Là hội thảo thường niên của các tỉnh Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang, Hà Nội, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phúc. Đặc biệt năm nay còn có sự tham gia của Hội Nhà báo các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng. Hội thảo lần thứ XII - năm 2017 với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo tổ chức tại tỉnh Bắc Giang, được đánh giá như hội thảo quốc gia thu nhỏ và đã đề cập đến đầy đủ, sâu sắc, chi tiết các vấn đề của Hội Nhà báo hiện nay.
Cùng với Hội Nhà báo trong cả nước, Hội Nhà báo các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và thành phố Hà Nội đã từng bước củng cố, kiện toàn về tổ chức và cải thiện điều kiện hoạt động. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn, bổ sung kinh phí, biên chế và bố trí trụ sở làm việc. Đi đôi với đó thì phương thức hoạt động của các cấp Hội cũng từng bước đổi mới. Hội quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên. Động viên, tạo điều kiện để hội viên tham dự các giải báo chí của Trung ương, của tỉnh và các ngành, thực hiện tốt việc hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao… góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả ấn phẩm báo chí của địa phương.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật đó, hội thảo đã thẳng thắn nhìn nhận chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội vẫn chưa cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Phương thức hoạt động Hội có đổi mới nhưng chưa theo kịp sự phát triển của báo chí. Sức hút của Hội chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền, cấp Hội chưa có những giải pháp cụ thể, thiết thực và đồng bộ. Do vậy chưa phát huy hết vao trò của tổ chức Hội đối với báo chí và những người làm báo.
Hội thảo lần này gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 37 - CT/TW ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo lần này, các đại biểu đã đi sâu thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm rõ những nội dung như: Chăm lo xây dựng tổ chức Hội, xây dựng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, năng lực chuyên môn giỏi, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại; Công tác quy tụ, bồi dưỡng và phát triển hội viên; Kinh nghiệm tổ chức thực hiện sáng tạo tác phẩm báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cách thức nâng cao chất lượng Giải báo chí của tỉnh; Bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho hội viên - nhà báo, góp phần có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia và các ngành; kinh nghiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ - việc làm thiết thực nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hội viên; Tích cực tham gia xử lý thông tin trên báo chí, tăng cường chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, phòng viên nhà báo tác nghiệp báo chí đúng pháp luật; Kinh nghiệm nâng cao vai trò của Chi hội nhà báo trong các hoạt động và phong trào thi đua của HNB địa phương…
Những năm gần đây Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái được Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo các tỉnh bạn trong khu vực đánh giá cao trong mọi hoạt động, đặc biệt là chất lượng Đặc san Người làm báo Yên Bái. Tại hội thảo, lãnh đạo Hội Nhà báo Yên Bái đã chia sẻ những kinh nghiệm để có được thành quả đó, Hội đã chủ động kết nối để có một đội ngũ cộng tác viên đông đảo thường xuyên, trách nhiệm trong và ngoài tỉnh và đều là những nhà báo công tác lâu năm có kinh nghiệm, là trưởng, phó phòng chuyên môn của các cơ quan báo chí. Đặc biệt có tới hàng chục CTV từng giữ cương vị trọng trách ở các cơ quan báo chí đã nghỉ hưu. Thuận lợi hơn khi Đặc san được chế bản tại cơ quan thường trực, như vậy Hội có thể chủ động hơn trong xuất bản và có thể kịp thời khắc phục được những sai sót.
Hội thảo Hội Nhà báo các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và thành phố Hà Nội cũng đưa ra vấn đề hội viên cần nghiêm túc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam khi mà hiện nay một bộ phận nhà báo chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.
Đã có nhiều những ý kiến tâm huyết và cả những băn khoăn, trăn trở chung của các Hội Nhà báo đó là tổ chức Hội bị xem nhẹ khi các Hội Nhà báo đều xếp vào khối các Hội có tính chất đặc thù, do vậy rất khó hoạt động; tổ chức bộ máy, biên chế chưa có tính thống nhất; có nhiều địa phương chính quyền, cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của Hội Nhà báo nên kinh phí hoạt động hạn hẹp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu; làm sao để tạo được sự phối hợp, gắn kết giữa Hội Nhà báo và các ban, ngành, nhất là các cơ quan báo chí trong tỉnh tạo điều kiện để các hội viên nhà báo tham gia tích cực, nhiệt tình hơn đối với các hoạt động của Hội.
Tại hội thảo, các Hội đã chia sẻ với nhau nhiều cách thức, kinh nghiệm trong hoạt động. Để nâng cao vai trò, vị thế, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo, đặc biệt là tại các HNB địa phương, các đại biểu kiến nghị với Hội Nhà báo Việt Nam cần phải có sự phối hợp, chia sẻ giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo địa phương; Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thống nhất bộ máy tổ chức, biên chế trong toàn tổ chức Hội và phải nhanh chóng đưa Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam khóa X đi vào thực tiễn.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Trưởng Ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam Hà Thị Hồng Dương đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích mà các Hội Nhà báo trong khu vực đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động Hội cũng như chia sẻ những khó khăn mà các Hội Nhà báo đã và đang phải khắc phục; đánh giá cao chủ đề của hội thảo cũng như các vấn đề, nội dung trao đổi, chia sẻ. Đồng chí khẳng định: “Đây là những vấn đề tuy không mới nhưng chưa bao giờ là cũ, luôn có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, được đánh giá như hội thảo quốc gia thu nhỏ và đã đề cập đến đầy đủ, sâu sắc, chi tiết các vấn đề của Hội Nhà báo hiện nay”.
Đồng thời, đồng chí Trưởng Ban Công tác Hội đã giải đáp phần nào những trăn trở, kiến nghị của các HNB, Ban Công tác Hội xin tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, sẽ báo cáo với Thường trực Thường vụ HNBVN để có hướng giải quyết, tháo gỡ, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo, đặc biệt là Hội Nhà báo địa phương.
Kết luận hội thảo, đồng chí Chủ tịch HNB Bắc Giang Nguyễn Thế Dũng cho rằng: Những vấn đề đưa ra bàn thảo tại hội thảo này không phải là ở điểm khởi đầu, cũng chưa phải là điểm kết thúc. Quy mô, ảnh hưởng của Hội thảo có thể còn rất khiêm tốn so với nhiệm vụ “Tiếp tục nâng cao vao trò, chất lượng hoạt động của HNBVN trong thời kỳ mới”. Từ Hội thảo này, hy vọng các cấp Hội không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, từng bước khẳng định vị thế, nâng tầm vai trò của Hội Nhà báo trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực và hiệu quả vào công tác tuyên truyền trong sự nghiệp đổi mới của đất nước cũng như sự phát triển của báo chí Việt Nam.
Thanh Thùy
CÁC TIN KHÁC