song
Chúng ta cần soi tới ranh giới của đạo đức
30/09/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 16496

 “Ranh giới đạo đức” là một trong những vấn đề được đặt ra khi bàn về ranh giới giữa quyền tiếp cận thông tin và vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Nếu nhà báo chỉ quan tâm đến thông tin “nóng”, giật gân, thiếu chọn lọc sẽ dễ dàng rơi vào vi phạm.

Bởi vậy, trong mọi hoàn cảnh, mỗi nhà báo, phóng viên rất cần sự tỉnh táo khi khai thác sử dụng thông tin, cân nhắc kỹ việc sử dụng hình ảnh, quyền riêng tư của cá nhân đồng thời xác định rõ việc sử dụng ấy phải phục vụ lợi ích chung của tập thể, cho cộng đồng, không lạm dụng để đạt lợi ích cho riêng mình.

 

Đội ngũ nhà báo phóng viên ghi nhận các bằng chứng về khai thác gỗ lậu. Ảnh minh họa

Ranh giới khó xác định giữa sự thật khách quan với việc bảo vệ quyền con người

Trong hoạt động báo chí, nhà báo được quyền khai thác sử dụng thông tin nhằm phục vụ lợi ích của công chúng. Bên cạnh đó, nhà báo phải tuân thủ quyền riêng tư của mỗi cá nhân được luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên, như GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông khẳng định: “Ranh giới xác định rất khó, giữa sự thật khách quan với việc bảo vệ quyền con người. Kể cả vấn đề nhân vật đồng ý cho báo chí phỏng vấn đưa tin lên nhưng việc đưa tin như thế nào để bảo vệ quyền lợi, lợi ích, quyền con người đấy cũng là vấn đề mang tính trách nhiệm của người làm báo với công chúng”.

Đối với nhà báo, việc tiếp cận thông tin đã được quy định rõ ở trong Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin… Quy định pháp luật đã rõ ràng, tương đối chặt chẽ, việc thực hiện trong đời sống là hoàn toàn có thể áp dụng. Nhưng thực tế, nhiều phóng viên trong quá trình tác nghiệp cũng quên mất là phải bảo vệ quyền riêng tư của các tổ chức, cá nhân. Một số tin, bài vi phạm quyền riêng tư cá nhân vẫn xảy ra và trở thành những trường hợp đáng tiếc trong hoạt động báo chí.

Bởi nói như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Điện tử Dân Việt, tác phẩm báo chí mà nhút nhát quá, thành ra nhạt nhẽo và vô dụng cho xã hội. Táo bạo quá, có khi vô tình làm đau người khác một cách không cần thiết, vi phạm quy tắc đạo đức và luật pháp về quyền riêng tư. Khi việc làm đau này thành phong trào mà không được cầm cương, thì lại còn thành ra nguy hiểm và phản nhân văn. Đặc biệt, đối với những bài viết, phóng sự mang tính đặc thù như phóng sự điều tra việc ghi lại những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm của các đối tượng, việc áp dụng quyền riêng tư của các tổ chức hay cá nhân sẽ thực hiện như thế nào?.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Điện tử Dân Việt cho biết: “Những thông tin hình ảnh này là cơ sở quan trọng để lực lượng chức năng như công an bắt giữ, điều tra và xử lý những đối tượng vi phạm. Nhưng rõ ràng việc này có thể đụng chạm đến các quy định về quyền riêng tư của công dân. Nếu chúng tôi đưa thông tin hình ảnh không rõ ràng thì rất khó để xử lý vi phạm, mất đi tính thuyết phục khán giả trong tác phẩm báo chí”.

Thực tế đã cho thấy nếu như người phóng viên làm cẩn thận quá, tất cả các phóng sự đều che mặt để không ai nhận ra nhân vật, thay đổi âm thanh sẽ không thuyết phục được người khác. Thậm chí những tác phẩm mang tính nhân văn, chia sẻ những mảnh đời, số phận đang nguy khó… nếu che hết mặt, thay đổi âm thanh thì sẽ khó lấy được tình thương, lòng trắc ẩn, sự xúc động của người xem.

 

Nên có những buổi tập huấn để cho phóng viên hiểu được quy định pháp luật về quyền riêng tư cá nhân, để chúng ta tác nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn. Ảnh nhà báo Phạm Thùy Hương

Người làm báo biết dừng lại ở ranh giới đòi hỏi sự dũng cảm

Giải bài toán làm sao báo chí vẫn giữ được quyền riêng tư, đời tư nhân vật, tôn trọng, bảo vệ nhân vật và mặt khác vẫn có được tác phẩm báo chí xuất sắc chân thật mang tính hấp dẫn, thu hút khán giả. Ở nhiều nước tiên tiến, đã có những phóng sự quay lén, những phóng sự điều tra về đêm được dàn dựng công phu. Tất cả phóng viên đi quay đều được trang bị kỹ thuật tốt. Hình ảnh nhân vật có thể ở sau lưng, ở dưới chân, ở góc khuất hay trong bóng tối, người xem đều có thể tưởng tượng ra nhân vật như thế nào, điều này vừa mang lại hiệu quả truyền thông vừa không vi phạm quyền riêng tư.

Cẩn trọng hơn, nhiều tòa soạn trang bị cho mình một đội ngũ luật sư tư vấn, làm việc cho tòa soạn, họ sẽ là người phân định ranh giới giữa vi phạm pháp luật và làm việc một cách hợp pháp. Họ luôn đặt vào tình huống rằng bất kể khi nào người làm báo đều có thể bị kiện.

Cách tiếp cận thông tin pháp luật của người dân trong tương lai có thể sẽ thay đổi nhưng vấn đề lương tâm trách nhiệm của người làm báo trước sau như một, chúng ta làm báo về quyền con người, vì tính nhân văn mà chúng ta phải bảo vệ. Luật pháp vẫn phải hoàn thiện, vấn đề quản lý báo chí cũng thay đổi để phù hợp. Do vậy, mỗi nhà báo không chỉ quan tâm nâng cao vấn đề nghề nghiệp, nghiệp vụ kỹ thuật, hiểu biết pháp luật nhưng trên hết là lương tâm trách nhiệm của người làm báo. Khi chúng ta nhận thức về nghề nghiệp, chúng ta sẽ có trách nhiệm với từng nhân vật, chúng ta đặt mình vào lợi ích nhân vật.

Đặc biệt, trong thời gian tới, khi trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, người dân sẽ tự bảo vệ quyền riêng tư của mình, bảo vệ hình ảnh của mình trên truyền thông. Lúc đó mỗi người làm báo khi bước vào phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh nhân vật nên có cam kết với nhân vật, thậm chí bằng văn bản để tránh những khiếu kiện không đáng có.

Chia sẻ về một số kinh nghiệm trong quá trình làm truyền hình của mình, nhà báo Vĩnh Quyên - nguyên Phó Tổng Giám đốc kênh Truyền hình Quốc hội tâm sự: “Trong cuộc đời người làm báo chúng ta đặt ra những ranh giới, chúng ta vẫn thường nói người bước qua được ranh giới là những người dũng cảm, nhưng người làm báo biết dừng lại ở ranh giới cũng đòi hỏi sự dũng cảm. Vượt qua tất cả quy định về pháp luật, về hiệu quả truyền thông thì chúng ta cần soi tới ranh giới của đạo đức. Chúng ta có thể đặt mình vào nhân vật, người thân của nhân vật để đánh giá xem liệu khi hình ảnh này được đăng lên có ảnh hưởng như thế nào? Mỗi người báo nên đặt mình vào những ranh giới đó để không vi phạm bất cứ điều gì”.

 

Người làm báo tác nghiệp phải tỉnh táo nhận diện trong mọi hoàn cảnh. Ảnh minh họa

Nhìn một cách tổng thể, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin và vi phạm quyền riêng tư cá nhân là rất mong manh. Không có ranh giới nào có thể phân định rõ ràng được nếu nhà báo không giữ vững đạo đức trách nhiệm người làm báo.

Nhà báo Phạm Thùy Hương - TTXVN cho rằng: “Nên có những buổi tập huấn để cho phóng viên hiểu được quy định pháp luật về quyền riêng tư, từ đó tác nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn, việc này cũng là cụ thể hóa những quy định điều 4 trong quy định đạo đức nghề nghiệp. Đó gần như là cuốn sổ tay nhỏ, cẩm nang, nội dung được hệ thống lại, thành một bộ công cụ, quy ước chung cho người làm báo”.

Từ đó, để xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, mỗi tòa soạn báo nên áp dụng những quy tắc về đạo đức nghề báo của đơn vị mình, trang bị cho phóng viên trình độ về mặt nghiệp vụ, có những thủ thuật riêng, làm sao vừa có những chi tiết đắt giá vừa bảo vệ được quyền riêng tư cá nhân.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải