song
Hoa văn của núi rừng
23/09/2019 12:00:00 SA
Lượt đọc: 46103

 Vùng lòng chảo Mường Lò không chỉ nổi tiếng bởi những sản vật độc đáo mà còn được biết đến bởi văn hóa dân tộc Thái đặc sắc, đa dạng, phong phú. Trong đó, thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm được coi như là nơi lưu giữ tinh hoa, hồn cốt của dân tộc Thái nơi đây.

Chị Hà Thị Chinh ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Thái Mường Lò.

 

Trong ngôi nhà sàn homestay ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, chị Hà Thị Chinh - chủ homestay Cương Chinh đang miệt mài xe sợi, dệt vải bên khung cửi. Đây là công việc được chị tranh thủ những lúc rảnh rỗi, khi không có khách đến ăn, nghỉ. 

Đã gặp chị Chinh vài lần tại những lần đến làm công tác tuyên truyền cho du lịch Miền Tây, thế nhưng nay mới thu xếp tới thăm cơ sở kinh doanh của gia đình chị. Thấy tôi, chị xếp con thoi lại khung cửi, đon đả ra chào mời. Vẫn cứ ngỡ người phụ nữ trẻ, năng động, hiện đại sinh năm 1986 này chỉ giỏi làm kinh tế, ai ngờ chị vẫn còn giỏi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. 

Thấy tôi tò mò về những tấm thổ cẩm tự dệt, chị Hà Thị Chinh xăm xắn dẫn tôi đến bên khung cửi giới thiệu: "Người Thái chúng tôi học dệt vải từ khi lên 6, lên 7 tuổi. Việc may vá, dệt vải được truyền từ đời này sang đời khác. Thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống người Thái. Thổ cẩm dùng để trang trí chăn, gối, váy, áo… Dệt thổ cẩm có nhiều công đoạn phức tạp, yêu cầu sự khéo léo, cần mẫn và kiên trì. Ngày xưa, trước khi lấy chồng 3 tháng, ngày nào tôi cũng dậy từ 4 giờ sáng đến tối mịt để dệt thổ cẩm làm chăn, gối, đồ dùng đem về nhà chồng”. 

Như minh chứng cho lời nói, sự khéo léo của mình, chị Chinh ngồi vào khung cửi dệt một đoạn. Đôi chân chị liên tục đạp lên xuống, còn đôi tay thì thoăn thoắt, khéo léo theo từng con sợi vải, biến những sợi vải vô tri trở thành những tấm thổ cẩm đẹp mắt và có hồn. 

Những sản phẩm thổ cẩm không chỉ là một bức tranh sống động phản ánh đời sống sinh hoạt của đồng bào mà còn chứa đựng cả linh hồn văn hóa truyền thống của người Thái, được làm nên từ sự sáng tạo và khéo léo của những người phụ nữ. 

Trên những tấm thổ cẩm ấy có sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa đường nét, màu sắc và hoa văn được người phụ nữ Thái xử lý khéo léo, tài tình. Hoa văn của người Thái chủ yếu là hình tượng động vật, thực vật, những hình ảnh trong cuộc sống đời thường. 

Qua những hình tượng đó, người con gái Thái khéo léo gửi cả tâm hồn mình trong mỗi đường thêu nên rất khó có thể lẫn với hoa văn của dân tộc khác. 

Theo nhịp lách cách của khung cửi, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi như có vần điệu. Hướng về phía những con chỉ đầy màu sắc trong chiếc rổ bên cạnh, chị Chinh giới thiệu thêm: "Trước đây, để có được những gam màu chủ đạo, người Thái thường nhuộm vải theo cách truyền thống bằng màu mực của các loại cây rừng. Mỗi màu sắc kết hợp với nhau để dệt nên tấm thổ cẩm đều thể hiện sự tinh túy của đất trời. Màu đen cho đất, màu xanh cho trời, màu vàng biểu hiện cho sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, màu đỏ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người. Thế nhưng, giờ cuộc sống hiện đại, việc se sợi nhuộm tốn thời gian mà chỉ bán ngoài chợ nhiều, giá thành rẻ nên rất hiếm gia đình còn tự nhuộm sợi”. 

Nhiều năm qua, dưới chủ trương đúng đắn, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và các cấp ủy, chính quyền về việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Yên Bái; thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai nhiều chương trình, đề án, trong đó, đã mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho lao động nữ, thành lập làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Nghĩa An và rất nhiều hợp tác xã trong đó có nghề dệt thổ cẩm của người Thái. 

Hiện tại, thị xã Nghĩa Lộ có khoảng hơn 1.000 lao động trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm may mặc bằng vải thổ cẩm; mỗi năm sản xuất hàng nghìn sản phẩm may mặc thổ cẩm như: váy, áo, mũ, khăn, mặt chăn, đệm... 

Ông Nguyễn Viết Chung - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Các chương trình, đề án thị xã Nghĩa Lộ triển khai về dệt thổ cẩm không chỉ góp phần đưa nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái và các sản phẩm dệt thổ cẩm trở thành sản phẩm độc đáo hấp dẫn khách du lịch, đem lại nguồn lợi kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân mà còn giúp cho việc bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị truyền thống”.

Theo thời gian, trải qua nhiều vận động, biến thiên của lịch sử và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa song nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái Mường Lò vẫn lưu giữ được cái hồn của mình, góp phần tạo nên một nét văn hóa độc đáo, riêng có. Tạm biệt gia đình chị Hà Thị Chinh, tạm biệt Miền Tây, Mường Lò thân thương mà câu dân ca Thái cứ ngân nga: "Em xe sợi thành vóc hoa dâu/Em dệt cửi thành gấm vân chéo/Em dệt tơ thành đóa hoa vàng/Người các bản các phường muốn khóc/Đều ước ao được em thêu khăn".

Huyền Lê

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải