song
Hoạt động giao tiếp trong sáng tạo tác phẩm báo chí
Ngày xuất bản: 07/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 40731

 Trong lĩnh vực hoạt động báo chí, kỹ năng giao tiếp thể hiện thông qua các hoạt động tác nghiệp từ việc tiếp xúc cơ sở lấy tư liệu, phỏng vấn đến hình thành ý tưởng đề tài, hoàn thành tác phẩm báo chí để xuất bản hoặc phát sóng; thông qua đó thể hiện khả năng nhận biết vấn đề, xử lý thông tin, cách sử dụng ngôn ngữ báo chí của từng thể loại báo chí để diễn đạt ý tưởng, giúp cho người tiếp nhận thông tin hiểu rõ, nắm bắt được nhiều thông tin thông qua tác phẩm báo chí.

- Người gửi thông điệp: phải hiểu đối tượng để truyền thông điệp, phải biết cách vận dụng các kiến thức chuyên môn như ngôn ngữ hình ảnh, kỹ năng xử lý thông tin nhằm tạo ra thông điệp có sức thuyết phục để truyền đạt.

- Thông điệp: Thông điệp phải dựa trên nguyên tắc là cần nói những cái cần nói, gắn với trí tuệ và tình cảm, tránh việc nói sáo rỗng, giáo điều, dài dòng diễn giải thiếu trọng tâm.

- Truyền qua các kênh: Thông điệp trong hoạt động báo chí truyền hình được truyền qua kênh sóng truyền hình, được người nhận thông qua hạ tầng kỹ thuật truyền hình bao gồm hệ thống phát sóng vệ tinh, truyền hình số mặt đất, tuyền hình cáp, internet dẫn đến các thiết bị thu tín hiệu truyền hình Tivi, trên các kênh sóng được quy định.

- Ngược lại trong quá trình giao tiếp cũng cần có những phản hồi, bao gồm: Nội dung phản hồi, ý nghĩa phản hồi và các hình thức phản hồi.

1. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong sáng tạo tác phẩm báo chí

Đi, quan sát, gặp gỡ, hỏi chuyện, viết bài là công việc thường nhật của phóng viên chuyên nghiệp. Từ xa xưa ông cha ta có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã coi vai trò hàng đầu của kỹ năng giao tiếp ứng xử trong cuộc sống xã hội… Vì vậy, để làm tốt vai trò của người phóng viên, nhà báo trong hoạt động tác nghiệp sáng tạo ra tác phẩm báo chí nói chung và báo chí truyền hình nói riêng cần có những kỹ năng trong hoạt động giao tiếp xã hội, kỹ năng tổng hợp thông tin thông qua các hoạt động giao tiếp hàng ngày như nắm thông tin qua các đối tác trong xã hội, qua các tư liệu, qua dư luận xã hội, đồng thời vận dụng sáng tạo các kỹ năng nghề nghiệp như phỏng vấn, ghi hình, tổ chức sản xuất, chọn lọc thông tin để viết lời bình, dựng phim hoàn thiện tác phẩm phát sóng. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp của người phóng viên cũng cần ứng dụng tốt tri thức khoa học vào quá trình giao tiếp có hiệu quả nhất, như vận dụng trong quá trình phỏng vấn, trong sản xuất chương trình, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, trung thực, hiệu quả thông qua các thiết bị kỹ thuật và internet, như máy quay phim, máy tính xách tay…

Trong quá trình sáng tạo tác phẩm, nhà báo gần như phải huy động tổng lực tinh thần: từ tri thức, tư tưởng, tình cảm, kinh nghiệm cho đến cảm hứng, trực giác…nhưng tất cả không thể thoát ly hay thay thế cho những điều mắt thấy, tai nghe. Không những vậy, những ai mới bước vào nghề báo cũng cần có cái lửa, sự đam mê dấn thân vào công việc, đồng thời có sự rèn luyện cả về kỹ năng nghề cũng như phong cách làm việc chuyên nghiệp, một trong những yếu tố đó là tâm lý giao tiếp. Trong quá trình tác nghiệp, sáng tạo ra một tác phẩm báo chí, nhà báo không thể tự mình làm được mà còn có sự phối hợp với nhiều người khác, tiếp cận với nhiều người thuộc các thành phần để khai thác các thông tin, tư liệu phục vụ cho bài viết của mình.

 

Thách thức khối ngành xã hội nhân văn

Sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thực hành kỹ năng quay phim và phỏng vấn (Nguồn kenhtuyensinh.vn)

Những kiến thức học trong trường về nghiệp vụ báo chí, với các thể loại, thể tài báo chí chưa đủ, khi ra hoạt động thực tiễn cần phải tự đúc rút kinh nghiệm; bởi trong mỗi tác phẩm báo chí, dù là tin, bài phản ánh, phức tạp hơn nữa là phóng sự và phóng sự điều tra cũng cần các yếu tố tổng hợp, phân tích, diễn giải hay kết luận một thông tin nào đó mình đưa ra cũng cần có những yêu cầu về sự chính xác trong các số liệu, cũng như yếu tố mới của tin tức thời sự, cách nhìn nhận vấn đề như thế nào.

Cách đây 14 năm, khi vừa mới ra trường do chưa có kinh nghiệm, tổ nội dung giao cho viết về đề tài công đoàn để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5. Tôi được Ban biên tập định hướng viết về tuyến đường Đông Hồ từ Yên Bình lên Lục Yên. Thời điểm đó, Cầu Vĩnh Lạc là công trình quan trọng cuối cùng đang thi công dở dang . Ngoài tờ giấy giới thiệu liên hệ công tác, khi đến công trường, gặp người chỉ huy công trường; với kiến thức ít ỏi của chàng phóng viên mới vào nghề, nhất là đối với nghề xây dựng thì càng “mù tịt”, để lấy được thông tin cho bài viết tôi mạnh dạn đề xuất với người chỉ huy công trường về ý định viết về tinh thần lao động trên công trường nên đã niềm nở, cung cấp những số liệu cần thiết. Những số liệu chưa rõ, hay những vấn đề mình chưa hiểu sâu về kỹ thuật xây dựng, đời sống của những người công nhân làm việc, những thắc mắc đó sau khi được giải đáp cặn kẽ của người chỉ huy công trường và các công nhân làm việc trực tiếp, tôi đã định hình được câu chuyện mình định viết. Tuy nhiên, do mới tiếp cận với công việc thực tế, thời gian viết bài mất chừng hai ngày để ra đời tác phẩm đầu tay có tên là “Nhịp cầu nối đôi bờ vui” .

2. Dấn thân thực hiện các thể tài báo chí

Trong quá trình hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, mỗi phóng viên phải tự định hình cho mình một phong cách nhìn nhận vấn đề, cách đặt vấn đề, để xử lý thông tin và định hướng cách tác nghiệp. Bất kể một thể tài báo chí nào cũng cần có tâm lý chủ động, một mặt tự bản thân tìm kiếm thông tin, mặt khác việc nắm bắt thông tin cũng cần tới các nguồn tin quan trọng khác như viết về nông nghiệp có thể hỏi người nông dân, viết về thị trường thì phải hỏi tiểu thương, người tiêu dùng, viết điều tra một vụ án nào đó cần gặp gỡ những người làm công tác điều tra…

Để chuẩn bị viết một bài về đề tài nào đó, trước hết phải tự đi tìm những thông tin liên quan đến nó, lựa chọn những góc độ nào để tiếp cận một cách thuận tiện, tìm hiểu những bài viết có nội dung tương tự trong các bài báo cũ, rồi gạch những ý chính, nét chính; để lấy tư liệu hay những thông tin mang tính phát hiện, ngoài ra cũng phải căn cứ vào lý thuyết của các thể tài báo chí. Cũng từ cách suy nghĩ và lập luận theo trình tự, ngày đó, cùng với “máu liều” của lính trẻ, sau thời gian khoảng 1 tháng trời tìm hiểu thực trạng của dự án trồng Cà phê của tỉnh Yên Bái, trên địa bàn huyện Lục Yên, tự mình đi hết xã này, tới xã khác, tìm đến những vườn Cà phê, xấu có, tốt có hỏi những người trồng cà phê. Có những hôm trời mưa, địa điểm đến khá xa nhưng có lẽ câu chuyện khám phá sự thật đã thách thức tôi phải vượt qua. Sau thời gian “cực khổ” lấy số liệu, nhưng câu chuyện viết thành bài phóng sự cũng gian nan không kém gì đi lấy tư liệu cơ sở. Không bị áp lực về trách nhiệm, hay thời gian phát sóng, nhưng lúc đó trong suy nghĩ của mình là phải có trách nhiệm với bài viết và thông tin của mình, trước hết phải thể hiện mạch lạc ý đồ bài viết, thông tin số liệu và những nhận định cũng phải chính xác, khách quan, tác phẩm phải xứng tầm với bản chất của vấn đề mà thực tế đang xẩy ra. Thế rồi bản thảo phóng sự viết theo dạng điều tra “Cây Cà phê Catimo sống dở, chết dở”hoàn thành và nộp lên ban biên tập, nhưng tác phẩm đó không được phát sóng, mà chỉ được ghi nhận. Tuy tác phẩm chưa đến được với thính giả, song cũng tự nhủ đã chiến thắng được chính mình trong thực hành thể loại báo chí điều tra, trước một sự việc đang được xã hội quan tâm.

3. Kiên trì theo đuổi công việc làm báo

Trong quá trình học việc, tâm lý lúc đó chỉ muốn được cơ quan ghi nhận và tuyển vào làm phóng viên, nhưng 6 tháng rồi 1 năm, rồi 1 năm rưỡi nữa - vẫn là phóng viên thử việc đúng nghĩa hơn là cộng tác viên. Nhiều lúc bạn bè khuyên thay đổi công việc khác; Nhưng tâm trạng tôi lúc đó cũng không biết làm nghề gì, nên đành phải tiếp tục dấn thân vào công việc mà mình lựa chọn. Từ cái khó của những ngày đầu khởi nghiệp, thay vì chán nản, đổi lại tôi lại nghĩ ra những cách viết khác nhau, thể nghiệm nhiều thể tài báo chí khác nhau, từ phóng sự chân dung “người lính già dưới chân núi Voi”, ghi chép: lên với người Dao Tân phượng, đến những ghi nhanh về các sự kiện lớn về bầu cử HĐND, Đại hội Đảng các cấp, hay những bài viết phản ánh về hoạt động sản xuất của bà con ở các xã, những tấm gương đảng viên, cán bộ, người dân đi đầu trong phát triển kinh tế, hay những phóng sự truyền hình nêu thực trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên những năm 2002, 2003 và những vấn đề nóng khác. Cuối cùng những điều mong mỏi của tôi đã dần thành hiện thực khi được tuyển dụng vào làm việc chính thức tại đài huyện sau hơn 3 năm theo đuổi. Không có gì bằng sự nỗ lực của chính bản thân, không có gì tốt hơn khi mình chứng minh bằng tác phẩm của chính mình, để rồi cái nghề chọn người đầy thử thách này đã chọn mình.

4. Giao tiếp với đồng bào vùng cao trong tác nghiệp

Để có được những phóng sự mang đậm hơi thở cuộc sống, nhất là khi đi vùng cao đến với đồng bào dân tộc thiểu số; mỗi phóng viên  truyền hình phải tự trang bị những kỹ năng cần thiết. Vừa phải thích nghi với môi trường công việc như là leo dốc, nhịn đói hay tiếp xúc, giao tiếp với đồng bào đòi hỏi trong mỗi phóng viên cần có những suy nghĩ cởi mở, gần gũi. Bởi cuộc sống của họ luôn khép kín, với những người lạ họ ngại giao tiếp bởi nhiều người không biết nói tiếng phổ thông, vì thế để khai thác thông tin, điều cốt yếu nhất của người phóng viên là làm tốt công tác dân vận, để có sự cảm thông, gần gũi chia sẻ, đặc biệt là phải nhờ được người bản địa vừa biết tiếng dân tộc vừa nói được tiếng phổ thông để làm phiên dịch.

Ngoài yếu tố nghiệp vụ, khi thực hiện các đề tài về vùng cao, vùng đồng bào dân tộc phóng viên cần phải làm tốt công tác dân vận, giao tiếp một cách khéo léo và gần gũi chân thành. Trong một lần tác nghiệp ở bản Phiêng Cại, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, thực hiện một đề tài viết về một chàng thanh niên dân tộc Dao làm “chi hội trưởng phụ nữ”, vì điều kiện đời sống của bà con còn nghèo, trình độ dân trí thấp, nên quá trình tác nghiệp không đơn giản.  Một mặt để tránh những phiền hà với cơ sở, khi lưu trú dài ngày để làm phim; kinh nghiệm những lần đi làm phi trước đây ngoài kịch bản, máy quay phim, hành trang của chúng tôi còn có cả mì chính, hành tỏi, bánh kẹo, mì tôm để cải thiện bữa ăn đồng thời cũng là quà để biếu bà con, ngoài ra trong túi ai cũng dự trự cả thuốc tây để phòng bệnh. Khi biết chúng tôi có ý định làm phim về mình, ban đầu nhân vật cũng hơi ngại ngần, ngại vì nỗi mình đang làm cái việc của “phụ nữ”, không giống ai cả và cũng không biết “các anh nhà báo” viết chê xấu hay làm kiểu gì? Để tránh những điều tế nhị và hiểu lầm về ý đồ làm phim, trong quá trình vận động tôi và quay phim luôn hướng câu chuyện của mình sang phản ánh về đời sống của bà con trong thôn bản. Để hoàn thành nhiệm vụ, với vai trò của những người làm “dân vận”, tôi và đồng nghiệp trổ tài thuyết phục từng thành viên trong gia đình, thông qua bữa cơm cuối cùng nhân vật và mọi người trong gia đình và cả hàng xóm đồng ý “đóng phim”.

pv.jpg

Phóng viên tác nghiệp (Nguồn: internet)

5. Phát hiện đề tài, sáng tạo tác phẩm báo chí.

Trong hoạt động sáng tạo của phóng viên, để có một đề tài tốt ngoài kinh nghiệm về nghề, thì yếu tố giao tiếp với người dân, những người nắm giữ thông tin là điều hết sức quan trọng. Từ giao tiếp, phóng viên sẽ nắm bắt được nhiều thông tin, đặc biệt là các đề tài hay, đề tài nóng cũng sẽ phát hiện từ những câu chuyện giao tiếp này, để từ đó với góc độ nghề nghiệp sẽ lựa chọn hướng đi, triển khai đề tài theo sát ý đồ mình đặt ra. Trong từng hoàn cảnh, từng góc độ tiếp cận thực tế, phóng viên phải biết lựa chọn những “hoàn cảnh có vấn đề”, rồi đặt mình thành người trong cuộc thì mới có được những cơ hội vàng, ghi những khoảnh khắc trong cuộc sống một cách chân thực nhất có tính thuyết phục khán giả.

Có những đề tài được phát hiện thông qua quá trình tìm hiểu thực tế tại cơ sở, khi nhìn thấy những hiện tượng bất thường phóng viên phải tự mình đặt câu hỏi “vì sao, tại sao”, rồi tự mình tìm câu trả lời. Như câu chuyện khai thác nhựa thông, hay việc tận thu chế biến gỗ rừng Pơmu làm thảm hạt ở huyện Mù Cang Chải; nhóm phóng viên phải bí mật sử dụng máy quay mini tác nghiệp, ghi lại những hình ảnh “đắt giá” phát trên sóng truyền hình, rồi tiếp tục tìm hiểu các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền cơ sở và cả những đối tượng liên quan, thông qua đó phóng viên đã phát hiện được những tình tiết bất cập, thậm chí cố ý làm sai của một số cơ quan nhà nước.

Giao tiếp là một hình thức hoạt động của con người. Thông qua giao tiếp, những mối quan hệ giữa con người được kiến tạo. Do vậy, trong hoạt động báo chí nói chung và báo chí truyền hình nói riêng cũng rất cần sự giao tiếp đa dạng, phong phú, nhiều chiều và nhiều thành phần. Thông qua đó, nắm những quy luật của giao tiếp góp phần làm tăng hiệu quả lao động và điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng các hoạt động báo chí. Giao tiếp trong hoạt động nghiệp vụ báo chí đòi hỏi sự rèn luyện về kỹ năng giao tiếp xã hội, giao tiếp về nghiệp vụ để đạt được hiệu quả cao trong sáng tạo tác phẩm và thành công trong sự nghiệp. Mỗi phóng viên, nhà báo phải năng động, nhiệt tình và trách nhiệm trước những vẫn đề đang nẩy sinh trong đời sống xã hội, thông qua sự hiểu biết, sự giao tiếp với các thành phần trong xã hội, thông qua nghiệp vụ để sáng tạo ra tác phẩm báo chí, mang dấu ấn riêng, có tác động sâu sắc tới công chúng, xã hội. Tuy nhiên, để có được thành công đòi hỏi mỗi phóng viên, nhà báo phải dấn thân vào đời sống, có tinh thần cầu thị, cộng tác với đồng nghiệp, chịu đựng cường độ lao động căng thẳng để trở thành một nhà báo đúng nghĩa với trách nhiệm xã hội của mình.

                                                                                                                                                                                                  Đình Nguyên

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải