song
Ngôn ngữ báo chí và việc giữ cho tiếng Việt mãi sáng trong
Ngày xuất bản: 11/10/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 37584

 Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Đối với nghề viết khi đã có tài liệu, tư liệu rồi thì cái khó nhất là làm sao sử dụng, lựa chọn được ngôn ngữ để mà diễn đạt được đúng những điều mình cảm nhận, rung động và ý định biểu đạt một cách mạch lạc, sâu sắc, hàm xúc và sinh động nhất. Nếu nói đến năng khiếu của người làm báo thì cái quan trọng nhất trong năng khiếu là sự am hiểu ngữ nghĩa, câu từ để lựa chọn đưa vào mỗi văn cảnh một cách hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ, đắt, tạo ra cái hay, sự độc đáo bởi óc sáng tạo, không theo khuôn mẫu nào, luôn mới khi nói về những điều không mới để hấp dẫn, lôi cuốn người đọc vào khám phá những cái hay, cái đẹp của cuộc sống ngày thường vẫn thấy nhưng ít người cảm nhận được. Đó chính là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Không ít người khi tiếp cận với hiện thực cuộc sống thấy hay, thấy đẹp nhưng làm sao diễn đạt thành lời nói, bài viết hay thì không dễ vì bí từ. Nếu không viết ra được thì những gì mình biết vẫn chỉ là vốn sống, tri thức riêng của mình chứ chưa phải là thông tin xã hội có tác động đến người khác. Vốn ngôn ngữ nghèo dẫn đến tình trạng bí từ khi viết nên không ít trường hợp viết không chính xác, có khi ý một đằng, viết một nẻo do không tìm được ngôn ngữ biểu đạt. Có người viết gương lao động chăm chỉ của một người đàn ông mà ca ngợi: “Anh đã tần tảo nuôi hai con  khôn lớn…” thì đúng là cười ra nước mắt! vì điển tích xưa nói về sự “tần tảo” kể về người phụ nữ quá nghèo khổ đến  mức phải ăn lá tần, lá táo để lấy sữa cho con bú, nên  khái niệm này chỉ được dùng khi viết về phụ nữ chứ đàn ông mà ăn lá tần lá táo thì cũng lấy đâu ra sữa! có bạn lại đưa tin: “Huyện đưa cán bộ về xã nằm 6 tháng để chỉ đạo phong trào”, hoặc: “Công ty được trang bị đồng bộ cán bộ kỹ thuật và công nghệ hiện đại”. Đã có một thời trước cửa một nhà ga nọ treo tấm pa - nô rất hoành tráng vẽ đoàn tàu với dòng chữ:

“Đường ta tàu chạy đàng hoàng

Nam Quan - Hà Nội lại càng Lào Cai ! ”

Có tình trạng này là vì vốn ngôn ngữ của người viết nghèo, đôi khi tùy tiện, nhưng nguyên nhân cơ bản thuộc về nhận thức, do không hiểu được đầy đủ đặc điểm và quy luật của ngôn ngữ. Cũng như mọi hiện tượng khác, ngôn ngữ cũng có những quy luật vận động và phát triển riêng được quy định bởi tính võ đoán, tính không đồng nhất, tính hình tuyến, trật tự và tính dân tộc của ngôn ngữ.  Ngôn ngữ không ngừng phát triển, vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, trong tiếng Việt chưa có khái niệm “tương thích”, “tích hợp”, “mặc định”, chỉ khi tin học phát triển, những thuật ngữ kỹ thuật ban đầu thuần túy dành cho chuyên ngành dần được xã hội sử dụng và mở rộng sang lĩnh vực khác như: Tích hợp môn lịch sử trong môn “Công dân với Tổ quốc”. Rõ ràng là cùng với thời gian, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và tiến bộ xã hội, ngôn ngữ vẫn liên tục phát triển. Điều đó đòi hỏi người viết phải luôn học hỏi để bổ sung cho vốn ngôn ngữ của mình. Mỗi người cầm bút đều có thể trở thành nghệ sỹ sử dụng ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm chất liệu để tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Nhưng sự sáng tạo ấy phải chuẩn mực, dễ hiểu, chính xác, làm giàu và trong sáng thêm tiếng Việt chứ không vay mượn, khiến người viết cứ tưởng thế là sành điệu nhưng lại làm cho người đọc thấy cũng là lạ mà không hiểu gì cả! Có một thời gian, đọc trên báo tỉnh nhà,  một số bạn thường thay lời kết bằng từ “Vĩ Thanh”. Nói thật tôi đã học đại học báo chí hệ chính quy gần 5 năm, làm Tổng biên tập báo, làm Giám đốc đài Phát thanh -Truyền hình, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh mà tôi cũng không hiểu “Vĩ Thanh” là gì? Vậy người lao động liệu có hiểu nổi không? Vậy thì viết cho ai xem?  Ngẫm ra nếu dịch nghĩa theo từ Hán - Việt  thì có nghĩa là  “đuôi kêu” hay “tiếng đuôi”- Vậy phải chăng là tiếng vang vọng về sau của bài viết? Viết mà để người đọc không hiểu thì là sự lãng phí và cũng không đạt được mục đích chuyển tải thông tin của mình.

Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Ảnh: Internet)

Ngôn ngữ như ta biết có đặc điểm rất quan trọng là “Ý tại ngôn ngoại”. Do đặc điểm này nên cái nói rất rõ thì lại không rõ, nói mờ mờ ảo ảo thì lại rất rõ điều muốn nói. Bởi khi đã cụ thể thì người ta không cần động não nữa mà nói mơ hồ để người ta suy ra cái hay cái đẹp bên trong sẽ khắc vào trí nhớ lâu hơn, làm cho người đọc thấy tâm đắc, lý thú. Ví dụ người ta viết: “Bây giờ người thành thị dậy sớm hơn” - câu đó hàm ý: Nhiều người nông thôn thâm nhập vào thành thị trong quá trình đô thị hóa. Hoặc một hãng thông  tấn nước ngoài đưa tin: “ Người Nga kêu gọi hòa bình không làm cho người ta ngạc nhiên, nhưng vấn đề là vì sao Matscova lại cho chim bồ câu gù vào lúc này?”.

Quy luật liên tưởng giúp sự hình thành hàm nghĩa để cho người ta có thể nói bóng nói gió mà hiểu sâu hơn nói thẳng vào sự việc. Trong tiếng Việt có vô vàn những điều có thể nói ý tứ xa xôi như:

“Ở chi hai dạ hai lòng

Dạ cam thị ngọt, dạ bòng thì chua!”

Hoặc:

 “Tưởng giếng sâu anh nối sợ gầu dài

 Ngờ đâu giếng cạn tiếc hoài sợi dây!”

Tuy có thể sáng tạo, biến thái, nhưng ngôn ngữ có tính hình tuyến, trật tự, nếu đảo ngược có thể thành trái nghĩa, ví dụ: xanh mắt khác mắt xanh:

                            (“Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”

                                                             (Nguyễn Du).

                         “Tuổi  già tóc bạc, cái râu bạc

                       Nhà ngặt đèn xanh, con mắt xanh”

                                                             (Nguyễn Trãi)

Rõ ràng ngôn ngữ là công cụ quan trọng để biểu đạt tư tưởng. Văn tức là người. Người nào lời ấy. Ca dao có câu:

                Chim khôn hót tiếng rảnh rang

            Người khôn ăn nói nhẹ nhàng dễ nghe.

Với người làm báo, việc sử dụng ngôn ngữ phải làm sao hết sức tỉnh táo, sốt sắng mà không vội vã, tức giận mà không hằn học, mỉa mai mà không cay cú, vui mà không tục, đùa mà đứng đắn, chững chạc  nhưng tươi tỉnh, nghiêm mà mà không gàn dở lên gân.  Đó là điều thật khó cả trong cách nói, cách viết và phương châm xử thế của mỗi người.

Báo có ba phong cách ngôn ngữ: Viết, nói và khoa học. Ở đây chỉ xin bàn về phong cách viết, phong cách viết dùng văn tự làm công cụ để diễn đạt, thường gọt rũa, uốn nắn điêu luyện và được nâng cao trên cơ sở ngôn ngữ toàn dân. Nhìn chung thì phong cách viết mang nhiều tính chất khoa học, chặt chẽ,  lô gic và có suy nghĩ hơn do công lao của nhiều thế hệ đã có nhiều công sức đóng góp xây dựng. Khi viết không được tĩnh lược mà phải mạch lạc, rõ ràng. Phương tiện ngôn ngữ phải được lựa chọn xác đáng, cân nhắc kỹ càng thể hiện chúng trên ngữ đoạn hết sức chặt chẽ, lô gic.

Ngôn ngữ viết thông báo bằng thông tin, ngôn ngữ nói biểu hiện bằng biểu cảm. Tuy báo viết với báo nói (báo hình) có cái khác nhau nhưng chúng cùng có đặc trưng chung của ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ sự kiện. Nói bằng sự kiện là đặc trưng của ngôn ngữ báo chí. Qua ngôn ngữ báo chí, hình ảnh, hình tượng, nhân vật mà nhà báo chinh phục người đọc, để tự sự kiện nói lên cái hay, cái đẹp, chân lý, lẽ phải hay điều cần lên án, phê phán. Nhà báo Hữu Thọ khi dạy chúng tôi đã nói: “Đừng để “cái tôi” nhà báo lù lù như những đụn rơm ngày mùa ở nông thôn”. Do vậy tối kỵ đặt vào miệng nhân vật để họ gọi mình là “nhà báo” ví dụ như: “Nhà báo có thấy lúa nhà mình năm nay tốt không? Nhờ giống mới đấy!” Dù người dân có nói thế thật thì khi viết cũng nên lẩn mình đi, đừng vỗ ngực là nhà báo như thế khi đọc lên thấy ngượng lắm! Các bạn có thấy như thế không?

Ngôn ngữ, đặc biệt là Tiếng Việt vô cùng phong phú, trong sáng, đẹp đẽ, như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết:

“Ta như chim, Tiếng Việt như rừng

Chưa chữ viết dã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà mà mềm mại như tơ !

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu tít âm thanh”

Và “Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất

Nàng Mỵ Châu quỳ gối lạy cha già

……………………………………..

Trái đất rộng  giàu sang bao thứ tiếng

Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

………………………………………..

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt”.

Tiếng việt, ngôn ngữ của chúng ta giàu và đẹp lắm! Hy vọng những người cầm bút hãy chịu khó tìm trong kho báu vô giá này để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí đạt tới trình độ nghệ thuật thì mới đem lại hiệu quả tuyên truyền sâu. Hãy bớt đi những từ  Hán - Việt tối nghĩa như “Tái đàn”, “cấy tái giá”, “tái cơ cấu”  mà hãy nói theo cách của cha ông ta (cơ cấu lại), vừa dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và góp phần làm cho tiếng Việt trong sáng thêm.

                                                                      Nguyễn Thanh Vân

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải