song
Nghề trống Đọi Tam nơi vùng cao Yên Bái
Ngày xuất bản: 26/08/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 376

Từ xa xưa, tiếng trống đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Tiếng trống linh thiêng trong các lễ hội truyền thống, rộn ràng bay bổng trong đời sống nghệ thuật dân gian, lưu giữ và gợi mở biết bao ký ức tuổi học trò... Cứ như vậy, tiếng trống vẫn vang vọng như một dòng chảy văn hóa âm thầm hiện hữu giữa nhịp sống hiện đại và luôn mang trong mình một giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lịch sử dân tộc nước nhà

Giữ lửa nghề truyền thống

Chúng tôi vừa có dịp đến thăm Cơ sở sản xuất trống gia truyền Phạm Mạnh tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hình ảnh anh Phạm Chí Mạnh thuần thục, nhịp nhàng dùng chiếc đinh bấm chuyên dụng để cố định miếng da trâu rồi tiến hành bắn đinh và dùng giá nâng néo căng bề mặt để hoàn thiện công đoạn bưng trống đã khiến cho chúng tôi cảm thấy thú vị và tò mò về nghề làm trống truyền thống này. 

Theo chia sẻ của anh Phạm Chí Mạnh, Chủ cơ sở sản xuất trống gia truyền Phạm Mạnh, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 đời làm nghề sản xuất trống. Năm 1963, ông nội anh đã rời làng Đọi Tam, tỉnh Hà Nam lên vùng cao Yên Bái lập nghiệp và bắt đầu với nghề bán trống, sửa trống. Làng trống Đọi Tam có tục lệ “cha truyền con nối” do đó anh Mạnh đã được ông, cha dạy nghề từ lúc mới lên 12, 13 tuổi và tiếp tục “giữ lửa nghề truyền thống” đến tận ngày hôm nay. 

Hiện nay, cơ sở của gia đình anh Mạnh sản xuất trống phục vụ chủ yếu cho các nhà trường, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh và cả trống tang sành cho dân tộc Dao ở huyện Yên Bình. Tất cả các loại trống, từ trống bỏi, trống cơm đến những loại trống “khủng” gia đình anh đều có thể làm được.

 

Cơ sở sản xuất trống gia truyền Phạm Mạnh tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Yên

Anh Mạnh cho biết, quy trình kỹ thuật làm trống được thực hiện kỹ lưỡng qua 3 khâu: Làm da, làm tang và bưng trống. Da trống là da trâu, loại da càng già thì trống càng có độ vang.  vậy, đ sản xuất được một chiếc trống có âm thanh hoàn hảo, những người thợ thường đi mua da trâu vào ngày trời nắng. Da trâu mua về phải phơi ngay thì tiếng trống mới vang và ấm. Trong quá trình bào da, nếu miếng da trâu quá dày hay quá mỏng cũng khiến cho tiếng trống biến âm. Thế nên, trong cùng một trống cái, hai mặt trống sẽ cho âm thanh khác nhau. Cũng theo anh Mạnh, việc điều chỉnh âm thanh cho chuẩn cũng là một khâu rất quan trọng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và kiên trì trong công việc. 

Thông thường, thân trống được làm từ gỗ mít vì tính năng không vênh và giữ tiếng tốt. Đặc biệt, gỗ càng lâu năm tiếng trống càng rền. Gỗ sau khi xẻ ra và bào nhẵn thì được uốn cong rồi đem phơi nắng để làm dăm trống. Công đoạn tiếp theo là ghép tang trống. Các miếng dăm trống phải được ghép đều tăm tắp, sao cho không có kẽ hở.

Cuối cùng là khâu bưng trống. Đây là khâu khó nhất vì không đơn giản chỉ là căng da trâu trên mặt trống rồi dùng đinh ghim cố định vào thân trống, mà người thợ còn phải khéo léo để căng mặt trống thật phẳng, khi đó mới cho âm thanh trong trẻo và vang xa. Đối với những mặt trống lớn, người làm trống sẽ phải leo lên mặt trống dậm chân liên tục, đảm bảo phần cho da ở mặt trống dãn đều, bền chắc trước khi xuất hàng.

Sản xuất trống nghe qua tưởng dễ, tuy nhiên càng tìm hiểu sâu thì mới thấy đó là cả một quy trình phức tạp, đòi hỏi những người thợ phải thật khéo léo và đam mê với nghề. Nhắc về làng trống Đọi Tam, anh Mạnh kể cho chúng tôi một cách say sưa, tràn đầy niềm tự hào và tình yêu với nghề trống hàng nghìn năm tuổi gắn liền với bề dày văn hóa Việt.

 

Dù sinh sống ở đâu, những người con làng nghề trống Đọi Tam, tỉnh Hà Nam luôn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Ảnh: Hoàng Yên

 Nhạy bén “chuyển mình” trong thời đại mới

Làm nghề được hơn 10 năm, anh Phạm Chí Mạnh đã gây dựng được thương hiệu trống của riêng mình và có một có sở sản xuất trống hoạt động ổn định tại tỉnh Yên Bái. Hàng trăm, hàng nghìn chiếc trống chất lượng được sản xuất tại cơ sở tưởng chừng như nhỏ bé này đã được đưa ra phân phối, tiêu thụ trên toàn tỉnh và cả các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Phú Thọ hay xa hơn là các tỉnh miền Nam như Đồng Nai và Cà Mau.

Nhằm giảm công lao động, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, những năm gần đây anh Mạnh đã đầu tư máy móc thiết bị và áp dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuấtHiện nay, nghề làm trống không chỉ giúp gia đình anh Mạnh có thu nhập ổn định mà còn góp phần phát huy nét văn hóa truyền thống, giữ gìn hồn cốt của dân tộc. Không chỉ vậy, cơ sở sản xuất trống của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho lao động với mức thu nhập bình quân từ 350 - 400 nghìn đồng/ngày. 

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu mua sắm của người dân cũng vì thế mà có nhiều thay đổi. Do đó, để đáp ứng và theo kịp sự chuyển mình của xã hội thì ngoài các sản phẩm trống truyền thống, cơ sở của anh Mạnh còn sản xuất các sản phẩm khác như bồn tắm, bồn ngâm chân, thùng gỗ đựng rượu... dựa trên những kỹ thuật cơ bản từ nghề làm trống truyền thống. Sự đa dạng hóa các loại sản phẩm mỹ nghệ đã đem lại cho gia đình anh một hướng đi mới góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và đóng góp vào sự phát triển của địa phương. 

 

Để đáp ứng và theo kịp sự chuyển mình của xã hội thì ngoài các sản phẩm trống truyền thống, cơ sở của anh Mạnh còn sản xuất các sản phẩm khác như bồn tắm, bồn ngâm chân, thùng gỗ đựng rượu...

Việc không ngừng cập nhật, nắm bắt nhu cầu xã hội và áp dụng vào từng sản phẩm đã giúp đời sống của gia đình anh Mạnh cùng các nhân công lao động tại cơ sở sản xuất ngày càng được nâng cao. Đó cũng chính là yếu tố quan trọngóp phần duy trì và phát huy nghề truyền thống, để tiếng trống Đọi Tam được vang vọng mãi theo tháng năm.

Đánh giá về cơ sở làm trống của gia đình anh Mạnh, ông Vũ Tuấn Mạnh, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Yên Bình nhìn nhận, làm trống một trong những nghề cần được bảo tồn và phát huy vì không chỉ giữ gìn được làng nghề truyền thống của người Việt mà còn có giá trị lớn về văn hoá dân tộc. Thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ tổ chức các cuộc triển lãm tại các chương trình hội chợ để giới thiệu rộng rãi sản phẩm trống và nghề làm trống truyền thống từ làng Đọi Tam, Hà Nam đến với người dân Yên Bái. Qua đây, tỉnh Yên Bái cũng cần nhân rộng, bảo tồn và phát triển kết hợp nghề làm trống với du lịch địa phương, từ đó giúp tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Xã Đại Minh, huyện Yên Bình không chỉ được biết đến với loại Bưởi tiến vua thơm ngon nổi tiếng mà giờ đây Đại Minh còn ghi dấu ấn với nghề làm trống truyền thống của dân tộc. Đến với nơi đây, tìm hiểu và chứng chứng kiến sự tỉ mẩn trong từng công đoạn chúng tôi mới cảm nhận và thấu hiểu được sự trân trọng đối với nghề của các nghệ nhân làm trống. Anh Phạm Chí Mạnh cũng như bao nghệ nhân khác vẫn luôn lấy “cái tâm” làm tôn chỉ trong nghề, không ngừng nỗ lực giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam./.

Minh Hằng

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải