song
Đồng hành cùng hội viên vượt lên gian khó
07/05/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 32062

 Nhiều năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Hội Làm vườn thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) đã nỗ lực giới thiệu, hướng dẫn, đưa nhiều cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước giúp hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Tuyển ở tổ 5, thị trấn Yên Bình ngày càng có cuộc sống khấm khá nhờ rừng. Từ lão nông có cuộc sống chỉ phụ thuộc vào mẻ cá, con tôm ở Hồ Thác Bà, đến nay, ông Tuyển đã trở thành chủ trang trại vườn rừng rộng lớn. Với thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, ông có điều kiện xây nhà khang trang, mua sắm các trang thiết bị hiện đại như ô tô, ca nô… Ông Tuyển cho biết: “Trước đây, cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào việc đánh bắt tôm, cá ở hồ. Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi tham gia vào Hội Làm vườn thị trấn Yên Bình, được sự hỗ trợ, giúp đỡ vốn, kỹ thuật, hướng làm ăn, kinh nghiệm từ Hội, gia đình tôi đã tích cực khai hoang, phát dọn các đảo hồ để trồng rừng. Cứ phát dọn được đến đâu tôi lại trồng rừng đến đó. Đến nay, sau 25 năm kiên trì, chịu khó, gia đình tôi đã có diện tích rừng lên đến 40 ha chủ yếu là keo, bồ đề, cuộc sống gia đình ngày càng được nâng cao”. Cũng tương tự như ông Tuyển, gia đình ông Trần Văn Hùng ở tổ 19, thị trấn Yên Bình cũng nhờ Hội mà có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm của gia đình từ những năm đầu mới làm kinh tế. Đến nay, với gần 30 ha rừng, 1 ha cây dược liệu, 500 cây bưởi Đoan Hùng, 1000 gốc chanh và hàng trăm cây xoài, hàng trăm con lợn, mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái của ông ngày càng phát triển, tạo việc làm cho hơn 20 lao động thời vụ, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái của ông Trần Văn Hùng ở tổ 19, thị trấn Yên Bình mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Nghe thì xa lạ nhưng trên thực tế, Hội Làm vườn được thành lập từ những năm 1991 với hệ thống từ tỉnh, huyện đến các cơ sở. Hội làm vườn thị trấn Yên Bình cũng được thành lập ngày sau đó với 1 chi hội, 17 hội viên. Đến năm 1994, khi Dự án phát triển nông thôn miền núi Việt Nam - Thụy Điển được đưa về, Hội ngày càng phát triển với số lượng hội viên tăng lên 194 người với 12 chi hội. Đến năm 2002, Dự án hết thời hạn, không còn nguồn lực hỗ trợ, các hội làm vườn dần tan rã, chỉ còn lại Hội Làm vườn thị trấn Yên Bình còn hoạt động với số vốn 800 triệu đồng được Dự án phân bổ lại. Năm 2008, theo chỉ đạo của tỉnh, Hội chuyển giao số vốn này cho Ngân hàng chính sách xã hội huyện quản lý. Hội vẫn duy trì hoạt động đều đặn mặc dù không có sự chỉ đạo, giúp đỡ từ ngành dọc cấp trên và được đặc cách sinh hoạt trực tiếp với Trung ương Hội. Song do nhiều yếu tố, Hội gặp không ít khó khăn, số lượng thành viên xin rút khỏi Hội ngày càng nhiều nhưng Hội vẫn kiên trì hoạt động. Đến năm 2015, Hội được Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh kết nạp là thành viên. Từ đó, Hội thường xuyên được đôn đốc, chỉ đạo, giúp đỡ mọi mặt trong mọi hoạt động của Hội. Ông Nguyễn Duy Trịnh - Phó chủ tịch Hội Làm vườn thị trấn Yên Bình cho biết: “Xác định vốn là quan trọng nhất, Hội đã xây dựng vốn bằng cách nộp chân quỹ tại các chi hội, mỗi hội viên đóng góp từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng để tạo điều kiện cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi xuất ưu đãi để phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các buổi tập huấn cho hội viên”. Trong năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức 1 buổi hội thảo với chuyên đề xây dựng và phát triển mô hình trang trại; 1 buổi tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi, qua đó, chuyển giao kỹ thuật cho hội viên.

Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, biến cố, Hội Làm vườn thị trấn Yên Bình vẫn tích cực phát triển sản xuất từ tự cung, tự cấp sang mô hình hàng hóa, trang trại, liên kết để tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển kinh tế. Trong khi cả tỉnh chỉ còn duy nhất Hội Làm vườn thị trấn Yên Bình hoạt động và giữ vững, Hội vẫn tổ chức thăm quan, học hỏi, đưa các cây, con giống mới đến hội viên, duy trì và phát triển mô hình VAC (vườn ao chuồng) - dịch vụ có nhiều triển vọng. Đến nay, toàn Hội có diện tích sản xuất đạt trên 200 ha, trong đó có 188 ha diện tích cây lâm nghiệp, 10 ha cây ăn quả và 2 ha rau màu. Mặc dù chỉ còn 69 thành viên, tổng thu bình quân một năm của các thành viên đạt gần 5 tỷ đồng, thu nhập mỗi hộ đạt 69 triệu đồng/năm, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương

Dương Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải