song
Vốn từ - Vũ khí của nhà báo
Ngày xuất bản: 25/12/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15763

 Nhà báo có nhiều việc phải học tập, trau dồi, tích lũy. Nào là quan điểm chính trị phải đúng đắn, thường xuyên cập nhật nắm vững đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nào là phải sâu sát cơ sở, bám sát sự kiện để thông tin nhanh phản ánh kịp thời, chính xác, hấp dẫn nhất. Nhưng như thế chưa đủ. Để cho ra đời được một tác phẩm báo chí còn đòi hỏi phải có ngôn ngữ. Vốn từ càng phong phú thì bài viết càng sâu sắc, thành công.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất đối với nhà báo, khi đã thu thập được đủ tư liệu, tài liệu rồi thì cái khó nhất là làm sao sử dụng, lựa chọn được ngôn ngữ để diễn đạt mạch lạc, đúng ý mình định viết một cách tâm đắc nhất. Những người cầm bút thường hay gặp phải tình trạng "bí từ", ngồi "cắn bút" để tìm câu từ biểu đạt, phản ánh sao cho đúng, cho hay và cô đọng nhất cái định viết.

Đó là chuyện suốt đời bởi viết là phải nghĩ, phải động não. Bản thân tôi cũng có hơn 50 năm cầm bút nhưng bây giờ vẫn nhiều khi phải "cắn bút". Những ý nghĩ thoáng qua, những ngôn từ xúc tích, phù hợp nhất định đưa vào bài viết nhưng vẫn mang máng ở đâu đó chứ chưa nhớ cụ tể, chính xác được, phần vì tuổi cao, trí nhớ giảm, phần vì vốn ngôn ngữ là cái cần bổ sung suốt đời cũng như việc học suốt đời vậy.

Vốn từ có vị trí đặc biệt (đôi khi quyết định) thành công của tác phẩm báo chí. Hiểu đấy, biết đấy, ý định nói là như thế nhưng làm sao diễn đạt chính xác, viết ra thành lời cho trôi chảy mới là khó! Nếu không thì những gì mình hiểu, mình thấy cũng chỉ là vốn sống, tri thức của riêng mình chứ chưa phải là một thông tin xã hội để tác động đến một người khác.

Thiếu vốn từ thường dẫn đến viết không chính xác, có khi ý một đằng, nói một nẻo do bất lực không tìm được ngôn ngữ diễn đạt ý mình định nói. Thi thoảng chúng ta vẫn gặp tình trạng dùng từ không chuẩn xác như: "Chủ nhật tới khánh thành nhà văn hóa phố, mời toàn thể bà con đến thưởng thức". Một MC lỡ mồm gọi những người bán hàng rong là "Ký sinh" trên đường phố bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội phải xin lỗi. Không ít trường hợp lạm dụng ngôn từ "nói chữ" một cách tùy tiện như: Gọi kế hoạch, phương án chống bão lũ là "kịch bản"; gọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng là "Kịch bản" có đúng không? Có người phát biểu: "Cần có kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong trường hợp tái phát dịch bệnh Covid-19 và trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát khác nhau". Câu đó thoạt nghe có vẻ ai cũng hiểu, cũng chấp nhận được. Nhưng theo Từ điển Tiếng Việt thì: "Kịch bản là một vở kịch một bộ phim, một chương trình được phác thảo, mô hình hóa trên văn bản với tư cách là một đề cương, hay chi tiết đến từng chi tiết nhỏ (tùy theo yêu cầu mỗi loại hình) là cơ sở chính cho "tập thể tác giả" làm nên, hoàn thiện tác phẩm của mình". Vậy việc huy động toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống bão lũ hoặc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cả một năm có thể gọi là "tác phẩm" được không? Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong một năm có thể coi như "Bộ phim" hay "Vở kịch" được không? Phim hay kịch có thể hư cấu, còn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có hư cấu được không? Hay đó phải là những tính toán rất khoa học, chi tiết, cụ thể, chính xác, rất thực tế?

Thiếu vốn từ cũng khiến không ít người nghĩ một đằng, nói một nẻo như: "Trong cuộc đời quân ngũ, anh đã hai lần bị thương, một lần ở đầu, một lần ở Campuchia". Tại sao có tình trạng này? Trước hết do vốn ngôn ngữ của người viết nghèo, đôi khi tùy tiện, hiểu lơ mơ không chính xác về nghĩa từ mà vẫn dùng; nhưng nguyên nhân chủ yếu thuộc về nhận thức do không hiểu được đặc điểm, quy luật của ngôn ngữ. Cũng như mọi hiện tượng khác, ngôn ngữ cũng có quy luật vận động và phát triển riêng đòi hỏi phải diễn đạt, sử dụng đúng mới phát huy được hiệu quả mong muốn.

Bản thân mỗi âm, từ trong ngôn ngữ không có ý nghĩa gì mà ý nghĩa của nó do con người gán cho. Vì thế mà các dân tộc có tiếng nói khác nhau do quy ước gọi mỗi sự vật, hiện tượng, vật dùng khác nhau. Ví dụ: Cùng âm "ma" tiếng Dao gọi là mẹ, tiếng Việt gọi đó là con ma, tiếng Tày, Thái gọi là con chó, nghĩa của mỗi từ mỗi âm là gì do mỗi dân tộc áp đặt cho nó, không thể giải thích mà mọi người phải chấp nhận, cũng như tên bạn là Hồng mà hỏi vì sao là Hồng? thì chỉ có thể nói là vì bố mẹ đặt cho thế. Đó là tính võ đoán của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ có tính không đồng nhất (ý tại ngôn ngoại). Do đặc tính này nên cái nói rất rõ chưa chắc đã rõ, nhưng cái mơ hồ thì lại rất rõ điều muốn nói. Bởi khi đã cụ thể thì người ta không cần động não nữa mà mơ hồ thì người ta suy nghĩ ngẫm ra cái hay, cái đẹp, ý tứ sâu xa trong câu nói sẽ rất thú vị, khắc vào trí nhớ sâu sắc hơn. Một hãng tin dẫn nguồn tin về việc ông Donal Trump và ông Kim Dâng Un gặp nhau ở Hà Nội đã miêu tả: "Cả hai ông đều cười rất tươi nhưng mỗi ông nhìn về một hướng". Thế là người đọc hiểu ngay đây là tình cảnh "đồng sàng dị mộng". Khi nói về những khó khăn phải vượt qua của hai nước từng là "cựu thù" để trở thành bạn, thành đối tác trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Phó tổng thống Mỹ đã mượn câu kiều của Nguyễn Du để diễn đạt:

                        "Trời còn để có hôm nay

                        Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời!”

Đó là cách diễn đạt tuyệt vời khi dùng văn học để nói về chính trị.

Ngôn ngữ có thể ví như vũ khí của người cầm bút. Thiếu vốn từ và ngôn ngữ khi nói thì lúng túng như "gà mắc tóc", khi viết thì chẳng khác nào "Tay không bắt giặc", bất lực hoặc làm hỏng việc. Vì vậy muốn có tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn được bạn đọc đón nhận và lưu giữ mãi trong tâm trí họ thì nhà báo cần thường xuyên học tập, tích lũy vốn ngôn ngữ.

Làm thế nào để có được vốn ngôn ngữ phong phú? Điều trước tiên là phải đọc nhiều, không chỉ đọc báo, xem mạng mà cần đọc nhiều sách, đông tây kim cổ, ca dao tục ngữ…. Đọc càng nhiều càng tốt. Mỗi người nên có sổ tay "Lời hay, ý đẹp" để ghi lại những ngôn từ hay khi cần mà dùng. Có bạn bảo rằng: Bây giờ chả cần đọc sách làm gì, muốn tìm gì cứ vào mạng gõ vào Google sẽ ra hết! Phương tiện kỹ thuật và mạng Internet có thể giúp ta một số việc nhưng không phải là tất cả. Nếu bạn không đọc Truyện Kiều làm sao biết được câu nào hay, hợp với văn cảnh định diễn đạt để mà hỏi Google? Bạn không thuộc ca dao làm sao biết trong ca dao có câu nào bóng gió về tình yêu như:

                        "Gió sao gió mát sau lưng

                        Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?"

để mà tìm? bởi vậy đọc, học suốt đời để bổ sung vốn ngôn ngữ là việc thường xuyên đối với người cầm bút.

Cùng với học trong sách, chúng ta phải chú ý học lời ăn tiếng nói trung thực, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Đừng bịa đặt theo kiểu "cái tao", "cái mày", "cái cán bộ"… nghe chướng, biết ngay là bịa vì trình dộ dân bây giờ không còn ngọng như thế. Tuy nhiên vẫn có những câu chỉ đồng bào dân tộc mới nghĩ ra. Ví dụ: "Ối! nước lũ nó ngâm thì lúa hỏng hết! nắng lên ra nhìn cái ruộng chán như người ốm chán cơm". Hoặc cán bộ cấp trên về chỉ đạo gặp thì nói: "Tập trung gặt cuốn chiếu hết cánh đồng này đi". Cán bộ thôn nói lại với dân bản: "Cán bộ nó bảo làm như con sâu xanh ăn lá rau cải ấy! Ăn đến đâu hết đến đấy".

Tại sao cùng một sự kiện, hiện tượng mà người này viết hay, người kia viết dở? Đó là do vốn ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ là của chung của xã hội, lời nói của cá nhân mỗi người. Nó gắn với trình độ, hiểu biết, nhân cách, nhận thức của mỗi cá nhân. Ngôn ngữ là công cụ quan trọng biểu đạt tư tưởng. Các cụ xưa đã nói: Văn tức là người! Người nào lời ấy. Nhà báo thường xuyên tiếp xúc với biết bao nhiêu người, sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống, vui có, buồn có, có khi cũng bức xúc. Nhưng khi về viết, sử dụng ngôn từ phải hết sức tỉnh táo: sốt sắng mà không vội vã, tức giận mà không hằn học, mỉa mai mà không cay cú, vui mà không tục, đùa mà đứng đắn, chững chạc nhưng tươi tỉnh, nghiêm mà không gàn dở lên gân. Đó là điều khó cả trong cách nói, viết và phương châm xử thế của mỗi người. Để làm được điều đó, cùng với bản lĩnh, kỹ năng còn rất cần phải có vốn từ phong phú.

Ngân Hà         

 

                                                                                    

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải