song
Khơi lại “mạch nguồn” báo chí nhân văn: Nhân văn: Cốt lõi của văn hoá báo chí
Ngày xuất bản: 22/01/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6535

 Một nền báo chí nhân văn là nền báo chí cách mạng xây dựng và phát triển vững chắc trên nền tảng pháp luật, đạo đức và những giá trị chung của văn hóa. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt nhiệm vụ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

 

Khơi lại “mạch nguồn” báo chí nhân văn

Văn hóa đã là mạch nguồn len lỏi chảy suốt chiều dài lịch sử gần 100 năm qua của nền Báo chí Cách mạng. Và giờ đây, trong sự biến thiên của thời cuộc và đời sống báo chí, việc khơi dậy mạch nguồn ấy, lan toả hơn nữa tinh thần nhân văn của Báo chí Cách mạng đã là yêu cầu bức thiết, trong đó, việc phát động thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” (tháng 6/2022) là nỗ lực khởi đầu. Loạt bài của Báo Nhà báo & Công luận phản ánh về những nỗ lực ấy với những câu chuyện thực tế từ một số cơ quan báo chí, Hội Nhà báo địa phương.

Ba nhiệm vụ được đúc kết ấy đều rất quan trọng, song yếu tố nhân văn là yếu tố cần xuyên suốt, lan tỏa để tạo nên cốt lõi của văn hóa báo chí. Đặc biệt trong bối cảnh nền báo chí nước nhà đang đứng trước nhiều thách thức của thời cuộc.

Đời sống báo chí càng biến động, văn hóa càng phải trở thành bệ đỡ

Khi đặt vấn đề văn hóa báo chí thì câu chuyện báo chí nhân văn, báo chí tử tế hay giá trị cốt lõi của báo chí lại một lần nữa được nhắc đến. Không phải đơn giản mà sợi dây liên kết này trở thành điểm nhấn trong các câu chuyện về nghề khi mà báo chí đã và đang bước vào công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, khoa học công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách… Báo chí văn hóa theo nghĩa đó chính là báo chí vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người.

Như nhà báo lão thành Phan Quang từng khẳng định: “Văn hóa báo chí là một giá trị bất biến, khắc họa nhân cách nhà báo chân chính và kiến tạo bản sắc của cơ quan báo chí trong bất kỳ thời đại nào”. Đời sống báo chí càng biến động, văn hóa càng phải trở thành bệ đỡ, điểm tựa cho hành trình phát triển. Muốn báo chí nhân văn thì văn hóa báo chí phải đẹp và ngược lại văn hóa cũng cần được lan tỏa đến cộng đồng qua sứ giả là báo chí.

 

Báo chí văn hóa là báo chí vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người.

Phát động Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” khi đi vào đời sống, thấm nhuần trong hoạt động báo chí một cách thực chất thì chắc chắn sẽ góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong nghề; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội. 12 tiêu chí bám sát hoạt động nghề nghiệp mà Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, dù không mang ý nghĩa là thiết chế ràng buộc nhưng được coi là sợi dây gắn kết của trách nhiệm, lương tâm và lòng tự trọng nghề nghiệp…

Như đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Văn hóa của người làm báo nói một cách giản dị là hướng tới 4 chữ “TÂM SÁNG, BÚT SẮC”. “Tâm sáng” là phẩm chất quan trọng hàng đầu, phản ánh cái đức của người làm báo. Chỉ khi nhà báo có tâm sáng thì mỗi tác phẩm báo chí của họ mới thật sự có ích cho xã hội. Chỉ khi có tâm sáng, bài viết của nhà báo mới bảo đảm tính trung thực, chính xác, giàu tính chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính, trừ tà” với tinh thần xây dựng; đấu tranh với cái xấu phải luôn song hành bảo vệ cái đúng, khơi dậy điều tốt đẹp trong cuộc sống”

Phận sự và lòng tin

Không phải đến bây giờ, khi phong trào này được phát động thì câu chuyện đạo đức, văn hóa người làm báo mới được đặt ra. Nhưng với những gì đã diễn ra trong đời sống báo chí những năm qua, có thể thấy rằng việc khơi dậy mạch nguồn văn hóa báo chí trong mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí đã trở thành yêu cầu cấp bách…

Tất nhiên, hiện thực hóa những khát vọng hay thực thi mọi phong trào đều không hề đơn giản, nhất là trong câu chuyện của văn hóa – một phạm trù trừu tượng và rất rộng. Thế nên, trong bối cảnh có nhiều những đổi thay trong hoạt động nghề nghiệp, các nhà báo, các tờ báo, những nhà lãnh đạo, quản lý báo chí chắc đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, có chương trình hành động cụ thể để củng cố niềm tin của xã hội vào những người làm nghề báo.

 

Phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: Thế Công

Trên thực tế, kể từ buổi Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” vào ngày 21/6/2022, sau 6 tháng phong trào đã được sự hưởng ứng, triển khai và có những “chuyển biến” trong tư duy, hành động của các cơ quan báo chí và người làm báo thời gian qua. Theo thông tin từ Ban Công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam, đến nay đã có hơn 100/288 tổ chức Hội gửi cam kết thi đua và phong trào này đã lan tỏa sâu rộng trong từng đơn vị.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải – Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân chia sẻ: “Mỗi nhà báo - chiến sĩ khi thức dậy, bắt đầu một ngày mới với câu hỏi: “Nhân dân cần gì, bạn đọc cần gì, bộ đội cần gì?” và tìm cách trả lời. Đó là cách chúng tôi triển khai phong trào thi đua”.

Hay như nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng Ban Thư ký Biên tập - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam cũng bày tỏ rằng để các hội viên hiểu đúng về mục đích của phong trào thi đua này và đề ra những mục tiêu để hành động, Đài đã bắt tay vào nghiên cứu, soạn thảo tiêu chuẩn của một cơ quan báo chí văn hóa, trong đó có việc xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, có nền nếp, gắn việc xây dựng cơ quan báo chí văn hóa với việc thực hiện các nội quy, quy định của cơ quan, luật công chức, viên chức. Các Chi hội đã có những cuộc sinh hoạt chuyên đề để bàn các giải pháp triển khai xây dựng môi trường báo chí văn hóa…

Còn tại Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt, việc triển khai hưởng ứng phong trào thi đua được đặc biệt coi trọng và đi vào thực chất. Tờ báo đã đưa ra những tiêu chí dành riêng cho đơn vị, cho hội viên của mình thông qua việc ban hành nguyên tắc “5 CÓ - 5 KHÔNG”. Nhà báo Vũ Kiều Minh – Tổng Thư ký Tòa soạn, Thư ký Chi hội cho biết, nguyên tắc này không vượt ra khỏi Tiêu chí xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa, cũng như 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam nhưng mang đậm màu sắc, văn hóa cơ quan, dễ thuộc, dễ nhớ…

Thời cuộc càng biến động, thời đại thông tin kỹ thuật số càng phức tạp thì tính nhân văn của báo chí càng phải được đề cao. Những nguyên tắc cơ bản, những giá trị phổ quát, trong đó có giá trị đạo đức nghề nghiệp, luật pháp, văn hóa báo chí thì phải luôn được tuân thủ, thực hiện nghiêm túc. Có như vậy mới làm tròn phận sự của báo chí và xứng đáng với lòng tin mà công chúng dành cho báo chí.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải