giữa dòng nước lũ.
Phóng viên Mỹ Vân tâm sự “Chứng kiến cảnh tượng người dân phải đối mặt với lũ lụt, mất mát tài sản, và nỗi lo về sự an toàn, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình càng lớn hơn. Chúng tôi không chỉ phải đưa tin một cách nhanh chóng, chính xác, mà còn phải đảm bảo an toàn cho bản thân trong điều kiện địa hình nguy hiểm”.
Đó là rất ít những câu chuyện tác nghiệp trong bão lũ của những người làm báo Yên Bái. Sau mỗi câu chuyện ở vùng tâm bão, lũ, ngoài việc chuyển tải thông tin nhanh, chính xác về tòa soạn, thì mong muốn lớn nhất của những phóng viên là chuyển tải được những thông điệp “đắt giá” về những mất mát, đau thương mà người dân vùng lũ Yên Bái đang phải gánh chịu. Dù trải qua không ít những hiểm nguy, gian khó nhưng đổi lại đó là niềm vui lớn lao khi mỗi bài viết trở thành “cầu nối” để bạn đọc chia sẻ với người dân, giúp họ sớm vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống.
Nhật Minh
CÁC TIN KHÁC