song
Đền thiêng bên hồ Thác Bà
Ngày xuất bản: 09/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 39270

 


http://hoinhabaoyenbai.org.vn/images/_den-mau.jpg

(Ảnh: Mở hội để đón du khách thập phương về dâng hương lễ mẫu tại Đền Mẫu Thác Bà)

Nghe tên Đền Mẫu Thác Bà từ lâu nhưng trong chuyến công tác lần này tôi mới có dịp đến thăm ngôi đền linh thiêng này. Vượt qua hơn 50km từ thành phố Yên Bái, chúng tôi đến nhà máy thủy điện Thác Bà, rồi theo chỉ dẫn đến đền Thác Bà. Từ phía cổng đền nhìn lên là cảnh núi non trùng điệp, với những màn sương mỏng bao quanh lưng chừng đồi. Thầy Trần Ngọc Sơn, thủ nhang đền Thác Bà chỉ tay về phía trước rồi nói với tôi “Phải vượt qua những bậc đá này mới lên được đến đền”. Vậy là cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp tự nhiên và tâm linh của đền Thác Bà của chúng tôi bắt đầu với những câu chuyện về chính ngôi đền này.  Tọa lạc trên núi Hoàng Thi, với thế tựa lưng vào núi, nhìn ra sông Chảy theo hướng  Đông Đông Bắc, xa xa là núi Cao Biền, đền Mẫu Thác Bà từ lâu đã nổi tiếng là chốn linh thiêng, trở thành điểm đến của đông đảo du khách thập phương trong hành trình về miền tâm linh và khám phá vẻ đẹp tự nhiên của vùng Hồ Thác xanh trong và thơ mộng. Vượt qua 365 bậc đá, đến trước cửa sân đền, khi đôi chân đã bắt đầu thấy mỏi, làn gió mát lành từ biển hồ đưa lên khiến cho bao mệt nhọc trong tôi dường như tan biến, chỉ còn lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh chốn cửa đền. Phóng tầm mắt ra xa, tôi có dịp bao quát toàn cảnh công trình thủy điện đầu tiên của cả nước và ngắm nhìn một vùng trời nước mênh mông, hữu tình. Cảnh sắc thiên nhiên của đền Thác Bà mà tôi đã đọc và tìm hiểu qua sách báo nay đã hiện hữu ngay trước mắt tôi với vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Tôi bắt đầu tìm hiểu về ngôi đền linh thiêng này…..

Đền Thác bà được xây dựng phía bờ phải của Thác Bà bên dòng sông Chảy 4 mùa xanh trong, thuộc xã Đạo Ngạn – Châu Thu Vật huyện Yên Bình tỉnh Tuyên Quang xưa (Tức xã Minh Phú – Huyện Yên Bình – Tỉnh Yên Bái sau này). Đền được khởi dựng từ trước khi có Sắc phong của Vua Minh Mạng 1280. Chuyện xưa kể rằng: Từ đời Vua Hùng đã chọn cử các công chúa xinh đẹp, nết na nhất đến trông coi các cửa sông, cửa rừng, giúp đỡ nhân dân cách làm ăn, sinh sống. Công chúa Minh Đạt được cắt đặt trông coi đền Thác Bà bên bờ sông Chảy. Bà sống trọn đời minh bạch. Khi bà mất đã hiển linh cứu giúp dân lành vượt qua khó khăn, hoạn nạn, phù hộ cho mọi người, mọi nhà được bình yên, an khang, thịnh vượng….Bà đã báo mộng và phù hộ cho tướng quân Trần Nhật Duật đánh tan giặc Nguyên Mông trên khúc sông này, làm nên chiến thắng Thu Vật oanh liệt năm 1285. Chúa Thác Bà là vị thần nữ tối linh. Để ghi nhớ công lao hộ quốc an dân của bà, nhân dân đã lập đền thờ Bà với tên gọi Đền Mẫu Thác Bà. Các triều vua đã ban cấp nhiều sắc phong với nhiều mỹ tự như Trinh uyển thục Diệu Minh Đạt thần nữ trung đẳng thần.

Theo cuốn “Đền, chùa, đình ở tỉnh Yên Bái” do Hồ Văn Thái và Nguyễn Liễn chủ biên mà tôi đã được tìm hiểu thì đền Thác Bà hay Đền Mẫu Thác bà là tên gọi duy nhất trước sau không hề thay đổi. Khi chưa có nhà máy Thuỷ điện, đền Thác Bà định vị tại điểm cân bằng phía đông xã Minh Phú huyện Yên Bình, cách thị trấn huyện lỵ cũ 15 km và thành phố Yên Bái 35 km về phía Đông nam. Bố cục thiết kế có dạng đặc dị: lưng quay ra đường 13 A (nay là khu vực Nhà máy Thuỷ điện) nhưng lại giữ vị thế chính môn, nơi Tam Quan bề thế vươn cao, còn tiền diện lại hướng ra sông Chảy có thác đá chảy xiết vào mùa cạn và sóng vỗ ì  ầm giáp cửa đền khi mùa lũ. Các bậc cao niên tại địa phương nói rằng: nét đặc dị đó là do phong thuỷ và dân cảnh tạo nên thế toạ lạc của đền trên dải đất hẹp. Sân đền sát bờ sông, cổng tam quan kề quốc lộ. Thế đứng của đền vừa hứng thụ khí địa linh ứng của trời đất, vừa tiếp đón khách thập phương chiêm bái thuận tiện.

Theo yêu cầu xây dựng nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, tháng 4 năm 1963, nhà đền, thiện nam tín nữ và toàn dân xã Minh Phú tự nguyện rước Mẫu sang xã Vĩnh Kiên bên kia sông Chảy cách vị trí đền Thác Bà 5km để lấy chỗ thi công. Sau khi xây xong Nhà máy Thủy điện Thác Bà,Đền Thác Bà cũng bắt đầu được xây dựng từ năm 1997 đến năm 2001. Sau khi được trùng tu tôn tạo, nhìn về xuôi đền Mẫu tọa lạc bên hữu ngạn sông Chảy, mặt hướng ra sông theo hướng Đông Đông bắc. Tuy đã được phục dựng lại nhưng đền vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa. Cảnh quan do con người và tạo hoá đắp đổi, tuy khiêm nhường về mặt vật chất nhưng công trình thực sự vẫn toát lên linh khí của đền xưa chốn cũ với dáng vẻ vừa mộng lại vừa thực, vắng mà không quạnh, lặng mà không đìu hiu, tĩnh động luôn hoà quyện. Đền mang dáng dấp của Đền Hùng, Yên Tử, mênh mang mà giới hạn, sơn thuỷ hoang dã lại hữu tình, cổ kinh song vẫn hiện đại... Trong đền còn nhiều những hiện vật quý giá mang giá trị lịch sử, văn hoá.Qua các triều đại, đền được 6 lần phongsắc. Đó là sắc phong thời vuaTự Đức năm thứ 33 (1880) gồm một bản chính và một bản sao phong cho thần nữ  Diệu Minh Đạt. Đồng Khánh năm thứ 2(1887) phong cho thần nữ Thục Diệu Minh Đạt. Sắc phong của Vua Duy Tân năm thứ 3 (1907) phong lần thứ 2 cho thần nữ Thục Diệu Minh Đạt. Vua  Khải Định năm thứ 9 (1924) cũng đã ban sắc phong cho thần nữ Huyền Diệu Minh Đạt...Ngoài ra còn có một sắc phong đời Lê Cảnh Hưng đã bị thất lạc.

Hàng năm, lễ hội đền Thác Bà  được tổ chức vào ngày 8 và 9 tháng giêng âm lịch, hay còn gọi là lễ hội mùa xuân, là lễ hội lớn nhất trong năm, với những nghi thức truyền thống trang trọng, mở đầu là phần rước kiệu. Phần rước được chia làm ba hướng, hướng thứ nhất là rước kiệu hoa, kiệu võng và kiệu bát cống; hướng thứ hai là rước lễ vật gồm 8 mâm từ hồ xanh lên gồm chè kho, bánh, hoa quả và hướng thứ ba là rước cá từ Hồ Thác Bà vào. Sau phần rước kiệu là lễ tế mẫu, lễ dâng hương kính mẫu, lễ dâng hoa, dâng quả, lễ dâng tửu… Tất cả mọi nghi lễ đều thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với người xưa đã có công khai sơn phá thạch, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân trong vùng.

Sau phần lễ nghiêm trang là phần hội sôi nổi và vui nhộn với các trò chơi dân gian như ném còn, đánh yến, chọi gà, vật, hội đánh đu, đua thuyền, đẩy gậy... Những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho ngày hội của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy thêm sống động và thực sự là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Tày, Nùng trong vùng.  Vào dịp cuối năm, lễ Đền Thác Bà thường diễn ra vào ngày 10/10 âm lịch. Đây là dịp để nhân dân và khách hành hương trong vùng cùng các tỉnh lân cận đến chiêm bái, cầu bình an. Ngoài ra còn có cả những thiện nam tín nữ độc hữu của đền Thác Bà đó là khách bái vọng gồm các chủ bè, chủ buôn sông nước, mỗi khi thuyền bè qua đền đều thành tâm kính lễ cầu xin Mẫu và chư thần phù hộ cho công việc làm ăn được may mắn. Bởi theo tích xưa kể lại Thác Bà trước khi đắp đập xây hồ là một thác cao và chảy xiết, tất cả các thợ buôn bè qua đây đều phải vào Đền thắp hương, cầu bình an và may mắn trong những tháng ngày buôn bán ngược xuôi.

Hiện tại, Đền Mẫu Thác Bà là một công trình gồm có 5 gian đại bái, 3 gian trung cung và 3 gian hậu cung. Chính giữa gian Đại bái là bức cuốn thư “ Thác Bà linh từ”. Ở cung chính tâm: trên cùng thờ Tam Phủ: Đức Ngọc Hoàng, quan Nam Tào (bên phải) quan Bắc Đẩu (bên trái); Tiếp đó là vị trí thờ thờ Ngũ Vị Tôn Ông (Tức 5 ông quan lớn trấn giữ 4 phương Đông Tây Nam Bắc và phương chính giữa)   với ông Hoàng Bảy (bên phải) và ông Hoàng Mười (bên trái). Hai bên là hai đôi câu đối: “ Thể thế đoan nghiêm/ quế điện hoa hương/ lâm phật tự”, “Tiên hương linh tích/ vạn dân vũ đạo/ lạc tâm qui”.  Cung hữu là bàn thờ Ban Trần Triều có tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Cung tả thiết lập phủ "Chúa Sơn Lâm" có 2 tượng cô hầu và 12 cô Sơn Trang. Tại gian giữa “ Tứ phủ Chầu bà” thờ 4 chầu cai quản 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc theo đúng tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam. Gian hậu cung thờ Mẫu Thác Bà và Tam Tòa Thánh Mẫu.

Đền Mẫu Thác Bà là một trong số ít những ngôi đền dọc bờ Sông Chảy còn giữ lại được cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên sau 16 năm xây dựng, trải qua mưa nắng thời gian, đến nay nhiều vị trí trong đền đã xuống cấp. Lối lên đền đã có dấu hiệu bị sụt lún, phần nóc và mái ngói cùng các thanh ngang bằng gỗ nay đã mục nát có thể xập xuống bất cứ lúc nào. Phần cửa và khung gỗ nhiều chỗ đã bị mục trong đền nhiều vị trí đã bị dột, thấm. Hiện tại khu vực xung quanh Đền đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Tuy Ban quản lý Đền đã dùng thanh sắt để làm gá đỡ phần mái, hay dùng nẹp bằng gỗ đóng ngang ở các cửa, tuy nhiên tất cả cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Mặt khác, gian Hậu cung do không gian chật hẹp nên cách xắp xếp, bố trí chưa được hợp lý và thuận tiện, ngoài ra Đền còn thiếu các công trình phụ trợ như nhà kiệu, nhà chờ, phục vụ khách đến thăm quan cảnh đền… rất cần các ban, ngành chức năng quan tâm, đầu tư, tôn tạo, sửa chữa để Đền Thác Bà phát huy ý nghĩa của công trình văn hóa tâm linh,  điểm đến hấp dẫn trong hành trình hướng về miền linh địa và khám phá cảnh quan sinh thái nên thơ và kỳ thú của Hồ Thác Bà, để thấy lòng mình thư thái, vơi đi những bộn bề của cuộc sống thường nhật./.

                                                                                                                                          Mai Hiền

 

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải