song
Cần góc nhìn đa chiều trong lựa chọn đề tài tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng trên báo chí
Ngày xuất bản: 23/05/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 30142

 Để quán triệt, xây dựng chương trình hành động, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII vào cuộc sống, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức Đảng, của toàn thể cán bộ, đảng viên, trong đó có vai trò tiên phong của báo chí. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả của hoạt động báo chí về công tác xây dựng Đảng hiện nay? Để trả lời câu hỏi này, theo tác giả bài viết, cần phải có góc nhìn đa chiều trong việc lựa chọn đề tài, bởi nó là khởi nguồn để có những sản phẩm báo chí về Đảng và công tác Đảng thiết thực, ý nghĩa và hấp dẫn.

Năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, để quán triệt, xây dựng chương trình hành động, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; đưa Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”... vào cuộc sống một cách hiệu quả đã tạo ra những kết quả cụ thể, củng cố niềm tin của cán Bộ, đảng viên và nhân dân, đây là công việc đòi hỏi sự quyết liệt của các tổ chức Đảng, của toàn thể cán bộ, đảng viên, trong đó có vai trò tiên phong của báo chí. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí về công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đặc biệt cần chú trọng việc lựa chọn đề tài bởi đó là khởi nguồn để có những sản phẩm báo chí về Đảng và công tác Đảng thiết thực, ý nghĩa và hấp dẫn.

1. Thực hiện hoạt động tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng trên báo chí hiện nay

Việc tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng trên báo chí có vị trí hết sức quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, thể hiện sâu sắc tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. Chính bởi xác định tầm quan trọng như vậy nên thời gian qua, tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng trở thành công việc thường xuyên của các cơ quan báo chí ở Việt Nam. Báo chí đã dành tỷ lệ tin, bài thích đáng, đầu tư nhân lực và trí tuệ để tuyên truyền và xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, và đạt những kết quả quan trọng, góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, biến ý Đảng lòng dân thành hiện thực sinh động. Điều này đã thể hiện được ở số lượng bài viết ở các tờ báo, chương trình phát thanh, truyền hình cả Trung ương và địa phương. Đặc biệt, có thể kể tới, truyền hình gần đây, tại giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ nhất - năm 2016, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn một nghìn tác phẩm báo chí ở các loại hình gửi về tham dự. Con số đó phần nào chứng minh cho sự sôi động của báo chí trong tuyên truyền và công tác đảng và xây dựng đảng trong thời gian qua. Bên cạnh những bài viết phản ánh về đổi mới cách tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, những tác phẩm dự thi nói riêng và những tác phẩm báo chí viết về công tác đảng nói chung trong thời gian qua đã có không ít bài viết đi vào phân tích tìm các giải pháp nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nhiều tác phẩm đề cập những vấn đề bức xúc trong xã hội, như chống tham nhũng, tiêu cực; phê phán và chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ gắn với những vấn đề đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận như vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, hiện tượng con ông cháu cha... hay những bài viết phản ánh và đề xuất những giải pháp khắc phục tình trạng “trắng” đảng viên, tổ chức Đảng ở những thôn, xóm, khu dân cư, những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, có nhiều kiến nghị từ thực tiễn rất tốt; có những tác phẩm có tính chất phát hiện cao, nêu được những cách làm mới, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng ở các địa bàn, lĩnh vực khác nhau, từ miền núi tới đồng bằng, ở các khu công nghiệp, khu đô thị, mang đậm hơi thở cuộc sống cùng những tấm gương bình dị nhưng có sức thuyết phục...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, thực tế công tác tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít tồn tại, chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Biểu hiện là số lượng tin, bài về nội dung này ở một số cơ quan báo chí chưa nhiều và chưa chạm tới hết những điều các đảng viên và quần chúng mong mỏi. Khảo sát các bài viết trên báo in hay báo mạng điện tử, các chương trình phát thanh, truyền hình về công tác Đảng và xây dựng Đảng cho thấy tính sắc bén còn thiếu, sức thuyết phục chưa cao, tính chiến đấu còn hạn chế. Không ít các bài viết còn thông tin một chiều, đơn điệu, khô cứng... Trong hội thảo “Báo chí và công tác xây dựng Đảng” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức vào chiều 14.3.2016, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương (Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản) cho rằng: Đội ngũ những người tâm huyết dồn sức nghiên cứu, hình thành các bài viết có chất lượng về xây dựng Đảng không nhiều. Chính vì vậy, số lượng, chất lượng bài đấu tranh tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn dừng ở mức khiêm tốn.

Thực tế cho thấy, viết và thông tin về xây dựng Đảng là vấn đề ít hấp dẫn với phóng viên, cộng tác viên nguyên do là vấn đề khó, khó từ khâu phát hiện đề tài, xác định nội dung, khai thác tài liệu, cho đến thể hiện tác phẩm. Và đa số cho rằng, khó nhất vẫn là khâu xác định đề tài.

Mặc dù khó nhưng công việc này không thể lảng tránh. Lựa chọn đề tài nào, xác định trọng tâm nào để phản ánh là điều cần phải được quan tâm, đầu tư. Có như vậy, báo chí mới thể hiện được trách nhiệm với Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.

2. Một số cách thức lựa chọn đề tài khi tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng trên báo chí

- Thứ nhất: Lựa chọn đề tài cần gắn xây dựng và chống; gắn biểu dương với phê bình.

Để công chúng nhìn thấy cuộc sống đa chiều sinh động hơn, tin tưởng vào Đảng hơn, cần phải quán triệt và thực hiện tốt quan điểm gắn xây và chống, gắn biểu dương với phê bình được đề cập trong các nghị quyết của Đảng để làm tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng. Việc tuyên truyền chỉ trở nên hay và hấp dẫn khi báo chí trả lời đúng, trúng, sinh động và thuyết phục trước những vấn đề bức thiết trong cuộc sống. Báo chí phải nói lên được những điều Đảng muốn, dân cần. Tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng cũng phải như vậy. Để thực hiện được điều này, nội dung tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng phải hướng tới việc biểu dương những nhân tố tích cực, phải hướng tới những mô hình mới, cổ vũ những điển hình hay và đây phải được xem là dòng chủ lưu khi tuyên truyền về lĩnh vực này. Tuy nhiên, để tuyên truyền hiệu quả, báo chí về công tác xây dựng Đảng không thể lảng tránh những hiện tượng tiêu cực; những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống đang diễn ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay.

Thực tế, có một tâm lý chung của các phóng viên viết về Đảng và công tác xây dựng Đảng hiện nay là ngại đề cập những vụ việc tiêu cực, bởi đây là những vấn đề nhạy cảm. Đúng là có thể cách tuyên truyền về những điều tốt đẹp dễ giúp phóng viên nói riêng và cơ quan báo chí nói chung an toàn hơn. Nhưng ngược lại, cũng có một thực tế là chính sự an toàn này đã và đang làm cho các chuyên mục, trang báo về Đảng và công tác xây dựng Đảng trở nên xa rời với quan tâm của xã hội và công chúng; xa vời chính yêu cầu của Đảng đối với báo chí, nhất là trong bối cảnh Đảng đang coi ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng là nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm hiện nay.

- Thứ hai: Đề tài về Đảng và công tác xây dựng Đảng cần tiếp cận đa chiều, bám sát thực tế cuộc sống và mang tính phản biện.

Không nên chỉ thấy hình bóng đề tài về Đảng trong cuộc họp đưa ra nghị quyết A, nghị quyết B của các lãnh đạo, các cơ quan Đảng, Nhà nước mà cần hiểu đề tài nằm ở mọi lĩnh vực, mọi góc cạch của vấn đề. Ví dụ, thời gian qua, cả xã hội đặc biệt quan tâm đến những sai phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Từ vụ nhà 8B Lê Trực, đến vụ gần đây nhất là gần 80 căn biệt thự xây dựng không phép tại Điền viên thôn Ba Vì. Báo chí đã phản ánh những vụ việc này rất nhiều. Tuy nhiên, số bài báo đề cập vấn đề trên dưới góc nhìn xây dựng Đảng, thực sự không có nhiều. Mà các bài báo chủ yếu được phản ánh dưới góc nhìn của các chuyên mục xã hội. Với vụ nhà 8B Lê Trực, công chúng có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt các bài viết dừng lại ở việc phản ánh việc nhận quyết định kiểm tra của UBND thành phố Hà Nội theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soạt lại quy hoạch, quy trình xây dựng; hay phản ứng của người dân khi đặt mua nhà, thái độ của người chủ xây dựng căn hộ khi bị dừng, bị thanh kiểm tra (bài: “Ngừng bán căn hộ tại dự án 8B Lê Trực, khách hàng lo lắng” - VTCnews ngày 29.9.2015; bài: “Những dự án “lum xùm” của ông chủ toà nhà 8B Lê Trực” - VNMedia.Vn ngày 29.9.2015), hoặc loạt bài phản ánh việc tìm hiểu lý do bị dừng sai phạm là do ảnh hưởng đến an ninh (bài: “Việc vi phạm quy hoạch việc xây dựng toà nhà số 8B Lê Trực và ngõ số 8 Lý Nam  Đế Hà Nội - Vì sao gây bức xúc lớn trong dư luận Thủ đô?” - báo Nhà báo công luận ngày 25.9.2015)... Đến khi sai phạm đã được chỉ rõ thì lại đến loạt bài về xử lý kỹ thuật cho công trình như đề nghị cắt gọt, tháo dỡ một số tầng của toà nhà (bài: Bắt đầu cưỡng chế phần sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực - báo điện tử Chính Phủ - ngày 6.3.2016)...

Trước thực trạng tuyên truyền như vậy có thể đặt ra câu hỏi: phải chăng, những bất cập trong quản lý đô thị chỉ là mảng đề tài của các phóng viên xã hội như những ví dụ đã nêu trên? Mãi đến sau này, khi dư luận đã rất bức xúc, một số tờ báo mới đi vào thông tin, tuyên truyền dưới góc nhìn xây dựng đảng, về công tác quản lý, quản lý cán bộ, nhưng phần nhiều những bài viết đó cũng gần như chỉ dừng lại ở việc thông tin đơn thuần như bài: “Xây Toà nhà 8B Lê Trực: Hà Nội sẽ quyết định xử lý chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân sai phạm” (Hà Nội mới ngày 1.10.2015), bài: “Kỷ luật cán bộ liên quan đến vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực” (báo Tin online, ngày 8.3.2016) - nội dung thông tin về việc UBND quận Ba Đình vừa ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Mạnh Quân, chủ tịch UBND phường Điện Biên vì để xảy ra nhiều sai sót trong quản lý trật tự xây dựng tại công trình xây dựng số nhà 8B Lê Trực mà thôi và đây cũng chỉ là hình thức kỷ luật về mặt chính quyền, chưa có kết luận của Thường vụ Quận uỷ Ba Đình; hay bài viết tương tự trên báo như Vnexpress (bài: “Hà Nội kỷ luật hàng loạt cán bộ vì sai phạm tại 8B Lê Trực” - đăng ngày 9.3.2016)... mà thiếu những bài phân tích sâu về công tác cán bộ dưới góc nhìn xây dựng Đảng.

Cách tuyên truyền chưa thật sâu, chưa chạm tới mong mỏi trong thông tin của công chúng về một số sự kiện bức xúc trong dư luận trong thời gian qua như vậy chính là vấn đề cùng suy nghĩ. Đó là khoảng trống trong tuyên truyền trong phân tích trách nhiệm của cán bộ đảng viên làm công tác quản lý trong xây dựng nói riêng trong sự kiện này và trong không ít sự việc khác trong xã hội thời gian qua... Thực tế, dưới góc nhìn của công tác xây dựng Đảng, có rất nhiều đề tài có thể được phát hiện, lựa chọn phản ánh thông qua việc phân tích, “mổ xẻ” qua việc này. Ví như công tác đánh giá, quản lý cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra việc thực hiện các chủ trương của Đảng bộ thành phố trong lĩnh vực quản lý đô thị... cùng với đó, nếu như việc thẳng thắn đề cập đến những vấn đề trách nhiệm, đạo đức, trình độ của cán bộ đảng viên... với tinh thần xây dựng thì việc tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng sẽ không chỉ có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu của công chúng mà còn rút ra được nhiều bài học thiết thực với công tác xây dựng Đảng của các tổ chức Đảng hiện nay.

Câu chuyện nêu trên chỉ là một ví dụ trong không ít ví dụ cho thấy: vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa báo chí tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng với nhu cầu của công chúng. Và trong thực tế, có rất nhiều vấn đề tương tự cần được cắt lát, phản biện dưới góc nhìn của công tác xây dựng Đảng.

Theo dõi báo chí tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng, có thể rễ dàng nhận thấy gần đây một số cơ quan cũng đã bắt đầu mạnh dạn đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội. Như mục sinh hoạt tư tưởng của tạp chí Cộng sản, chuyên mục Đảng trong cuộc sống hôm nay của Đài Truyền hình Việt Nam, mục Đối thoại với cấp uỷ của Truyền hình Nhân Dân, mục Sự việc ý kiến của tạp chí Xây dựng Đảng... khá nhiều vấn đề được đề cập ở các chuyên mục này đã bắt đầu chạm tới nhu cầu thông tin của công chúng và dành được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội. Ở đó, đã có những tin bài đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của đời sống thường nhật và đã nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng. Một số bài viết hay chương  trình sau khi phát sóng, tuy không được sự đồng tình của đối tượng phản ánh những người thực hiện tin, bài đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía cấp uỷ cao hơn. Bởi những thông tin đó đã là những thông tin góp phần phản ánh thực tiễn sôi động, giúp cho cấp uỷ địa phương giải quyết tốt hơn những nảy sinh trong quá trình lãnh đạo. Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới tuyên truyền về xây dựng Đảng, những thay đổi này vẫn còn rất khiêm tốn. Đảng và công chúng vẫn còn đòi hỏi báo chí viết về Đảng và công tác xây dựng Đảng nỗ lực hơn rất nhiều.

- Thứ ba: Cần lựa chọn và quan tâm chọn đề tài từ góc nhìn công chúng

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng đang tác động mạnh mẽ vào đời sống, đã nảy sinh rất nhiều vấn đề mới đòi hỏi báo chí phải trả lời. Đó không chỉ là những vấn đề về công tác tổ chức cán bộ, công tác tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát mà còn là những vấn đề được bộc lộ qua cuộc sống và hành động của từng cán bộ, đảng viên.

Hàng ngày, trong cuộc sống có biết bao câu hỏi được đặt ra như: Vì sao sao cán bộ đó lại suy thoái, biến chất? Vì sao có không ít tổ chức Đảng hàng năm vẫn được công nhận là trong sạch, vững mạnh lại ngay lập tức trở nên lúng túng, thậm chí là bị tê liệt có khiếu kiện phức tạp xảy ra? Vì sao kết quả thực hiện các nghị quyết và xây dựng Đảng lại chưa đạt được kết quả như mong muốn?... Đây không chỉ là những vấn đề công chúng muốn biết và làm sáng tỏ, cần được báo chí trả lời một cách có trách nhiệm và thoả đáng.

Để tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng hiệu quả, không chỉ phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn, hợp lý giữa việc lựa chọn những đề tài, chủ đề tuyên truyền từ trên xuống mà còn cần phải linh hoạt lựa chọn được những đề tài có góc nhìn từ dưới lên để tăng sự gắn kết, tăng sức thuyết phục. Nghĩa là, không nhất thiết lúc nào cũng phải chọn những đề tài “đao to búa lớn”, mà tuỳ vấn đề, thời điểm và trường hợp cụ thể, có thể linh hoạt chọn đề tài tiếp cận từ dưới lên, tức là từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân... Và chỉ khi làm được như vậy, báo chí viết về Đảng và công tác Đảng mới tránh được cách thông tin một chiều, chung chung, hình thức mà thể hiện được tính đa chiều, sự liên kết máu thịt giữa Đảng với nhân dân và ngược lại.

Tóm lại, để tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng hiệu quả, người làm báo về Đảng và công tác xây dựng Đảng không được phép để tâm huyết và trái tim của mình lạc nhịp với những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra với thực tiễn của công tác này. Chỉ khi nhà báo, các cơ quan báo chí có được những góc nhìn đa chiều, không lảng tránh những vấn đề được Đảng và công chúng quan tâm thì mới có thể nâng cao được hiệu quả tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng.

NV(ST)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải