song
“Có thương nhau, xin đừng xả rác” - lời kêu gọi mọi người hãy cùng bảo vệ môi trường
Ngày xuất bản: 30/06/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 9872

  

Bộ ảnh “Có thương nhau, xin đừng xả rác” của Lê Phan và Quang Định (Báo Tuổi Trẻ) vừa đoạt giải nhất về tin ảnh, phóng sự ảnh tại giải Báo chí TP.HCM - 2021. Không chỉ nói về vấn nạn xả rác bừa bãi tác phẩm còn tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người về bảo vệ môi trường.

Môi trường, rác thải luôn là đề tài được nhiều phóng viên nhà báo quan tâm khai thác, vấn đề rác thải ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Trong những năm qua dù đã đầu tư nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại nhưng việc xả rác bừa bãi của người dân vẫn làm nhiều tuyến kênh, rạch, hệ thống thoát nước của thành phố bị tắc nghẽn. Vì vậy công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về xử lý rác thải vẫn là điều quan trọng nhất.
Bộ ảnh “Có thương nhau, xin đừng xả rác” điểm nhấn là những công nhân thoát nước, những người vất vả nhất, mang trọng trách bảo vệ môi trường, mỹ quan cho các dòng kênh. Công việc dọn rác của họ góp phần tránh gây ra ngập úng trên các tuyến đường khi có mưa, thủy triều.

Được biết, ban đầu phóng sự được đặt tít là “Ai xả rác thì đầu nên suy nghĩ”, nhưng sau đó tác giả đổi “Có thương nhau, xin đừng xả rác” để dễ nghe hơn và sẽ gắn với thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Phóng viên Lê Phan - Báo Tuổi Trẻ trong một chuyến tác nghiệp với chủ đề bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC

 

Bằng những hình trực quan, gần gũi, bạn đọc khi nhìn vào bộ ảnh dễ dàng thấy được những khó khăn, vất vả của những công nhân thoát nước làm sạch môi trường, họ phải vùi mình trong rác, vớt lượng rác lớn, lượng bùn đã ngâm dưới nước lâu ngày. Đặc biệt hơn là hình ảnh những công nhân vệ sinh lặn ngụp ở dưới cống, mương đen ngòm vào ban đêm để xử lý những van thoát nước. Những hình ảnh đó giúp mọi người cần thay đổi, để thương cảm những người công nhân hơn.

Phóng viên Lê Phan nhớ lại: Hôm đó tôi đi cùng công nhân thoát nước đi múc bùn ở rạch Xuyên Tâm - quận Bình Thạnh. Vì thủy triều lên, nước không rút được do rác thải chặn các đầu kênh, cống xả nên họ phải lặn liên tục. Từ chiều đến 10h đêm mới xử lý được số lượng rác mắc ở cống thoát nước của kênh. Họ chỉ có cách duy nhất là lặn xuống để gỡ số rác bùn đó ra thì mới giải quyết được úng ngập.

“Khi mọi người đi ngủ hết, là lúc những người công nhân vẫn làm việc. Tôi nhớ nhất hình ảnh anh Nguyễn Chí Hùng ở Xí nghiệp thoát nước Nam thành phố. Anh luôn hết lòng với công việc, dù khó, khổ và nhiều rủi ro, nhưng anh luôn tự hào vì góp phần làm sạch cho thành phố, bản thân bố anh cũng là một người công nhân thoát nước”, Lê Phan chia sẻ.

Anh Nguyễn Chí Hùng (phải) và đồng nghiệp ở Xí nghiệp thoát nước Nam thành phố dầm mình dưới nước hôi thối để vớt rác, khơi thông hệ thống thoát nước. Ảnh: Lê Phan

 

Là phóng viên, để có những bức ảnh chân thật nhất gửi tới người xem, người phóng viên đó cần hiểu được những gì diễn ra, phải hòa mình với sự kiện và nhân vật đó để đồng cảm. Phóng viên Lê Phan cũng dành nhiều ngày để theo chân những công nhân thoát nước, hiểu được công việc thầm lặng của họ, được trực tiếp chứng kiến và trải nhiệm những khó khăn họ gặp phải. Những người công nhân vệ sinh môi trường cũng hỗ trợ anh và chia sẻ nhiệt tình trong quá trình anh tác nghiệp.

Sau khi đăng tải nhiều bạn đọc đã gửi lời cám ơn cơ quan báo chí đã vào cuộc tìm hiểu vấn đề. Đồng thời mọi người cũng kêu gọi mỗi gia đình ở gần các kênh rạch, nâng cao nhận thức vì cộng đồng, muốn xã hội văn minh cần có con người văn minh, không xả rác bừa bãi và cần biết cảm thông với những công nhân thoát nước và hãy chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Có thể nói, phóng viên theo mỗi mảng, lĩnh vực khác nhau lại có những đặc thù riêng, đối với phóng viên môi trường cũng vậy, họ cần có nhiều mối quan hệ với những người làm bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phóng viên môi trường cũng cần phải đi nhiều hơn, quan sát, nắm được các vấn đề thời sự, từ đời sống dân sinh, hiểu được nguồn ô nhiễm từ đâu ra. Họ chính là cầu nối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tháo gỡ những bất cập về môi trường cho người dân, cho chính quyền. Từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực nhất.

Anh Ngô Tiến Dũng và anh Nguyễn Trung Nguyên dùng vợt vớt rác trên rạch Xuyên Tâm. Ảnh: Lê Phan

Phóng viên Lê Phan cho rằng: "Không có nhà máy hay một công nghệ nào có thể xử lý được vấn đề rác thải ở một đô thị lớn nếu như người dân không nâng cao ý thức. Việc xử lý rác thải phải được làm tận gốc rễ vấn đề, ở đây mới là xử lý phần gọn mà không xử lý được phần gốc sẽ không hiệu quả. Hôm nay người công nhân xử lý xong ngày mai người dân lại xả rác, lại dọn. Khó nhọc mà vô ích như dã tràng xe cát…."

Được biết, trong những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp nhằm cải thiện vấn đề ô nhiễm kênh rạch. Trải qua 2 năm triển khai Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, thành phố đã tăng mức xử phạt, gắn camera, phân loại rác, đầu tư những công trình xử lý rác, hệ thống thoát nước, máy bơm… nhưng vấn đề rác thải bị thải ra môi trường không đúng quy định vẫn diễn ra. Ở đây, loạt ảnh của tác giả Lê Phan và Quang Định một lần nữa như lời kêu gọi mọi người hãy cùng thay đổi, chung tay góp sức, cùng lan tỏa những hành động đẹp vì cộng đồng.

Có thể nói, báo chí là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, là một phần của đời sống tinh thần của con người, ảnh báo chí cũng vậy. Đó là những gì cận cảnh nhất các hoạt động xã hội, hội tụ những tâm tư, nguyện vọng của người dân. “Có thương nhau, xin đừng xả rác” là tác phẩm thể hiện sự đồng cảm của người làm báo với những người công nhân thầm lặng, làm thay đổi nhận thức của nhiều người, đồng thời còn hướng đến một cuộc sống văn minh hơn.

Lê Tâm (Nhà báo và Công luận)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải