- Trong dòng chảy của kỷ nguyên công nghệ số, các đài PT-TH địa phương, trong đó có Đài PT-TH Yên Bái đang phải nỗ lực làm mới mình, đổi mới phương thức tiếp cận, cách thức triển khai các sản phẩm phát thanh để đáp ứng nhu cầu của người nghe và giữ chân được thính giả.
Thính giả phải là một phần của câu chuyện
Nhà báo Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Đài PTTH Yên Bái chia sẻ, yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh là tất yếu trong kỷ nguyên số. Bởi, kỹ thuật và công nghệ đã làm thay đổi thói quen, sở thích và nhu cầu của công chúng. Hạ tầng truyền dẫn trên các nền tảng số cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho việc lan tỏa các chương trình, các sản phẩm phát thanh đến với công chúng và giúp khai thác được những lợi thế của phát thanh, song cũng khiến những người làm báo phát thanh đứng trước rất nhiều thách thức.
Trước sự bùng nổ thông tin trên mạng internet mà nhất là trên mạng xã hội, không chỉ phải cạnh tranh về tốc độ thông tin mà đòi hỏi thông tin hôm nay phải đảm bảo thông tin chuẩn xác, chính thống nhưng phải gần gũi, gắn bó, thiết thực với người nghe, hơn thế nữa thì lại phải được chuyển tải một cách sinh động, hấp dẫn, đặc biệt là phải có tương tác với thính giả.
Sản xuất chương trình phát thanh tại Đài phát thanh truyền hình Yên Bái
Theo bà Thủy, đây là một yếu tố rất quan trọng vì thính giả phải là một phần của câu chuyện thì họ mới quan tâm. Trước những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thính giả, Đài PTTH Yên Bái đã xây dựng một số chương trình phát thanh có sự lựa chọn đề tài rất kỹ. Sau khi phân tích thính giả đích mà chương trình nhắm tới thì những người làm phát thanh ở Đài đã lên kế hoạch, đề tài để phù hợp với nhu cầu, sở thích và thiết thực với đối tượng của chương trình trong từng thời điểm, theo “thời tiết chính trị”.
“Tin tức thì đương nhiên là phải nhanh nhạy, kịp thời rồi nhưng các đề tài phản ánh sâu, các chương trình chuyên đề thì chúng tôi luôn yêu cầu biên tập viên, phóng viên làm sao phát hiện, khai thác được các đề tài mà làm sao tránh chỉ rộ như các chủ trương, chính sách khô cứng từ trên xuống mà phải tiếp cận các đề tài từ cuộc sống của người dân, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Coi trọng ý kiến, sự xuất hiện của người dân trong các chương trình phát thanh; triển khai tương tác với thính giả trên sóng cũng như trên số một số thể loại chương trình; coi trọng việc phân phối nội dung trên website, trên mạng xã hội để tiếp cận nhiều tệp công chúng hơn, bên cạnh việc chúng ta phát sóng truyền thống”, nhà báo Nguyên Thanh Thủy phân tích.
Biên tập viên Minh Hòa, Đài PTTH Yên Bái cũng cho rằng, bên cạnh các dòng tin tức chủ đạo, trong kế hoạch sản xuất các chương trình phát thanh, tất cả những gì người dân quan tâm, muốn lắng nghe đều là những đề tài, chủ đề mà các phóng viên, biên tập viên chú trọng khai thác.
Giữ chân công chúng bằng chất lượng các chương trình
Hiện nay, như nhiều đơn vị khác, Đài PTTH Yên Bái cũng còn thiếu nhân lực sản xuất các chương trình phát thanh. Theo nhà báo Nguyễn Thanh Thủy, giải pháp căn bản nhất để nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh mà đơn vị đang thực hiện là đào tạo, bồi dưỡng con người, xây dựng một cơ chế khuyến khích để phát huy khả năng sáng tạo tác phẩm của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên làm phát thanh.
“Tôi ví dụ như một biên tập viên cứng thì không chỉ bao quát được vấn đề, nội dung chúng ta thông tin mà còn phải có bản lĩnh chính trị, có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để khi chúng ta dẫn dắt chương trình và tương tác trực tiếp với thính giả, nhất là các chương trình phát thanh có kết cấu mở như hiện nay”, bà Thủy chia sẻ.
Bên cạnh nhân tố con người thì hiện nay Đài PTTH Yên Bái cũng tập trung đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại để phục vụ sản xuất phát sóng các chương trình phát thanh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chương trình phát thanh.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Đài PT-TH Yên Bái trao giải thưởng cho các tác giả đạt giải tại Liên hoan phát thanh tỉnh Yên Bái lần thứ XIX
Nói về sự đổi mới của không chỉ Đài PTTH Yên Bái mà của nhiều đài địa phương khác, bà Nguyễn Thanh Thủy lấy ví dụ: Tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc và các giải báo chí lớn ở loại hình báo phát thanh, thấy rõ những sự chuyển động rất kịp thời. Các chương trình dự thi đều thể hiện rất rõ ở việc lựa chọn nội dung thông tin, đó là nội dung thông tin rất gắn bó với đời sống, là những vấn đề được nhiều người quan tâm và đặc biệt là tính phản biện rất cao, hoặc là ở những chương trình phản ảnh các mô hình tốt cũng đã lựa chọn được mô hình rất tiêu biểu, rất thuyết phục, có thể nhân rộng và cũng đã chú ý đến việc tương tác với thính giả trên nền tảng số. Cách thức thực hiện các chương trình cũng có sự thay đổi với việc chuyển tải nội dung ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Một số đài cũng đã làm các chương trình phát thanh không có lời bình, chương trình phát thanh mở, chương trình phát thanh kết hợp phát trực tiếp và livestream trên mạng xã hội từ hiện trường hoặc từ phòng thu rất là sinh động, mới, nhận được sự quan tâm theo dõi tương tác của đông đảo, người xem người nghe.
Có nhiều chương trình phát thanh có thể nói là đã khai thác rất tốt lợi thế của phát thanh, thông tin thì nhanh (nhanh hơn truyền hình khi truyền hình công đoạn sản xuất lâu), chi phí sản xuất rẻ và phối hợp rất tốt tiếng động, âm thanh rất nhuần nhuyễn, tạo ra hiệu ứng và khai thác tốt về ưu thế của công nghệ số để sản xuất, truyền dẫn để tương tác nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
“Theo tôi thì chúng ta cũng không thể đi ngược lại xu thế, để tránh tụt hậu thì các đài PTTH địa phương, nhất là các đài vùng Tây Bắc, trong đó có Yên Bái tiếp tục phải đổi mới chương trình cả về nội dung, cách thức thể hiện và khai thác tối đa các hạ tầng truyền dẫn thì chúng ta mới giữ chân được công chúng hôm nay, khi mà công chúng có quá nhiều sự lựa chọn”, nhà báo Nguyễn Thanh Thủy khẳng định./.
Theo VOV Tây Bắc
CÁC TIN KHÁC