song
Vui lắm Tết Mông
Ngày xuất bản: 09/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 39161

 Cứ vào tháng Chạp âm lịch, trước tết Nguyên đán chừng một tháng; khi những cành đào bên triền núi chúm chím nụ hồng, chồi non bật nhú là lúc người Mông ở các bản vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải rạo rực hội vui xuân, đón tết cổ truyền dân tộc.

Tết được bà con người Mông xem như một đặc trưng văn hóa độc đáo của dân tộc mình.Vui lắm! Vì hàng năm, cứ mỗi khi tết đến là lúc việc nương rẫy hoàn thành, bà con được nghỉ ngơi, sum họp gia đình, thăm hỏi anh em bạn bè và chung vui các lễ hội dân tộc. Tết cũng là dịp để các đôi trai gái trai gái yêu nhau. Ai một lần được ăn tết của người Mông, mới thấy bà con chuẩn bị tết chu tất thế nào? Những ngày trước tết, người đàn ông trong gia đình lo nguồn thực phẩm để làm giàu thêm chất tươi trong ngày tết. Còn các cô, các chị ngoài việc chăm lo gia đình, tranh thủ hoàn thành những chiếc áo, chiếc váy hoa mới còn giang giở cho cả nhà diện tết.

http://hoinhabaoyenbai.org.vn/images/datvanguoi/634637912947356250-thumb-1354284808_500x0.jpg

(Ảnh: Người Mông Mù Cang Chải đi chảy hội)

Ai làm việc nấy, người già thì lo thu dọn trang trí nhà, sắm những mảnh vải đỏ treo ngang cửa chính, cắt những tờ giấy đỏ dán lên bàn thờ, cột nhà để lấy may và trừ tà ma. Cũng như các dân tộc Khơ Mú, Thái…người Mông có quan niệm “Vạn vật hữu linh” tức là mọi vật đều có linh hồn. Do vậy khi người lớn chuẩn bị lo lương thực, thực phẩm; chuẩn bị trang phục đi hội, thu dọn trang trí nhà cửa cũng là lúc các em nhỏ giúp cha mẹ, ông bà cắt các mảnh giấy đỏ dán lên các dụng cụ như: Cày, cuốc, dao, gùi, cối xay…để cầu các thần phù hộ cho gia đình sang năm mới trồng được nhiều bắp to, thu được nhiều lúa gạo dẻo ngon…

Việc sửa soạn bàn thờ tổ tiên của người Mông trong ngày tết là quan trọng nhất, độc đáo và mang bản sắc riêng có, nó giản dị như chính cuộc sống của họ. Bàn thờ được đặt ở chính giữa ngôi nhà, hướng ra cửa chính với một tờ giấy trắng, trang trí các hình thù tượng trưng cho sức khỏe. Vào ngày tết, khắp các bản Mông, nhà nào khá giả thì mổ trâu, mổ lợn; nhà khó hơn thì mổ chó, mổ gà. Đặc biệt rượu và bánh dày không thể thiếu trong tết Mông. Rượu được bà con nấu trước tết hàng tháng trời cất trữ trong chum lớn, vại nhỏ đậy bằng lá chuối rừng để giữ hương vị thơm ngon.

Những ngày giáp tết, khắp các bản Mông ở Lao Chải, Chế Tạo (Mù Cang Chải); đến Bản Mù, Tà Xí Láng (Trạm Tấu) đều náo nức làm bánh dày. Họ quan niệm bánh dày là sản vật đặc biệt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật. Bánh dày có trong ngày tết của người Mông cũng như bánh chưng của người Kinh, người Tày. Bánh dày được người Mông dùng để cúng Ma nhà - Tổ tiên – và Thần trời. Gạo làm bánh dày phải là gạo nếp mới thơm ngon, trồng trên những mảnh nương tốt của nhà mình. Gạo sau khi được chọn, đãi sạch đem đồ xôi rồi cho vào máng gỗ giã đều tay đến khi nhuyễn là được. Trên khắp các bản Mông ngày giáp tết, tiếng chày vang suốt đêm ngày vang dội vào vách núi, báo hiệu mùa xuân đang đến.

Vào ngày 30, ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người trong bản dù có đi đâu cùng gắng về ăn tết. Trong các căn nhà nhỏ, những mảnh vải đỏ được treo lên để trừ ma và mong muốn những điều may mắn tới; đây cũng là lúc các gia đình mổ trâu, mổ lợn, mổ gà…đón tết. Ngày 30 tết mọi  nhà đều chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, chia tay năm cũ đón chào năm mới. Khi cúng, các lễ vật được để trên chiếc bàn gỗ đặt sẵn phía trước cửa chính nhà, bên cạnh là các dụng cụ lao động thường ngày; cúng xong cả nhà ăn tết 30. Người Mông rất xem trọng ăn tết ngày 30, vì ngày này các thành viên trong gia đình xum họp ăn bữa cơm cuối năm. Tất cả các nhà trong bản uống rượu từ sáng, qua đêm sang cả sáng ngày mùng một năm mới. Bên bếp lửa hồng, mọi người vừa uống rượu, vừa ôn lại chuyện cũ, tâm sự chuyện gia đình, bàn việc mùa màng làm ăn.

Ngày đầu năm mới, người Mông có tục “Rước nước về nhà”. Ngay từ sáng tinh sương mùng một tết, cho dù có bận rộn đến đâu nam nữ thanh niên trong bản từng đoàn kéo nhau ra đầu nguồn con suối hứng đầy ống bương nước trong lành về nhà, với mong muốn đón một năm mới sạch sẽ, khỏe mạnh gặp nhiều may mắn. Những ngày tết tươi vui, họ đến nhà nhau thăm hỏi, uống cùng nhau bát rượu, ăn cùng nhau miếng bánh dày và gửi đến nhau những lời chúc tốt lành.

Sáng mùng 3 tết, các bản Mông tưng bừng mở hội Gầu tào (Cầu phúc) hay hội Sài sán (Chơi núi đầu xuân). Trên bãi đất rộng có cây Nêu được dựng từ ngày hôm trước, ngọn Nêu treo dải vải đỏ cùng một dây giấy vàng và một nậm rượu. Dưới gốc cây Nêu, một mâm cúng gồm: Một con gà, một đĩa bánh dày, một bát rượu được đặt sẵn. Mở đầu lễ hội, thầy cúng cầu cho bản mình “Người yên, vật thịnh”. Sau đó ngay dưới chân cây Nêu, các chàng trai Mông thay nhau vừa thổi vừa múa khèn. Tiếp khèn dìu dặt tỏa lan theo gió xuân gọi mời người khắp bản trên, làng dưới tới vui hội.

Vui hội Gầu tào, các cô gái Mông, các em nhỏ hân hoan trong sặc sỡ váy áo chơi ném pao, đánh quay, đánh lông gà…Còn các chàng trai khỏe mạnh thì đua nhau trổ tài bắn nỏ, đấu vật, cưỡi ngựa…Nhưng nổi bật hơn cả là hội hát giao duyên (Gầu plềnh). Các chàng trai xúng xính trong bộ trang phục dân tộc cùng các thiếu nữ sặc sỡ áo váy, cổ đeo vòng bạc lóng lánh say sưa hát những bài dân ca Mông diễn tả niềm thương, nỗi nhớ và tình yêu đôi lứa.

Vui lắm, tết của người Mông làm ấm lên tình người quê núi cứ mỗi độ xuân về! Các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, cùng tiếng hát giao duyên của các đôi trai gái nối dài cho hội thêm vui, cho hoa đào thêm rực rỡ sắc hồng. Để rồi hội hết tết qua, những đôi trai gái Mông tìm đến được với nhau, cùng dệt nên những mùa xuân hạnh phúc!    

                                                                                                                                                                                                                                                                                                        Minh Đức

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải