song
Nâng cao chất lượng các ấn phẩm và đội ngũ những người làm báo Đảng
Ngày xuất bản: 03/11/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 92920

 Hòa chung không khí của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2017, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, hôm nay, Báo Yên Bái kỷ niệm 55 năm ngày Báo Yên Bái - cơ quan của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái xuất bản số đầu tiên (05/11/1962 - 05/11/2017).

Thay mặt Đảng ủy, Ban biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Yên Bái, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, động viên, đến dự và chung vui của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Báo Yên Bái qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các bạn đồng nghiệp là lãnh đạo, phóng viên các báo Đảng địa phương; các thế hệ làm báo Yên Bái và các bạn thông tín viên, cộng tác viên thân thiết của Báo Yên Bái. Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng toàn thể các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc; chúc lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp!

Kể từ ngày xuất bản số đầu tiên 5/11/1962 đến nay, Báo Yên Bái đã trải qua 55 năm thực hiện nhiệm vụ chính trị với tư cách là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng bộ địa phương.
Trên thực tế, qua nghiên cứu và thống kê chưa đầy đủ, kể từ các hình thức báo chí sơ khai có tính chất tiền thân thì báo chí Yên Bái nói chung và Báo Yên Bái nói riêng đã có bề dày truyền thống 86 năm xây dựng và phát triển.

Hình thức báo chí sơ khai có tính chất tiền thân đầu tiên là tập san "Học sinh báo” do nhóm thanh niên, học sinh yêu nước "Học sinh đoàn” xuất bản ngày 1/3/1931 tại thị xã Yên Bái. Mặc dù nhóm "Học sinh đoàn” nhanh chóng bị thực dân Pháp khủng bố, bắt bớ, giam tù, tập san "Học sinh báo” chỉ ra được 3 số song đã gây tiếng vang lớn, thức tỉnh lòng yêu nước, hướng lớp trẻ thị xã dấn thân theo con đường cách mạng.

Hình thức báo chí thứ hai là phong trào đọc báo và tuyên truyền báo chí công khai của Đảng những năm 1936-1939 trong giới công chức, giáo viên và công nhân Đề pô Yên Bái đưa tới sự giác ngộ, tiến tới thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở thị xã Yên Bái ngày 7/5/1945.
Hình thức báo chí thứ ba là tờ báo "Đường nghĩa” do Chi bộ Căng Nghĩa Lộ xuất bản vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1945 tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng đoàn kết, đấu tranh, phá căng, vượt ngục, kịp thời bổ sung cán bộ cho chiến khu Vần - Hiền Lương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã tỉnh lỵ thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đọc báo Yên Bái thời sự phục vụ Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh.

Ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái đã thành lập cơ quan tuyên truyền xuất bản tờ "Tin Yên Bái, là kênh thông tin chính thức để chỉ đạo, động viên công cuộc kháng chiến kiến quốc ở địa phương. Tại các đơn vị bộ đội và dân quân có thêm tờ tin "Đồng bằng” và "Tiến lên” để chỉ đạo, động viên bộ đội chiến đấu chống thực dân Pháp và bọn phản động "Việt quốc”, "Việt cách” bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Hình thức báo chí thứ năm là tờ báo "Mới”, do Tỉnh ủy chỉ đạo xuất bản vào tháng 1/1949. Đây là tờ báo đặc biệt để chỉ đạo và tuyên truyền phục vụ Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 chính thức bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa I (sau này gọi là Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ nhất).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tờ "Tin Yên Bái” cùng các loại hình báo chí thông tin phong phú, linh hoạt, phù hợp đã thực sự là vũ khí sắc bén để Tỉnh ủy chỉ đạo, động viên toàn dân, tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến kiến quốc, giải phóng quê hương, đưa tỉnh Yên Bái trở thành hậu phương trực tiếp góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái xuất bản số đầu tiên mang tên cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, khẳng định vị thế và mở ra bước phát triển mới của Báo Yên Bái.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, thị xã Yên Bái và các công trình giao thông huyết mạch trở thành trọng điểm hủy diệt của giặc Mỹ. Cán bộ, chiến sỹ, phóng viên Báo Yên Bái đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, không quản hy sinh, vừa thực hiện phòng không sơ tán đảm bảo xuất bản báo đúng kỳ để tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương, đường lối của Đảng, vừa đi tới từng thôn xóm, bản làng, xưởng máy động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, bừng bừng khí thế "Ruộng rẫy là chiến trường/cuốc cày là vũ khí/nhà nông là chiến sĩ/hậu phương thi đua với tiền phương” góp phần xứng đáng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về bỏ khu, lập tỉnh, ngày 3/1/1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai. Ngay sau khi lập tỉnh, Tỉnh ủy ra Nghị quyết thành lập Báo Hoàng Liên Sơn trên cơ sở sáp nhập Báo Nghĩa Lộ, Báo Yên Bái, Báo Lào Cai, trụ sở tòa soạn đặt tại thị xã Lào Cai. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hoàng Liên Sơn đã bắt tay ngay vào xuất bản báo.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh động viên các phóng viên, nhà báo tuyên truyền về đợt mưa lũ đầu tháng 10/2017

Giữa năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp, cơ quan Báo Hoàng Liên Sơn chuyển từ thị xã Lào Cai về thị xã Yên Bái. Dù phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng cán bộ, phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn luôn bám sát nhiệm vụ, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; vừa động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Nhà báo chiến sĩ Bùi Nguyên Khiết đã anh dũng hy sinh ngay tại chiến hào xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương.
Tại kỳ họp ngày 12/8/1991, Quốc hội ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Ngày 1/10/1991, tỉnh Yên Bái tái lập chính thức đi vào hoạt động, theo đó Báo Yên Bái cũng được tái lập.

Bắt tay vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống đói nghèo và lạc hậu cũng gian nan không kém gì những năm tháng chiến tranh. Toàn Đảng, toàn dân và báo chí bước vào một thời kỳ chuyển đổi cơ chế xóa bỏ bao cấp, vốn là trở lực lớn trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm tháng gian nan đó, Báo Yên Bái giương cao ngọn cờ tư tưởng của Đảng, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phản ánh trung thực tình hình mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, tâm tư nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; đặc biệt phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình mới những năm đầu đổi mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, xác định kiên trì mục tiêu, đường lối đổi mới, phát triển đất nước.

Các ấn phẩm hàng ngày vẫn đều đặn là người thư ký trung thành, cần mẫn nhiệm vụ tuyên truyền đổi mới cách nghĩ, cách làm, giáo dục bản lĩnh, phát huy trí tuệ, khơi dậy niềm tin để Đảng bộ và nhân dân Yên Bái cùng với cả nước đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau hơn 30 năm đổi mới.

Đồng chí Nông Thụy Sỹ - Tổng biên tập Báo Yên Bái và các đồng chí trong Ban biên tập chỉ đạo công tác tuyên truyền, xuất bản.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các tờ báo tiền thân, Báo Yên Bái luôn bám sát dòng chảy thực tiễn cuộc sống, luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong binh chủng thông tin tuyên truyền, trở thành "người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy công cuộc đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực sự là công cụ tuyên truyền sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng bộ, Báo Yên Bái không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, tăng cường tính chiến đấu của tờ báo Đảng.

Cùng với tuyên truyền định kỳ, Báo Yên Bái đã chú ý hình thức tuyên truyền chuyên đề, mở hơn 40 chuyên trang, chuyên mục, đề cao tính kế hoạch hóa trong thực hiện nhiệm vụ làm cho tờ báo tăng tính hấp dẫn, nâng cao tính định hướng và hướng dẫn dư luận xã hội. Nội dung tuyên truyền luôn bám sát hơi thở cuộc sống từ cơ sở, đảm bảo tính toàn diện, cân đối, phong phú, sinh động theo đúng tôn chỉ mục đích.

Nhiều tác phẩm báo chí, nhiều vấn đề phát hiện, gợi mở của Báo Yên Bái đã phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, của các cấp, các ngành; được tiếp thu, bổ sung góp phần hình thành chủ trương, chính sách của tỉnh. Trong thời đại bùng nổ thông tin, Báo Yên Bái đã chủ động, tích cực tiếp thu công nghệ làm báo hiện đại và là một trong ba tờ báo Đảng địa phương đầu tiên xây dựng trang thông tin điện tử, mở rộng tuyên truyền đến các địa phương trong nước và quốc tế.

Nông Thụy Sỹ - Tổng biên tập Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải