song
Không gian văn hóa Trà Suối Giàng
Ngày xuất bản: 01/02/2025 12:00:00 SA
Lượt đọc: 288

 Không gian văn hóa Trà Suối Giàng nằm bên rừng chè cổ thụ phía trên khu dân cư Pang Cáng của người Mông, nơi “đỉnh núi mờ sương” thuộc xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, khai trương ngày 20/9/2019 nhân dịp địa phương tổ chức lễ tôn vinh cây chè tổ Suối Giàng. Chủ nhân của  Không gian văn hóa Trà Suối Giàng là đạo diễn - thạc sỹ, kiến trúc sư Đào Đức Hiếu, quê Hà Nội, có hai công ty ở Hà Nội, đã từng thưởng ngoạn trà ở nhiều nơi trên thế giới và trong nước, trong đó có 132 điểm ở tỉnh Yên Bái. Cuối cùng anh có cơ duyên dừng chân lại vùng chè Suối Giàng, quyết định xây dựng tại đây Không gian văn hóa Trà Suối Giàng. Công trình được thi công trong 59 ngày đều do người Mông làm, tận dụng những vật liệu địa phương như: tường đá, ván lợp bằng pơ mu, cột chống và bàn ghế gỗ, thiết kế đơn giản theo đúng bản sắc văn hóa người Mông bản địa. Với thiết kế hai tầng, Không gian văn hóa Trà Suối Giàng là địa điểm phục vụ, giới thiệu, trưng bày đặc sản chè Shan tuyết Suối Giàng, giúp cho du khách tìm hiểu về các loại trà, mở các lớp dạy pha trà, tận hưởng trà. Đặc biệt, tầng trên có không gian thoáng đãng tiếp giáp với mây trời, cảnh vật, có hàng lan can bao quanh bình dị, du khách có thể ngắm nhìn bao quát bốn phía mây trời, với bản làng người Mông ẩn khuất dưới tán chè cổ thụ, vừa nhâm nhi trà vừa chek in cảnh đẹp quyến rũ. Ngoài ra, còn có 11 bungalow (căn nhà nhỏ, thiết kế đơn giản nhưng cơ động, tiện nghi), một số phòng lưu trú cộng đồng và gia đình, có lều bạt để khách có thể nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm, hòa mình vào đời sống của đồng bào Mông miền sơn cước.

 

Đi tiếp một ngách lên cao là khu nhà tiếp khách giao dịch và là nơi sản xuất, chế biến sản phẩm Đại lão Vương Trà của Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng do anh Hiếu làm giám đốc. Anh đã có đủ thời gian để tìm hiểu, mua được một mảnh vườn có chè, xây dựng được một không gian văn hóa trà, làm một xưởng chế biến trà để có sản lượng đủ lớn với mong muốn đưa sản phẩm trà Suối Giàng đi xa hơn trong nước và nước ngoài. Trước mắt, đây là nơi cho du khách trải nghiệm tự tay hái chè mang về đốt lò, sao tại chảo gang theo phương pháp truyền thống của người Mông bản địa, dùng nước suối nguồn từ rừng nguyên sinh đun bằng củi gỗ rừng, ấm tử sa và kỹ thuật pha trà qua từng lần nước, tự mình thưởng thức. Du khách được tận mắt nhìn, tận tay làm mới thấy được sự quý hiếm và công phu của thứ trà hảo hạng, đạt tiêu chuẩn hữu cơ của vùng đất này.

 

Một trong những cây chè cổ Suối Giàng

Để làm được sản phẩm Đại Lão Vương Trà, kiến trúc sư Đào Đức Hiếu vốn đã thừa hưởng kinh nghiệm làm trà từ đời ông, đời cha truyền lại rồi tự nghiên cứu, học hỏi ở nhiều nơi trong nước và nước ngoài, lại có ý đi sâu vào thực tế học hỏi kinh nghiệm làm trà ở ngay người dân vùng Suối Giàng và Mường Lò rộng lớn. Với vai trò Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, được sự giúp đỡ của Đảng ủy và chính quyền địa phương, anh đã quy tụ được các nghệ nhân làm trà tại Suối Giàng trên Không gian văn hóa trà để họp bàn, cùng nhau đưa ra những ý kiến, ý tưởng, nhằm phát triển sản phẩm trà Suối Giàng có chất lượng, thương hiệu. Và từ đó, sản phẩm Đại Lão Vương Trà ra đời, mau chóng trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và EOCERT và là món quà Tết đầu tiên ngay từ ngày 01/01/2020 giới thiệu với du khách gần xa, thu hút hàng nghìn lượt người trong nước và nước ngoài tìm đến thăm quan, thụ hưởng, mua trà về làm quà cho gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết.

Đai Lão Vương Trà là sự hội tụ của những tinh hoa chè cổ thụ Suối Giàng hàng trăm năm tuổi trên mây núi sương ngàn, bao gồm tứ đại danh trà: Bạch trà, Hồng trà, Hoàng trà, Diệp trà, ngoài ra còn có Hoa Vương Trà. Hầu hết các loại trà trên đều được hái từ những búp non (hoặc lá non, hoa chè) của những cây chè cổ thụ với cách hái tỉ mỉ bằng tay và phương thức sao chè bí truyền của nghệ nhân làm chè đối với từng loại trà được chế biến, kết hợp với kỹ thuật đóng gói hiện đại, đã khẳng định được chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Bao bì được thiết kế bởi những nghệ nhân tài năng, có tình yêu và tâm huyết với trà, mang đủ các yếu tố mỹ thuật, thư pháp, hình khối, màu sắc hấp dẫn. Sản phẩm Đại lão Vương Trà được đóng gói trong túi lọc, có hộp, có túi xách tay với mẫu mã đẹp, sang trọng, lịch sự.

Quyết định số 100/KLVN-TOP 2021 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ban hành ngày 01/3/2021 công nhận chè Shan tuyết Suối Giàng của Văn Chấn lọt vào “Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam 2020 - 2021”. Đây là niềm vui cho những người trồng chè, chế biến chè Suối Giàng để vươn mình trong nước và thế giới.

Không gian văn hóa trà không ngừng được mở rộng với hệ thống Homestay, vườn chè, lớp học chia sẻ (Sharinh Classroom), cùng các cơ sở Hợp tác xã Suối Giàng, Thắng Hường, nhà hàng Hậu Ninh, Trà 5 cực, nhà sàn Cốc Tình Quán, động Thiên Cung... đã và đang đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá và hưởng thụ của du khách.

 

Đông đảo du khách đến thưởng thức không gian văn hóa Trà Suối Giàng

Ngược dốc núi lên đôi chút, ta bắt gặp một cái cổng làng bên đường với hai cột tường đá, trên cao cổng chào với tấm biển ghi hàng chữ “NaHi Village Suối Giàng - Ngôi làng hạnh phúc”. Ngày 01/11/2019, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định số 2657/QĐ-UBND công nhận thôn Giàng B, xã Suối Giàng là làng nghề trồng, chế biến và bảo quản đặc sản chè Suối Giàng. Bước chân qua cổng làng, ngay bên trái, ta gặp bậc thang đá bên bức tường đá dẫn lên Sharing Classroom - lớp học sẻ chia, còn có tên gọi Quảng Chiếu học đường. Dự án lớp học sẻ chia của Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng do anh Đào Đức Hiếu và chị Nguyễn Ngọc Diệp là thành viên sáng lập. Đất của Quảng Chiếu học đường rộng 25x15m2  đủ công năng cần thiết cho lớp học sẻ chia với mô hình giáo dục du lịch, được nghiên cứu về mặt kiến trúc rất kỹ lưỡng, chủ yếu được xây dựng bằng vật liệu bản địa. Lớp học vốn là một căn nhà cũ cách đây 32 năm của người Mông được mua lại và được chính anh Tiến, thợ mộc hơn 30 năm trước cùng bố xây dựng, bây giờ lại được mời chỉnh trang, phục dựng. Anh Tiến nói: “Ngôi nhà này đã được bố con tôi làm từ lâu đời rồi. Hơn 30 năm nay tôi chưa bao giờ làm lại một ngôi nhà cũ thế này. Bây giờ người ta làm nhà đều theo kiểu mới, vậy mà phải quay lại làm theo kiểu truyền thống cũ, tôi thấy thật khó khăn”. Tuy vậy, được sự giúp đỡ của đội ngũ điều phối và bà con dân bản, các tình nguyện viên, các nhà tài trợ đồng hành cùng Dự án “Bước chân của sách” của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, dần dần Quảng Chiếu học đường đã ra đời.

Khi đến thăm Quảng Chiếu học đường, bạn sẽ thấy lớp học đã có đủ bàn ghế cho giáo viên và học viên, học sinh nhỏ tuổi cùng các thiết bị đang hoàn thiện: giá sách, thiết bị WC, máy chiếu, máy tính, máy in, tủ thuốc, văn phòng phẩm, bộ đồ học pha trà, bếp ăn cho giáo viên và tình nguyện viên, học viên, nhà ở...

Lớp học sẻ chia là một mô hình giáo dục được áp dụng với thông điệp “Hãy cho đi một phần những gì bạn đang có”. Du khách đến thăm quan có thể đứng lớp chia sẻ kiến thức của mình cho người dân và bà con bản địa những gì họ chưa biết để phát triển bền vững vùng chè cổ thụ Suối Giàng. Đã có các tình nguyện viên, thầy cô giáo từ Hà Nội tình nguyện lên ủng hộ sách và dạy học miễn phí với tinh thần: Người học thì học được, người dạy cũng được học. Người học được miễn phí, người dạy không đòi trả lương. Không chỉ tặng sách, các em học sinh ở thủ đô cũng xách ba lô lên đường, giao lưu với các em người Mông, vui vẻ trên núi cao, để lại những tình cảm sâu đậm. Lớp học miễn phí dành cho trẻ em nghèo trên đỉnh núi mờ sương Suối Giàng được mở ra từ tháng 10/2020 đã thực sự bổ ích, thiết thực, thu hút được nhiều người tham gia.

Lới học sẻ chia có chương trình dạy tiếng Anh, kỹ năng sống, học thẩm trà và pha trà đúng đạo. Tuy vậy, lớp học sẻ chia cũng mở các lớp học trà đại cương có thu học phí tại Hà Nội và Quảng Chiếu học đường Suối Giàng. Trong năm 2020 đã mở được lớp K10 tại Hà Nội. Lớp K11 và K12 ở ngay Suối Giàng. Đầu năm 2021 cũng mở thêm một lớp học mới. Các lớp học này mở ra với mục đích chia sẻ và phổ biến các kiến thức, thông tin cơ bản về trà nói chung, trà Shan Tuyết Suối Giàng nói riêng, mong muốn cộng đồng nhiều người hiểu biết hơn về trà, văn hóa dùng trà, biết phân biệt và đánh giá chất lượng các loại trà cổ thụ, biết chọn lựa loại trà phù hợp cho mình và những dụng cụ pha trà cần thiết, biết 5 yếu tố chính quyết định một ấm trà ngon là: nước - trà - chén ấm - bạn trà - cách pha, tự mình có thể thực hành pha trà đúng cách ngay tại lớp học hoặc các học viên có thể trao đổi, thảo luận với nhau về trà...

Không gian văn hóa trà Suối Giàng đã có, Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã có, các Hợp tác xã và các hộ trồng chè, chế biến chè đã có, vấn đề quan trọng là làm sao giữ gìn và phát triển được vùng chè cổ thụ Shan Tuyết Suối Giàng. Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất khiến mọi người phải suy nghĩ, vì cây chè cổ Suối Giàng đang có nguy cơ mất dần do bị mối tấn công. Trong thực tế, chỉ trong vòng 10 năm qua, vùng chè cổ đã mất đi hơn 10.000 cây. Không biết từ đâu “giặc” mối đến ăn hết cây chè, làm cho chè cổ chết dần chết mòn. Các cán bộ, kỹ sư, người dân đã tìm đủ mọi cách để cứu chè, nhưng chẳng được bao nhiêu. Trước đây chè cổ thụ còn khoảng 40.000 cây, vậy mà đến năm 2013 xã rà soát lại chỉ còn 30.000 cây, năm 2020 còn bị thiệt hại nhiều hơn nữa. Dù có thể trồng bù cây con, nhưng chất lượng của chè sẽ không còn ngon như cây chè cổ thụ. Nay chỉ còn 300 ha chè cổ, tập trung ở 5/8 thôn của xã, trong đó thôn Pang Cáng có nhiều cây chè cổ nhất. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo địa phương, hướng dẫn đồng bào diệt mối. Trong đó, về canh tác bà con phải thường xuyên vệ sinh cho cây chè bằng cách cắt tỉa cành khô, cành chết, quét vôi vào gốc, bón phân hữu cơ, phân vi sinh để cây được trẻ lâu. Đối với các cây chè cổ thụ bị mối ăn, bà con cần mua thuốc phun hoặc diệt bằng cách thủ công; dùng cuốc đào mối lên tìm diệt. Sở cũng có thể hướng dẫn bà con diệt bằng cách đó chứ không có cách nào khác diệt mối tận gốc, nên rất khó bảo tồn những cây chè cổ. Có lẽ cũng phải xem xét lại môi trường sinh thái của cây chè cổ Suối Giàng. Viện sĩ K.M DJMUKHAA TZE ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô - Viện sinh hóa A.N.BAKH đã có một thời công tác ở Việt Nam đi sâu nghiên cứu về sinh thái, sinh hóa của cây chè dại ở một số rừng Việt Nam có viết về “Những cây chè dại của tỉnh Nghĩa Lộ” in trong sách “Cây chè miền  Bắc Việt Nam”, được T.S Nguyễn Ngọc Kính dịch, in ở Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội năm 1981 có nói về cây chè Suối Giàng như sau: “Không có sự chăm sóc nào đối với cây chè, sự đổi mới xảy ra nhờ hạt rụng xuống và các chồi rễ! Ở một vùng rộng lớn chúng ta không thể thấy được các loại cây gỗ khác trừ chè ra vì có lẽ các cây đại diện của hệ thực vật nhiệt đới không thể xuyên qua mạng lưới rễ cây chè lâu năm dày đặc. Nhưng dưới tán cây chè có mọc những cây bụi và cây cỏ khác nhau. Những rừng chè của các vùng khác thuộc tỉnh Nghĩa Lộ nằm xa các điểm dân cư, chúng giữ được dạng nguyên thủy cho đến ngày nay và nguồn gốc địa phương của chúng không gây nên sự hoài nghi (trang 41). Căn cứ vào nhận xét trên và đem so sánh với vùng chè Sùng Đô hay những cánh rừng chè khác ở xa khu dân cư, ít được khai thác hoặc làm du lịch, chúng ta thấy rất rõ chè Suối Giàng đang có nhiều thay đổi, biến dạng, mất dần tính nguyên thủy của chúng. Vùng chè đã được phát quang,  không còn những cây bụi và cây cỏ dưới tán, không còn mạng lưới rễ cây dày đặc như trước, chỉ cốt tạo thuận lợi cho khách du lịch tham quan, thậm chí khách du lịch quanh năm thích thú leo trèo, chụp ảnh, người dân thì tận hái búp chè, lá chè, thử hỏi cây cổ thụ nào mà chẳng xơ xác, héo mòn, tàn lụi, mối xông? Đã đến lúc, chúng ta cần xem lại cách bảo quản, chăm sóc cây chè cổ thụ Suối Giàng. Bên cạnh những kỹ thuật trồng, chăm sóc hiện đại, chúng ta cũng nên quan tâm đến cảnh quan, môi trường sinh trưởng, hệ sinh thái giúp cho vùng chè tồn tại và phát triển. Việc trước hết là phải lo diệt mối bằng kinh nghiệm và thuốc trong nước, kể cả của Nhật và của nước ngoài để bảo tồn được những cây chè cổ.

Nói thêm điều này cũng góp phần giúp cho những chủ nhân của Không gian văn hóa Trà Suối Giàng, các Hợp tác xã, các hộ gia đình trồng, khai thác chế biến chè Suối Giàng suy nghĩ, cùng nhau tìm ra giải pháp xây dựng thương hiệu vùng chè bền vững./.

Hoàng Việt Quân

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải