song
Báo chí với nhiệm vụ viết về xây dựng Đảng
Ngày xuất bản: 26/12/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 33622

 Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy  thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Thực tế đang đặt ra cho các nhà báo là muốn bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ thì báo chí phải vào cuộc, tích cực tham gia xây dựng Đảng cùng với cả hệ thống chính trị như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Công bằng mà nói xưa nay báo chí vấn rất ưu tiên cho các bài viết về xây dựng Đảng, trên các trang “đất vàng” như trang nhất, trang 3 báo in, “giờ vàng” trên các đài phát thanh - truyền hình đều dành cho mục xây dựng Đảng. Nhưng thực tế nhiều chuyên mục như “Sinh hoạt tư tưởng”, “Đảng trong cuộc sống hôm nay”, “Đảng với dân”, “Mô hình dân vận khéo”…khó duy trì định kỳ. Có lẽ viết về xây dựng Đảng khó, dễ khô khan hời hợt, kém hấp dẫn, chính sách nhuận bút khuyến khích các chuyên mục  này chưa được quan  tâm, một số cơ quan báo chí vẫn chấm bài theo kiểu “đếm chữ tính tiền” nên chưa khuyến khích được người viết. Viết xây dựng Đảng mà chủ yếu phụ họa các chủ trương chính sách như kiểu “diễn ca” đường lối thì nhạt nhẽo, ít người đọc, viết mà nêu gương thì chủ yếu nêu gương đảng viên không chức vụ, bí thư chi bộ thì lại bảo là “lan tỏa ngược”, lẽ ra đảng viên có chức vụ càng cao càng có nhiều cống hiến, càng gương mẫu là tấm gương sáng để dân tin, dân theo thì thấy báo chí ít nêu tấm gương nào như thế! Viết phê phán những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng thì liên quan đến hàng loạt vấn đề khó và nhạy cảm như chứng cứ đâu? Vụ việc chưa có kết luận sao lại đưa lên báo? Cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý phải được cấp quản lý cán bộ cho phép mới được đưa công khai, rồi còn cân nhắc sợ ảnh hưởng đến địa phương, đơn vị, thành tích thi đua, để kẻ xấu lợi dụng bôi nhọ Đảng, nhà nước v.v….Với hàng loạt rào cản như thế nên cả phóng viên chuyên nghiệp lẫn tác giả nghiệp dư đều không mấy mặn mà viết về xây dựng  Đảng và chống tham nhũng tiêu cực cũng là điều dễ hiểu, chưa nói đến các tổng biên tập cũng phải cân nhắc “giữ gáo” cho mình trước khi cho đăng, phát các bài nhạy cảm.

Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam)

Viết về xây dựng Đảng có cái khó như vậy nhưng thực tiễn hiện tại đòi hỏi báo chí phải vào cuộc, xắn tay cùng với Đảng, những đảng viên chân chính và  người dân để thực hiện quyết tâm chính trị của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh. Trong diễn văn bế mạc Đại hội XII, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ phẩm chất cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh”. Theo Tổng Bí thư phải “Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát và thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, công tác giáo dục rèn luyện, quản lý đảng viên, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận”. Ngày 27/5/2016 dự Hội nghị dân vận trung ương, Tổng Bí  thư phê phán: “Một số cán bộ công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương, đơn vị nào thì như một “ông vua con” ở đấy. Thậm  chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”.

Tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định  con đường Xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm đường lối của Đảng, thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, sai không đấu tranh, phụ họa những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân. Từ suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn đến tiếp tay hoặc câu kết với thế lực xấu thù địch, phản bội lại lý tưởng của Đảng, phản bội Tổ quốc và dân tộc. Theo Tổng Bí thư để có tình trạng suy thoái trong Đảng tuy có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là do lối sống “Ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân”. Đây là điều vô cùng nguy hiểm nhưng đáng tiếc thay nó lại hiện diện hàng ngày, hàng giờ trong đời sống xã hội ở tất cả các tầng bậc và ở hầu khắp mọi nơi.

Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên ủy viên TW Đảng khóa XI trong cuộc trao đổi mới đây trên báo Tuần Việt Nam đã cho rằng sự suy  thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống có xu hướng tăng lên, xấu hơn, mặc dù nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có chủ trương về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Từ chỗ chỉ “một số đảng viên” suy thoái đến “một bộ phận”, sau đó là “bộ phận không nhỏ, trong đó có cả cán bộ cao cấp”. Theo ông Vũ Ngọc Hoàng: Hãy lắng nghe nhân dân và đảng viên không có chức quyền nói về sự suy thoái trong Đảng thì sẽ rõ. Bao nhiêu vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng tổ chức đảng không phát hiện được qua sinh hoạt đảng mà do nhân dân, báo chí phát hiện nói lên. Qua các lần kiểm điểm thường xuyên và chuyên đề hầu hết đánh giá là “đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ”, còn tổ chức Đảng thì “trong sạch, vững mạnh”. Bản thân tình hình ấy cũng đã nói lên sự suy thoái.

Về tư tưởng chính trị, đáng nói nhất là lòng tin của nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên đối với các cơ quan lãnh đạo của  Đảng và Nhà nước đã suy giảm. Đó là một thực tế dù ta không  muốn như vậy hoặc không muốn nói thế nhưng nó vẫn là thế, nó là một thực tế khách quan không thể né tránh. Trong chính trị chân chính, khi có lòng tin của nhân dân thì sẽ có tất cả, khi lòng tin không còn thì sẽ mất tất cả. Lòng tin của nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng nhất của một chế độ, một chính quyền.

Vì sao lòng tin giảm sút?

Đừng bao giờ nghĩ là tại nhân dân không tốt, không chịu  tin lãnh đạo. Nghĩ như thế là nghĩ ngược. “Tiên trách kỷ” là kinh nghiệm và lời khuyên của cha ông. Lý do đầu tiên, quan trọng nhất, mang tính quyết định làm cho lòng tin giảm mạnh là sự hư hỏng đạo đức của cán bộ. Đạo đức là cốt lõi của văn hóa mà văn hóa là nền tảng của xã hội nói chung trong đó có chính trị. Khi đạo đức cán bộ suy thoái  thì đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến đạo đức xã hội suy đồi. Sự suy đồi đạo đức xã hội biểu hiện phức tạp đa dạng, nghiêm trọng nhất là tham nhũng, lợi ích nhóm, hối lộ, chạy chức, chạy tội, giả dối, gian lận, thậm chí cả giết người.v.v…Đáng lưu ý nhất là sự tha hóa quyền lực. Đó là nguyên nhân chính yếu gây nên mọi hư hỏng. Quyền lực bị tha hóa vì trao cho người không đủ nhân cách và không được kiểm soát. Quyền lực của cán bộ, công chức là được nhân dân giao cho để phục vụ dân, bảo vệ dân, nhưng không ít người lại biến nó thành công cụ riêng để hành dân và vun vén cho bản thân, gia đình, họ mạc, để dân oán thán. Có phải vì thế mà trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng lần này, Tổng Bí thư có nêu vấn đề “Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát và thực thi quyền lực của người có chức, có quyền” ?

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, vì vậy  phải xây dựng từng đảng viên và toàn đảng thành những con người sống có văn hóa, có lý tưởng. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân tin yêu, bảo vệ Đảng, theo Đảng đến cùng vì mỗi đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp cao luôn là những tấm gương hy sinh vào tù ra tội, sẵn sàng xông vào nơi gian khổ nguy nan, khổ trước sướng sau thiên hạ, hy sinh cả cuộc sống vì dân vì nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng phải là đạo đức, là văn minh, V.I. Lê - nin cũng cho rằng “Đảng phải là trí tuệ, danh dự và lương tâm”. Điều đó cho thấy bản chất của Đảng là văn hóa. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng xây dựng Đảng chủ yếu là nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân  cách của mỗi cán bộ đảng viên. Ta nói xây dựng Đảng trong sạch cũng chính là văn hóa bởi trong sạch là không có mầm bệnh bên trong. Có như thế thì nhân dân mới tin vào sự chân chính của Đảng. Đảng được dân tin, dân yêu thì mới có nguồn sức mạnh lớn lao cho  cho chiến thắng và thành công. Mất lòng tin là mất tất cả. Ngày nay những đảng viên tốt, chân chính vẫn luôn ý thức rằng, chỉ có hết lòng vì nhân dân, không để chủ nghĩa cá nhân xen vào, không để “lợi ích nhóm”, tiêu cực tha hóa thì mới được nhân dân tin yêu, mới giữ được lâu dài vai trò lãnh đạo của Đảng. Tại Hội nghị TW4 vừa qua, Tổng Bí thư yêu cầu: “Từng ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện Nghị quyết, nói đi đôi với làm”. Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội  ngũ lãnh đạo, quản lý, những người có chức vị cao trong bộ máy  lãnh đạo là những biểu hiện thực tế sinh động, thuyết phục nhất đối với nhân dân. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này trong thực tế, nếu cán bộ đảng viên thoái hóa, “lợi ích nhóm” hoành hành thì mọi khẩu hiệu đều vô nghĩa, càng hô to càng phản cảm.

Từ những vấn đề được nêu trên đây cho thấy việc báo chí viết về xây dựng Đảng được đặt ra thành một yêu cầu bức thiết vì sự tồn vong của chế độ. Nên chăng mỗi cơ quan báo chí tỉnh nhà mở nhiều chuyên mục, chuyên đề, chuyên trang, sáng tạo nhiều nội dung, hình thức phong phú như tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự về nhân vật điển hình tiên tiến, bài điều tra phê bình, tiểu phẩm; hàng ngày nhắc lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Lê – nin, của cha ông ta về đạo đức cách mạng, đạo làm người để tuyên truyền thường xuyên…Thời nào, lúc nào, ở đâu cũng có “tham quan” và “quan thanh liêm”. Thực tế  cuộc sống là như vậy. Báo chí  nên công bằng biểu dương nhiều gương cán bộ tốt, liêm khiết, nhất là những đồng chí giữ chức vụ cao, chứ không nên chỉ biểu dương mấy đảng viên nuôi lợn giỏi, trồng rừng cho thu nhập cao  thì chưa đủ sức thuyết phục. Đồng thời cũng cần đấu tranh mạnh mẽ hơn với những cá nhân tham nhũng, lợi ích nhóm, tắc trách, vô cảm trước khó khăn của nhân dân. Đừng để tình trạng trắng đen lẫn lộn, kẻ xấu, người tốt cũng như nhau, nhân dân sẽ mất lòng tin          .

Nguyễn Thanh Vân

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải