song
Mạng xã hội và trách nhiệm người làm báo
Ngày xuất bản: 12/07/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15187

 Sự phát triển kỳ diệu của Internet đã tạo ra một “thế giới phẳng” với thông tin kết nối toàn cầu. Bất cứ người nào, chỉ cần chiếc điện thoại “bình dân” cũng có thể “lướt web” và dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin. Các mạng xã hội ra đời, rồi hàng trăm triệu website, blog cá nhân khác nhau, hằng ngày, hằng giờ thu hút hàng tỷ lượt người xem và trao đổi thông tin. Báo chí kỹ thuật số với công cụ đắc lực là truyền thông xã hội phát triển một cách chóng mặt. Cũng từ đó, tầm ảnh hưởng của người làm báo với tư cách là người có lợi thế trong nắm bắt và truyền tải thông tin đến công chúng càng được đề cao nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề đáng lưu tâm khi nhà báo tham gia mạng xã hội.

Nhà báo phải chuẩn mực, trách nhiệm khi đưa tin trên mạng xã hội

Trên thực tế hiện nay, nhà báo không thể không tham gia mạng xã hội và phải nhấn mạnh rằng, mạng mạng xã hội vừa là đối tác vừa là đối thủ. Đối tác ở chỗ mạng xã hội là nguồn tin phong phú, đầu tiên, đa chiều cho các nhà báo, là nơi chia sẻ tin tức phong phú nhất; là kênh giúp nhà báo nắm bắt nhu cầu công chúng biết gì, thích gì, chiều hướng dư luận; mạng xã hội cũng là một kênh phát hiện ra sai sót của báo chí. Bỏ qua mạng xã hội cũng là bỏ qua một kênh giúp nhà báo thêm sự tỉnh táo, sâu sắc. Nhiều bài báo đưa lên mạng đã tạo ra sự lan tỏa tích cực. Những thông tin có chất lượng, lập luận khoa học, sắc bén của nhà báo lan truyền trên mạng xã hội được người đọc thừa nhận thì uy tín của nhà báo và tòa soạn càng được nâng lên. Như vậy, mạng xã hội cũng là một kênh quảng bá nội dung, phát triển thương hiệu cho tòa soạn, tờ báo. Mạng xã hội là đối thủ vì tăng áp lực cho nhà báo trong khả năng phát hiện, tìm kiếm thông tin. Buộc nhà báo phải nhanh, chính xác để không theo sau mạng xã hội. Mạng xã hội cũng có những mặt trái tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu nhà báo sử dụng không đúng mục đích và thiếu bản lĩnh.

Vậy nhà báo phải tham gia mạng xã hội thế nào? Thứ nhất, nhà báo cần thận trọng trước tin đồn trên mạng xã hội, khi tiếp nhận, lựa chọn và sử dụng thông tin trên mạng xã hội, phải được kiểm chứng rõ ràng. Thứ hai, chân thực là nguyên tắc bắt buộc của nhà báo. Thứ ba, trong môi trường thông tin đa chiều, nhà báo cần phải “vun đắp” niềm tin cho công chúng. Những tin đồn lan tỏa trên các trang mạng xã hội rất nguy hiểm, có thể làn cho công chúng có cái nhìn lệch lac, “xô đẩy lòng tin chính trị”, vì vậy nhà báo có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên mặt báo, mà đòi hỏi người làm báo cần có sự “nhạy cảm nghề nghiệp” trong chọn lựa, xử lý thông tin. Gần đây, không phải ở tỉnh ta, đã có một số nhà báo hoặc mang danh nhà báo sử dụng mạng xã hội phục vụ các toan tính cá nhân, gây hoang mang, mất lòng tin trong dư luận, làm tổn hại tới uy tín của nghề báo. Một số nhà báo sử dụng mạng xã hội để phát ngôn tự do, thiếu thận trọng, thậm chí ngược lại với quan điểm bài viết của mình đã đăng trên báo, làm giảm sút niềm tin của công chúng. Vì vậy các nhà báo phải luôn tâm niệm rằng, những thông tin đăng tải trên mạng xã hội của nhà báo đều được coi là phát ngôn chính thức, chính quy với vai trò dẫn dắt dư luận và trách nhiệm phụng sự xã hội. Người dùng mạng xã hội đưa tin tự phát, nhà báo đưa tin trách nhiệm. Trong môi trường hội tụ truyền thông, nhà báo khác công chúng, bởi lẽ nhà báo có nguồn thông tin phong phú từ các “kênh” khác nhau, từ hoạt động tác nghiệp của bản thân và do nhà báo có “nghề”, theo đó, nhà báo phải chuẩn mực, trách nhiệm, phải tự biết cương vị để hướng dẫn dư luận xã hội. Quan điểm, hình ảnh, phát ngôn của nhà báo trong bài viết, và trên mạng xã hội phải thống nhất.

Trước những thách thức từ mạng xã hội đối với đạo đức báo chí, ngày 25/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, được xem như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của báo chí thời đại kỹ thuật số, là sự bổ sung cần thiết cho 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Đây là cơ sở quan trọng để Hội Nhà báo Việt Nam xử lý các hành vi sai phạm của người làm báo trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng. Rất đáng mừng là ở Yên Bái chúng ta, các nhà báo sử dụng tốt mạng xã hội với đầy đủ sự nhanh nhạy, bản lĩnh và trách nhiệm.

Trong thời đại số và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, quyền thông tin, tự do thông tin là không thể ngăn cấm. Nhưng với tư cách nhà báo, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ xã hội và đặc thù nghề nghiệp của mình, hơn lúc nào hết, mỗi người làm báo chúng ta cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của mình. Sự phát triển của báo chí Yên Bái và quá trình đổi mới toàn diện hoạt động báo chí Việt Nam chỉ có thể đạt được khi mỗi nhà báo thật sự là công dân gương mẫu, thật sự là người vừa có trình độ chuyên môn, vừa có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

Nông Quang Khiêm

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải