song
Khi nhà báo “quăng mình vào thế giới số”…
05/07/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 995

Giờ đây, ranh giới giữa các loại hình báo chí đang mờ dần, tiệm cận tới mẫu số chung là “báo chí đa phương tiện”. Đó là những nhà báo biết làm chủ công nghệ và biết khai thác, sử dụng linh hoạt các thiết bị thông minh, đồng thời luôn phải có tư duy, suy nghĩ đa phương tiện. Nhà báo phải tự tin làm báo cho tất cả các loại hình báo chí, liên tục cập nhật và chủ động trong thông tin.

 

Đa nhiệm và đa năng

Ngày nay, để làm nghề chuyên nghiệp, các nhà báo cần phải có nhiều lớp phẩm chất, trong đó có lớp phẩm chất về tri thức và kỹ năng, bao gồm việc cập nhật những tri thức mới của thời đại, và khả năng tích hợp đa kỹ năng. Các nhà báo phải luôn luôn cập nhật những gì mới nhất trong môi trường truyền thông số. Nói như nhà báo nổi tiếng người Anh David Randall thì “bạn phải quăng mình vào thế giới số”.

Bàn về công việc thực tế tại các cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, ở nhiều tòa soạn báo và đài truyền hình, phóng viên bao gồm cả những người lâu năm và những người trẻ đều đã tác nghiệp theo phương thức “đi 1 về 3”, có nghĩa là một ê kíp đi sản xuất 3 sản phẩm báo chí cho các nền tảng khác nhau.

Các nhà báo cũng cần có những kỹ năng Mojo - báo chí di động và “tư duy mobile”, đồng thời phải sớm sử dụng trí tuệ nhân tạo như những trợ lý đắc lực trong quá trình tác nghiệp. Sao cho “công nghệ có thể giải phóng người làm truyền thông khỏi những việc lặp lại, cho họ nhiều thời gian hơn để sáng tạo”.

 

Báo chí - truyền thông đang thay đổi với tốc độ chóng mặt bởi sự phát triển quá nhanh của công nghệ.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà chia sẻ, tác giả Norman Zafra từ Đại học tổng hợp Aucklan dùng khái niệm “ban nhạc chỉ có một người” - one man band để mô tả công việc của nhà báo trong môi trường truyền thống số.

“Họ phải trở nên đa nhiệm và đa năng. Họ cùng lúc vừa làm biên tập, vừa quay phim, chụp ảnh, vừa dựng, đọc, làm đồ họa, xuất bản lên các nền tảng, và cả quảng bá cho các sản phẩm báo chí cũng như tương tác và trả lời bạn đọc...

Tuy nhiên, nắm vững công nghệ cũng chưa đủ để nhà báo có thể sinh tồn trong môi trường truyền thông số. Điều khó nhất đối với các tòa soạn và các nhà báo không phải là công nghệ, bởi công nghệ đang ngày một trở nên dễ hơn, nhanh hơn và tốt hơn. Điều khó nhất là các nhà báo phải có khả năng hiểu và suy nghĩ xuyên phương tiện và trở ngại nằm ở chính tố chất bản thể riêng của các nhà báo” - nhà báo Nguyễn Thu Hà nhận định. 

Trong thời đại truyền thông số, nhà báo vừa phải giữ vững những giá trị của nghề báo chân chính để trở thành điểm tựa khi công chúng quay trở lại sau những mệt mỏi giữa đại dương tin giả. Nhà báo Thu Hà cho rằng, báo chí phải thực sự chất lượng, các tác phẩm báo chí phải đạt tiêu chí “thông thái”, giúp nâng cao nhận thức và cả đạo đức cho xã hội.

Giờ đây các nhà báo không còn lợi thế so với cộng đồng mạng trong tốc độ đưa tin cũng như phương thức đưa tin đa dạng, đa chiều và sáng tạo. Nhà báo chỉ có thể phát huy giá trị thông qua các sản phẩm báo chí tin cậy, sâu sắc, có tính phát hiện, đồng thời luôn đúng đắn và tuân thủ các giá trị đạo đức.

“Trong thời đại số, hai “vũ khí” quan trọng mà một tòa soạn cần mài giũa thật sắc bén chính là các tác phẩm báo chí điều tra và các tác phẩm báo chí phân tích bình luận. Muốn vậy, các nhà báo phải là đáp ứng được những tiêu chuẩn cao cả về phong cách, kiến thức, tinh thần dấn thân, cách diễn ngôn, có đầy đủ bằng chứng thuyết phục, biết đưa vấn đề một cách logic, và phải có bản sắc riêng”nhà báo Thu Hà nói.

Theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, việc của các nhà báo không còn là đưa tin, bởi sự kiện thường được đưa tin nhanh chóng trên mạng xã hội mà phải trở thành các nhà điều tra, các nhà phân tích bình luận để phản biện, lý giải, dự báo, dẫn dắt quan điểm và định hướng dư luận một cách ấn tượng. Điều đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới mục tiêu và phương pháp đào tạo báo chí - truyền thông để tạo ra nguồn nhân lực có thể đáp ứng kịp thời với sự thay đổi của báo chí - truyền thông trong thời đại số.

 

Giải pháp ba chân kiềng

Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ nhận định, báo chí ngày nay không còn giới hạn trong 4 loại hình cơ bản: báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử mà còn xuất hiện nhiều loại hình mới như báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động hay các hoạt động truyền thông có tính báo chí như mạng xã hội, app tổng hợp tin...

“Giải pháp tốt nhất là hình thành mạng lưới đào tạo báo chí gồm ba chân kiềng: cơ sở đào tạo - các trường đại học - cao đẳng; các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ liên quan đến báo chí - truyền thông. Ba chân kiềng bổ sung cho nhau”ông Lê Xuân Trung cho biết.

Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ phân tích, chân kiềng thứ nhất là cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông có thế mạnh về đào tạo chuyên nghiệp, bài bản từ tuyển sinh đầu vào, tổ chức giảng dạy, thi cử, đánh giá sinh viên cho đến cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng thường đào tạo hàn lâm, thiên về lý thuyết, không thể cập nhật những thay đổi nhanh chóng về các sản phẩm báo chí và cũng không đủ phương tiện, điều kiện cho sinh viên thực hành các sản phẩm báo chí, đặc biệt là các sản phẩm báo chí mới.

 

Nhà báo Nguyễn Thu Hà và nhà báo Lê Xuân Trung tại một cuộc Hội thảo trao đổi về câu chuyện đào tạo báo chí - truyền thông trong tình hình mới. Ảnh: Sơn Hải

chân kiềng thứ hai, các cơ quan báo chí sẵn sàng bổ sung cho các trường về phương tiện, điều kiện thực hành các sản phẩm báo chí. Nếu các sản phẩm báo chí của sinh viên đạt yêu cầu có thể xuất bản ngay và đo lường ngay được hiệu quả của các sản phẩm báo chí đó từ phản hồi của người dùng. Các cơ quan báo chí với một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp có thể hướng dẫn, tư vấn, chia sẻ cho sinh viên những kinh nghiệm xương máu trong quá trình hành nghề của họ để sinh viên biết thêm những bài học nghề nghiệp từ lao động phóng viên trong thực tế cuộc sống.

“Sinh viên cũng có cơ hội đến học tập và làm việc trực tiếp tại tòa soạn để hình dung các vị trí công việc và quy trình làm báo được vận hành như thế nào và quen dần với việc thực hiện các sản phẩm báo chí cụ thể hàng ngày”, ông Lê Xuân Trung cho hay.

Chân kiềng thứ ba, theo nhà báo Lê Xuân Trung là các công ty công nghệ ngày càng chi phối hoạt động báo chí nhiều hơn trước đây vì công việc làm báo hiện nay gắn chặt với công nghệ từ phần cứng cho đến phần mềm. Phần cứng không chỉ là máy móc, trang thiết bị bảo đảm cho nhà báo hành nghề mà còn hạ tầng công nghệ để các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả. Phần mềm ngày càng phong phú, đa dạng để các nhà báo và các cơ quan báo chí có sử dụng hàng ngày trong tổ chức, tác nghiệp, xử lý nội dung và xuất bản các sản phẩm báo chí số trên các nền tảng truyền thống lẫn trên không gian mạng.

“Điều đó cho thấy các cơ sở đào tạo hiện nay muốn đi nhanh và đi xa cần hình thành sự liên kết với các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ để tạo nên mạng lưới đào tạo báo chí -  truyền thông liên hoàn trong nghiên cứu và phát triển các mô hình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đang thay đổi rất nhanh về nguồn nhân lực trong ngành báo chí - truyền thông hiện nay”, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, chưa bao giờ nghề báo đòi hỏi nhiều phẩm chất và kỹ năng như bây giờ. Vì thế, việc đào tạo báo chí - truyền thông không thể chỉ tập trung vào các loại hình báo chí truyền thống mà cần hướng đến các sản phẩm đa phương tiện, đa nền tảng và phát huy tính sáng tạo trong cách tiếp cận đề tài lẫn cách trình bày ý tưởng và nội dung báo chí - truyền thông sao cho khác biệt, mới mẻ thường xuyên.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải