Hội thi trình diễn giã bánh dày năm nay, với sự tham gia tranh tài của 4 đội đến từ 4 xã trong huyện gồm: Cao Phạ, Dế Xu Phình, Mồ Dề và Khao Mang. Mỗi đội thi gồm có 6 thành viên: 4 nam, 2 nữ; thời gian thể hiện là 30 phút.
Theo quy định mỗi đội sử dụng 15kg gạo nếp để làm bánh và chiếc bánh sau khi hoàn thành phải có đường kính từ 15 đến 20 cm, độ dày bánh là 2 cm, được gói bằng lá chuối… Yêu cầu đối với các đội thi là những chiếc bánh dày làm ra phải đảm bảo trắng mịn, dẻo và thơm ngon…
Bánh dày của người Mông được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm và dẻo. Khi đã chọn được gạo ưng ý, gạo mang vo cho sạch rồi ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ rồi vớt ra để ráo nước mới cho vào chõ để đồ xôi. Chõ xôi được làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của nếp nương, hạt nếp dẻo lại không bị nát.
Cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng được làn bằng cá loại gỗ cứng và nặng. Khi giã bánh chầy được ngâm vào nước chống dính. Giã bánh dày là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật. Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng. Mỗi lần 2 người, khi đã thấm mệt thì lại chuyển cho 2 người khác thay nhau giã. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Xôi đem giã đến khi dẻo và mịn thì mới hoàn thành.
Khi xôi được giã xong là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời như truyền thuyết để lại. Để bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay lúc nặn bánh. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa.
Trong “Tuần Văn hoá và Du lịch Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2014”, phần thi làm bánh dày của người Mông ở các xã trên địa bàn huyện đã thu hút đông đảo du khách tới xem và cổ vũ. Phần thi này cũng đặc biệt ấn tượng đối với du khách khi lần đầu tiên đến với mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải và cùng được tìm hiểu, khám phá nét văn hóa độc đáo của người Mông.
Những chiếc bánh dày khi ăn, bánh sẽ được cắt ra thành từng miếng và chấm với mật ong rừng. Vị ngọt của mật ong rừng hòa quyện lẫn với hương vị dẻo thơm của bánh dày đã tạo nên một hương vị mới lạ, riêng có của núi rừng Tây Bắc.
Với người dân tộc Mông, bánh dày là biểu tượng của tình yêu thủy chung của những đôi trai gái và bánh dày cũng tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời là nguồn gốc sinh ra con người. Do vậy, trong mỗi dịp lễ, tết không thể thiếu món bánh này. Việc tổ chức thi giã bánh dày không những được bảo tồn, gìn giữ những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông mà còn nhằm tôn vinh và giới thiệu đối với du khách như một sản phẩm du lịch độc đáo.
* Một số hình ảnh Hội thi giã bánh dày tại “Tuần Văn hoá và Du lịch Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2014":
Công đoạn chuẩn bị xôi để giã bánh dày
Giã bánh dày là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật.
Khi xôi chín được đổ vào cối giã thật nhuyễn. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu...
Xôi đem giã đến khi dẻo và mịn thì mới hoàn thành...
Các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời...
Hội thi đã thu hút đông đảo du khách tới xem và cổ vũ...
Và sau 30 phút những chiếc bánh dày đã hoàn thành...
Du khách cùng thưởng thức món bánh dày chấm với mật ong rừng tạo nên hương vị thơm ngon và ngọt ngào.
Đức Toàn - Quyết Thắng
Nguồn tin: Theo báo Yên Bái
CÁC TIN KHÁC