song
Nỗi lo “chảy máu” đào rừng
Ngày xuất bản: 21/12/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 35848

 Hàng nghìn cây đào rừng nở hồng thắm bên các sườn núi, hòa cùng ánh nắng vàng rực rỡ đầu xuân đã làm cho các bản làng của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, cũng vì những nét đẹp đó mà giờ đây, những vạt đào rừng, những gốc đào rừng cổ thụ đang bị tàn phá không thương tiếc dẫn đến việc số lượng của chúng giảm đi đáng kể.

Lên Mù Cang Chải ngắm hoa Đào rừng

Nhắc đến Mù Cang Chải, không ít trong chúng ta nghĩ ngay đến những thửa ruộng bậc thang nối dài, bạt ngàn. Tuy nhiên, nơi đây không chỉ nổi tiếng với di sản quốc gia ruộng bậc thang mà còn hút hồn du khách với những vạt đào rừng khoe sắc thắm mỗi độ xuân về.

Hoa đào rừng (Ảnh: Nguyễn Anh Đức)

Hoa đào rừng có thân cây vươn cao, tán rộng, mọc ở các sườn núi, thân cây cao to, càng lâu sẽ có mốc, rêu nhìn rất sặc sỡ và đẹp mắt. Khi hoa nở, năm cánh hồng mong manh với nhụy dài đỏ, thuộc hoa đơn có màu đỏ, hồng, trắng tùy từng loại, hoa không có cuống, cánh dài hợp ở gốc có hình chuông. Thường nở rộ vào mùa xuân, nở cùng lúc với chồi lá, cánh trắng mềm và mỏng, có hình trứng ngược, nhiều nhị và nhị dài bằng cánh hoa, nở thành từng chùm bao phủ núi rừng Mù Cang Chải bằng màu hồng rực rỡ. Hoa đào rừng mọc chủ yếu ở các xã: La Pán Tẩn, Púng Luông, Zế Xu Phình... Nhưng số lượng nhiều và tập trung nhất là ở xã La Pán Tẩn. 

Với người Mông Mù Cang Chải hoa đào rừng gọi mùa xuân đến để trai gái vui hội Gầu tào. Hoa thêu trên váy áo, hòa vào tiếng đàn môi, lẫn vào những câu hát giao duyên của những đôi trai gái. Đào rừng chỉ nở rộ nhất trong vòng 2 tuần lễ từ cuối tháng 12, sau khoảng thời gian đó tuy chưa tàn hết nhưng màu sắc cũng sẽ phai khong còn đẹp mê hồn như trước nữa. Sắc hoa nhuộm màu đỏ thẫm các sườn đồi, nhiều nhất là ở La Pán Tẩn. Đây cũng lúc du khách cảm nhận rõ nhất hơi thở của mùa xuân đang về trên những làng bản của người Mông nơi vùng cao. Ngắm những cánh đào rừng khoe sắc thắm trên những triền đồi trải dài, những đóa hoa thắm đượm thơm ngát, được hít hà trong cái giá của đầu đông hắt sẽ khiến cho bạn như chìm đắm không muốn rời bước.

Nỗi lo đào rừng “chảy máu”

Có lẽ vì đào rừng tuyệt vời đến thế nên rất nhiều người, đặc biệt là dân thành phố muốn có cành đào rừng để bày phòng khách trong ngày tết. Những năm gần đây, thú chơi săn đào rừng về chơi tết tăng nhanh chóng, cứ độ xuân về, những lái buôn từ miền xuôi ngược đường, ngược núi lên tận những bản làng xa, những gia đình có những vườn đào rừng cổ thụ để thu mua, đặt sẵn, khi gần tết họ sẽ vận chuyển đến những thành phố lớn như Hà Nội để buôn bán.

Thường thì những cây đào rừng cổ thụ có thân mốc, đốm, hay mọc rêu, phong lan, tầm gửi trên thân sẽ bán được giá hơn nhưng cây non, những cành có thế đẹp, hoa đẹp, nở đều cũng sẽ bán được giá cao hơn. Tùy vào từng thế cây mà các lái buôn sẽ trả giá cao hay rẻ. Tuy nhiên, vì chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường, nên những lái buôn thường trả giá rất rẻ cho những cây đào rừng trong các bản làng chênh lệch nhiều so với giá trị thật của nó cũng như giá mà những lái buôn bán ra cho các khách hàng ở ở thành phố lớn. Thậm chí, các lái buôn tận thu từ cành đào, thân đào đến đào cả gốc những cây đào cổ thụ mang về xuôi để phục vụ cho những vụ mùa sau.

Để đào rừng nở rộ mỗi độ xuân về bên nóc nhà của những người dân bản (Ảnh: Nguyễn Anh Đức)

Trong một, hai năm trở lại đây, do đã quen với việc lái buôn đến thu mua nên cứ đến khoảng 20 tháng Chạp, đồng bào vùng cao ở các huyện như Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải cũng chặt đào đem bán. Đồng bào còn nghèo, có ít nông, lâm sản tranh thủ ngày tết đem bán kiếm ít tiền chi tiêu cũng tốt nhưng nhìn những cây đào cổ thụ, mấy chục năm tuổi, đường kính thân từ 20, 30 tới 40cm bị đào tận gốc, cắt ngang thân như thế, thấy xót xa! Số lượng đào bị đốn, bị đào không ai thống kê, chẳng ai kiểm soát nhưng xe ô tô nào từ vùng cao về cũng chở đào, xe khách nào cũng chất đầy đào trên nóc; đặc biệt là những chiếc xe tải “khủng” hai, ba, bốn chân to được thương lái lên Văn Chấn, Mù Cang Chải gom đào về xuôi mới thấy lượng đào “rời non, xuống phố” lớn biết nhường nào.

Hàng năm, cứ độ tết đến xuân về, hàng nghìn gốc cây đào cổ thụ bị chặt, phá để bán cho những lái buôn, những cánh rừng đào rừng thưa dần những gốc đào cổ thụ, số lượng đào rừng cũng giảm đi rõ rệt. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân nhận thấy tiềm năng khai thác du lịch tử vẻ đẹp của những rừng đào, không khai thác bừa bãi. Đồng thời tìm ra hướng phát triển, nhân giống đào rừng để giữ lại những nét hoang sơ của núi rừng tạo tiền đề cho việc phát triển tiềm năng du lịch của vùng.

                                                                                           Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải