- Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Internet và xu hướng thông tin của thời đại, báo chí toàn cầu đã trải qua quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong quá trình ấy, những “gã khổng lồ” của nền báo chí thế giới đã tăng tốc và bứt phá, đào sâu trải nghiệm và tạo nên “tận hưởng” tin tức đặc sắc chạm đến mọi giác quan, được số hóa cho công chúng toàn cầu.
Bài học chuyển đổi số của báo chí thế giới
Chuyển đổi số
Trong suốt những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XXI, nền báo chí thế giới được thúc đẩy bởi sự phát triển của Internet và mạng xã hội. Nếu không thay đổi và tiến lên, những ấn phẩm truyền thống sẽ dần trôi khỏi tầm mắt của đối tượng người đọc. Bởi vậy, chuyển đổi số là một tất yếu khách quan, đồng thời là cuộc đua mà các tòa soạn báo cần nhìn nhận nghiêm túc và phấn đấu vượt lên.
Chuyển đổi số làm thay đổi căn bản hoạt động của cơ quan báo chí, đưa mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây… Quá trình chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cơ cấu nhân sự của cơ quan báo chí, đặc biệt, đưa ra yêu cầu mới cho các sản phẩm báo chí, tin tức, đồng thời, buộc cơ quan báo chí ứng dụng kỹ thuật và kỹ năng để xác định, thu hút đối tượng độc giả.
Trên thế giới, các tòa soạn báo đã bắt đầu cuộc cách mạng chuyển đổi số trong suốt hành trình phát triển của Internet. Thành công nhất phải kể đến những “gã khổng lồ” của nền báo chí Mỹ như The New York Times, The Washington Post, Wall Street Journal hay tờ báo đến từ nước Anh The Guardian, AP News… Hành trình chuyển đổi số của những tòa soạn trải khắp thế giới có những đặc thù riêng, sở hữu lịch sử phát triển riêng cùng những thành quả khác biệt với hình thức và bản chất khác nhau. Nhưng tựu chung lại, bài học chuyển đổi số dựa trên một số trụ cột chính.
Phóng viên rô-bốt đã xuất hiện tại một số tòa soạn báo
Công nghệ đẩy nhanh tốc độ
Công nghệ là một trong những yêu cầu thiết yếu cho quá trình chuyển đổi số thành công. Với kết cấu hạ tầng hoàn thiện, bao gồm thiết bị kỹ thuật, hệ thống máy móc phục vụ nghiệp vụ cùng không gian điện toán, hệ thống kết nối, đường truyền,… các tòa soạn có điều kiện cần cho quá trình chuyển đổi số.
Một trong những điều tưởng nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng quan trọng cho trải nghiệm níu chân độc giả, đó là tốc độ đường truyền. Trong quá trình cải thiện quá trình chuyển đổi số, The Washington Post đã tăng tốc độ trải nghiệm thông tin của độc giả, từ 4 giây còn 0.8 giây. Điều này đã mang đến sự gia tăng đáng kể lượng khán giả cùng lượt xem. Đặc biệt, tận dụng thời cơ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2015 cùng tốc độ truyền tải nổi bật, The Washington Post đã phá vỡ kỷ lục mỗi tháng và lần đầu tiên soán ngôi lượt xem của The New York Times.
Thành công của The Washington Post được nhìn thấy trong câu nói: “Sự xuất sắc của báo chí đi cùng sự thành công của công nghệ”. Những tờ báo như The New York Times, The Washington Post, Reuters hay South China Post đều đẩy mạnh hình ảnh trên các công cụ đánh giá. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật cho quá trình sáng tạo nội dung được ứng dụng triệt để. Tiêu đề (Headline) được áp vào cuộc thử nghiệm (beta-testing headlines), đo lường trực tiếp kết quả đối với nhận thức của của người đọc và hệ thống tìm kiếm, từ đó trích xuất nên công thức tiêu đề có kết quả tối ưu nhất.
Hệ thống trang thiết bị hiện đại còn hỗ trợ phóng viên, biên tập viên xây dựng và phát triển các sản phẩm báo chí mới. Người đọc The New York Times có thể tận hưởng nhiều sản phẩm như Podcast (một dạng audio), Medium (tạp chí), video 360 hay ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo.
Trong bài viết Viện Smithsonian lưu giữ một bức tượng Lincoln được tán thưởng (The Smithsonian saved a statue Lincoln praised), bức tượng được tái hiện đầy đủ mọi góc cạnh 360 độ, thậm chí người đọc có thể đi sâu quan sát từng chi tiết nhỏ nhất. Người sáng tạo đã sử dụng phép quan trắc để tính toán, ghi hình và đo lường bức tranh tổng quan của sản phẩm. Công nghệ vì thế đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển đổi số, rút ngắn tốc độ và đẩy nhanh quá trình phát triển.
Việc áp dụng kỹ thuật cho quá trình sáng tạo nội dung đã được ứng dụng triệt để
Sáng tạo nội dung
Kết hợp với công nghệ hiện đại và tân tiến, nội dung là điều kiện đủ để tờ báo níu chân bạn đọc. Trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, The Washington Post đã lựa chọn slogan đính kèm cùng tên tờ báo trong giao diện hiển thị với bạn đọc: “Nền dân chủ chết trong bóng tối”. Câu nói đã thể hiện trọng tâm điều mà tờ báo muốn mang đến cho khán thính giả.
Tờ báo The New York Times lại duy trì hướng tư duy “thử nghiệm” trong quá trình phát triển sản phẩm. Những sản phẩm mới được xây dựng bởi nhóm nội bộ có tên Beta, chịu trách nhiệm mang đến thị trường những sản phẩm mới.
Kinsey Wilson, Phó Chủ tịch điều hành mảng Sản phẩm và Công nghệ, biên tập viên mảng Sáng tạo và Chiến lược đã mô tả sự quyết tâm của The Times trong việc thử nghiệm những format mới: “Bạn có thể thấy chúng tôi thử nghiệm các sản phẩm, phương tiện và tìm ra giọng nói của mình, cách biểu đạt mới mà không cần phải quá hoàn thiện khi đến tay thị trường. Chúng tôi đã làm được điều đó với video 360, sản phẩm thực tế ảo. Chúng tôi vừa ra mắt trên SnapChat Discover. Chúng tôi cũng tung ra một sản phẩm âm thanh có tên The Daily – là một dạng podcast tin tức, định dạng mới cho The Times và đã rất thành công với hơn 40 triệu lượt tải xuống, phát trực tiếp trong ba tháng đầu tiên”.
Một vài thử nghiệm đã thất bại, nhưng Wilson đánh giá đây là một phần cần thiết cho quá trình phát triển “lành mạnh”. Sáng tạo nội dung là nhu cầu bức thiết trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, cốt lõi cho nội dung của báo chí là tính thời sự, bao quát cùng nhiều tác phẩm sâu sát, có ý nghĩa thực tiễn cho đời sống của con người. AP News, Reuters, South China Morning Post hay các tờ báo hàng đầu đều duy trì tiêu chí này để mang đến nội dung hấp dẫn mới nhất cùng nội dung đa góc nhìn cho độc giả. Kết hợp với công nghệ, thông qua các nền tảng ứng dụng trên điện thoại di động, người đọc sẽ được cập nhật tin tức quan trọng hàng giờ, hàng phút.
Nếu theo dõi kỹ hơn, độc giả cũng sẽ nhận thấy cách thông tin khác biệt giữa các tờ báo. Reuters ngắn gọn và khách quan, The New York Times lại thường đặt ra vấn đề và lồng ghép thêm quan điểm của tòa soạn; AP News cũng thường nối dài và phân tích vấn đề trong quá trình đưa tin, đồng thời sở hữu kho lưu trữ hình ảnh chất lượng, được bố trí “gọn gàng” trong thư viện ảnh. Với những phong cách đưa tin khác nhau, độc giả có thể tìm thấy nội dung phù hợp cho nhu cầu thông tin của bản thân.
Trong kỷ nguyên của dữ liệu lớn, các sản phẩm báo chí dữ liệu sẽ càng phát triển đa dạng. Ảnh: TL
Dữ liệu “khách hàng"
Quá trình chuyển đổi số giúp cơ quan báo chí kiểm soát và phân loại được tệp khách hàng, đồng thời có thể thu hút thêm khách hàng mới. Tristan Boutros, Phó Chủ tịch cấp cao & Giám đốc vận hành mảng sản phẩm chuyển đổi số, chiến lược và thiết kế cho biết, "The Times làm việc cùng một số đối tác về dữ liệu và công nghệ, từ đó chúng tôi sẽ tích hợp các công cụ để tương tác với khách hàng thông qua tin nhắn, từ đó làm chủ quan hệ cùng khách hàng".
Với những tờ báo áp dụng chính sách thuê bao tin tức cho khách hàng, dữ liệu khách hàng rất quan trọng. Wilson cho biết các tờ báo đã chuyên nghiệp hóa việc quản lý các phễu lọc, nhờ đó kiểm soát được thời điểm đăng ký thuê bao tin tức của khách hàng”. Cùng với việc ứng dụng công nghệ quản lý dữ liệu hiện đại và nghệ thuật phân tích, thấu hiểu tâm lý khán, thính giả, người làm báo sẽ tiếp cận được tệp bạn đọc thích hợp, đồng thời là cầu nối hiệu quả cho các đối tác marketing.
Báo chí Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi số ráo riết. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/ QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định rõ, chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Là ngành nghề cần sự phản ứng nhạy bén với mọi biến động xã hội, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Hầu hết các tòa soạn cũng đã nhập cuộc hòng bắt kịp xu hướng. Những sản phẩm của quá trình chuyển đổi số vẫn đang để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Từ những bài học đúc kết trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đã và đang diễn ra ở nền báo chí thế giới, các tòa soạn nói riêng và cơ quan chuyên môn nói chung cần có những nghiên cứu, chủ trương xác đáng, từ đó đặt ra nhiệm vụ đồng bộ, tạo nên cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi số và gây dựng những thành tựu và sản phẩm đáng tự hào cho quá trình thông tin ở thời đại mới./.
Theo Tạp chí Người làm báo điện tử
CÁC TIN KHÁC