song
Người Tày Khao giữ bản sắc văn hóa truyền thống
Ngày xuất bản: 10/05/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 45043

 Không chỉ nổi tiếng về văn hóa ẩm thực hay những đồi quế xanh bát ngát, người Tày Khao ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái còn luôn cố gắng giữ gìn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình qua các làn điệu dân ca, dân vũ.

Các bô lão trong làng đang truyền dạy điệu múa xúc tép

Trên địa bàn xã Đông Cuông hiện có khoảng gần 2.000 hộ dân thì có tới trên 600 hộ là người Tày Khao. Những năm qua, để bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống trong trong sinh hoạt văn hóa của người Tày Khao, Đảng bộ, chính quyền xã Đông Cuông đã luôn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm giúp đồng bào hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 

Đồng thời, gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Độc đáo trong văn hóa ẩm thực là các món ăn truyền thống dân tộc được lưu truyền, gìn giữ từ nhiều đời nay, tạo nên một kho tàng văn hóa dân gian mang đậm bản sắc người Tày Khao. Sinh hoạt ẩm thực thường ngày của người Tày Khao được chế biến từ thóc gạo, sắn, khoai, cá suối, rau rừng, rong suối... Nhưng mang đặc trưng riêng không lẫn với nơi khác như: Bánh chưng gù, bánh nẳng, nem chạo gói lá chuối rừng, chè lam, cơm lam, xôi ngũ sắc…

Đặc biệt, mùi vị thơm ngon của các món ăn dễ khiến người ta nhớ mãi như: Rau cải nương hay rau rừng xôi trong chõ gỗ, măng rừng vùi tro trong bếp than, nõn chuối rừng muối chua cay… Người Tày Khao ưa thích vị đậm đà của các món nướng, ăn không ngán, các món được chế biến từ thịt trâu, lợn, gà, cá suối và được tẩm ướp gia vị đặc biệt của người Tày Khao, xiên bằng kẹp tre tươi, nướng trên than củi.

Hàng năm, lễ hội “Cầu cơm mới” của người Tày Khao diễn ra vào ngày Mão đầu tiên của tháng 9 Âm lịch. Khi đó, các thôn người Tày Khao trong xã lại rộn rã tiếng chày trong hội thi làm cốm. Với ý nghĩa sâu sắc, tổng kết một năm sản xuất và dâng lên thành quả lao động cúng đất, trời, các vị thần linh, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây đồng thời cũng là dịp để mọi người gặp gỡ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và giáo dục con cháu duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của người Tày Khao.

Đội văn nghệ Tày Khao, thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông (Văn Yên) luyện tập điệu múa xúc tép.

Bà Hà Thị Thoa ở thôn Gốc Quân cho biết về lễ hội: “Khi hạt lúa bắt đầu chắc hạt, vỏ vẫn còn xanh được gặt về tách từng bông rồi buộc lại thành từng túm nhỏ, đem nướng chín trên lò than củi, sau đó đem giã, sàng sảy sẽ được những hạt cốm dẻo thơm. Việc giã cốm phải là những thanh niên trai tráng trong xã thực hiện. Đặc biệt khi chọn lúa về làm cốm, lúa không được để chín quá, như vậy làm cốm sẽ bị vàng và không dẻo, không giữ được mùi thơm nữa”. Từ những hạt cốm dẻo thơm được sàng sảy tỷ mỷ, người Tày Khao còn chế biến ra các món ăn đặc sắc, vừa ngon mà có tác dụng bồi bổ cho sức khoẻ như cháo cốm, bánh cốm, xôi cốm, chè cốm, cơm cốm, cốm lam…

Với nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, người Tày Khao ở Đông Cuông còn luôn biết cách gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong các làn điệu dân ca, dân vũ. Anh Nguyễn Đức Tĩnh - cán bộ văn hóa xã Đông Cuông cho biết: “15 thôn trong xã, đều có đội văn nghệ, các đội vẫn thường xuyên luyện tập và tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội tại địa phương. Những điệu khắp, lượn, điệu xòe, then, hát giao duyên, khắp coọi, múa xúc tép… là món ăn tinh thần bao đời nay đã gắn bó với đời sống sinh hoạt và không thể thiếu của người Tày Khao”.

Hiện nay, trong các dòng họ của người Tày Khao có dòng họ Hà đang lưu giữ sắc phong của đền Đông Cuông - Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Ngoài ra, người Tày Khao còn lưu giữ nguyên những giá trị truyền thống của dân tộc mình như trang phục nam, nữ, các làn điệu dân ca, dân vũ.. Để những nét đẹp quý báu đó được duy trì và phát triển gắn liền với sự phát triển du lịch tâm linh, du lịch về cội, chính quyền các cấp xã Đông Cuông, huyện Văn Yên luôn chú trọng để phát huy những giá trị truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, đặc biệt đối với người Tày Khao.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải