song
Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia (sửa đổi)
Ngày xuất bản: 19/02/2019 12:00:00 SA
Lượt đọc: 113601

 Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã ký Quyết định số 118/QĐ-HĐGBCQG về việc ban hành Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia (sửa đổi). Báo congluan.vn trân trọng giới thiệu toàn văn Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia (sửa đổi).

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

ĐIỀU LỆ GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA (SỬA ĐỔI)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 118/QĐ-HĐGBCQG, ngày 16 / 1 /2019 của Chủ  tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia)

Điều 1. Tên gọi: "GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA”

Điều 2. Giải báo chí Quốc gia được tổ chức hằng năm trên phạm vi toàn quốc. Chủ trì Giải báo chí Quốc gia: Hội Nhà báo Việt Nam. Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, mời Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia.

Điều 3. Mục đích, yêu cầu:

1. Lựa chọn để trao giải cho những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hóa; có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

2. Thông qua Giải báo chí Quốc gia, góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội.

Điều 4. Giải báo chí Quốc gia được xem xét và trao hằng năm cho tác phẩm báo chí xuất sắc của công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hoặc không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đã đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép (bao gồm: các tác phẩm báo chí đã sử dụng trên báo, tạp chí in, phát trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử, phim tài liệu thời sự và ảnh báo chí). Tác phẩm báo chí xuất sắc là những tác phẩm bảo đảm tính chính xác, tính thuyết phục, có tính phát hiện, có hiệu quả xã hội cao.

Điều 5. Những tác phẩm báo chí được xét tặng hàng năm là những tác phẩm được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 01/01 đến 31/12 hằng năm và được tuyển chọn từ cơ sở (tuyển chọn từ các Chi hội, Liên chi hội, Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, nơi nào chưa có Hội cơ sở thì thông qua cơ quan báo chí ở đó). Các Ban hoặc Hội đồng tuyển chọn tác phẩm báo chí tham dự Giải báo chí Quốc gia ở cơ sở gửi tác phẩm dự Giải về Trung ương Hội theo thời hạn quy định để kịp chấm và trao giải vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).

Điều 6. Giải báo chí Quốc gia được trao cho cá nhân tác giả. Người đoạt giải được cấp bằng chứng nhận kèm theo tiền thưởng. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả (số tác giả một nhóm tối đa là 05 người).

Điều 7. Thành phần Hội đồng Giải báo chí Quốc gia (gọi tắt là Hội đồng Giải) do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thành phần Hội đồng Giải gồm lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng Giải. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải. Một đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và một đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Phó Chủ tịch Hội đồng Giải. Hội đồng Giải là cơ quan quyết định giải thưởng. Quyết định của Hội đồng Giải là quyết định cuối cùng.

Điều 8. Giúp việc cho Hội đồng Giải có Ban Thư ký tổng hợp, Ban Thông tin Tuyên truyền và vận động giải, Ban Quản lý quỹ giải, Hội đồng chấm sơ khảo (gọi tắt là Hội đồng sơ khảo) và Hội đồng chấm chung khảo (gọi tắt là Hội đồng chung khảo). Giữa hai kỳ họp Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo công việc của Hội đồng Giải và các Ban giúp việc.

Điều 9. Cơ cấu Giải báo chí Quốc gia:

Giải báo chí Quốc gia có 5 loại giải tương ứng với các loại hình báo chí:

1. Báo in, có 3 nhóm giải:

a) Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn

b) Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận 

c) Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép

2. Báo nói (Phát thanh), có 3 nhóm giải:

a) Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận 

b) Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký

c) Tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp, phát thanh trực tiếp

3. Báo hình (Truyền hình), có 3 nhóm giải:

a) Giải Tin, phóng sự, ký sự;

b) Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm;

c) Giải Phim tài liệu truyền hình.

4. Giải Báo điện tử, có 2 nhóm giải:

a) Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến;

b) Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.

5. Ảnh báo chí có 01 nhóm giải:  Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh.

Mỗi giải gồm có giải A, giải B, giải C và giải Khuyến khích. Số lượng các giải A, B, C và Khuyến khích do Hội đồng Chung khảo đề nghị và Hội đồng Giải báo chí quốc gia quyết định.

Giải đặc biệt:  Hội đồng Chung khảo thảo luận, quyết định về việc bỏ phiếu kín chọn 1 giải đặc biệt trong số các Giải A, niêm phong và mở, công bố tại Lễ Trao giải (ngày 21/6).

Hằng năm, căn cứ sự phát triển của báo chí, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia quyết định thay đổi, bổ sung cơ cấu giải.

Điều 10. Việc tuyển chọn, thẩm định và chấm giải được thực hiện qua ba vòng:

- Vòng tuyển chọn: do Ban hoặc Hội đồng tuyển chọn thực hiện ở các Chi hội, Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội và Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Vòng sơ khảo: tiến hành ở Trung ương do Hội đồng sơ khảo chấm.

- Vòng chung khảo: tiến hành ở Trung ương do Hội đồng chung khảo chấm.

- Tư vấn giúp Hội đồng Chung khảo là Ban Thẩm định được thành lập hằng năm (cơ cấu theo các nhóm thể loại ở các tiểu ban sơ khảo), gồm các chuyên gia có uy tín, thẩm định, phản biện kín các tác phẩm vào chung khảo, trình Hội đồng chung khảo.

- Hội đồng Giải báo chí Quốc gia quyết định việc trao giải thưởng theo đề nghị của Hội đồng Chung khảo. Quyết định của Hội đồng Giải là quyết định cuối cùng.

Điều 11. Mức tiền thưởng do Hội đồng Giải quyết định và công bố hằng năm.

Điều 12. Kinh phí của Giải báo chí Quốc gia gồm nguồn kinh phí do Nhà nước cấp và nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Chỉ có Hội đồng Giải báo chí Quốc gia mới có quyền quyết định sửa đổi và bổ sung Điều lệ.

Điều lệ này thay thế Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định số 04/HĐGBCQG, ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Chủ tịch Hội đồng Giải và có hiệu lực từ ngày ký.

(Theo Báo Công luận)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải