Để đáp ứng với yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng ở Yên Bái trong điều kiện tình thế cách mạng đã xuất hiện, đầu tháng 5/1945 Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Ngô Minh Loan lên phụ trách xây dựng khu căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương, bao gồm hai tổng Lương Ca, Giới Phiên thuộc phủ Trấn Yên (Yên Bái) và tổng Động Lâm (Hạ Hòa, Phú Thọ). Nơi đây có khoảng một vạn người các dân tộc: Kinh, Tày, Dao sinh sống, có đường vào Nghĩa Lộ, lên Sơn La, Văn Bàn, Lào Cai; xuống Yên Lập, Hạ Hòa (Phú Thọ) và đường sang thị xã Yên Bái; có ba dãy núi lớn bao bọc, lại tiếp giáp với sông Hồng. Hình thế núi sông rất phù hợp cho việc xây dựng căn cứ cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, công thủ đều thuận lợi, có thể đón được các chiến sĩ cách mạng vượt ngục từ Sơn La, Nghĩa Lộ về đây nghỉ ngơi, học tập trước khi về xuôi nhận nhiệm vụ theo sự phân công của Đảng.
Lúc này ở vùng Yên Bái tiếp giáp với Phú Thọ đã thành lập được ba Chi bộ Đảng: Nang Sa (Hiền Lương), Đan Thượng (Tả Ngạn) và Chi bộ thị xã Yên Bái. Để thống nhất chỉ đạo, Xứ ủy Bắc Kỳ cho hợp nhất ba Chi bộ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư Ban cán sự Đảng kiêm Bí thư Việt Minh ở chiến khu.
Theo chỉ đạo của Trung ương, ban chỉ đạo khởi nghĩa là tỉnh bộ Việt - Minh đóng tại chiến khu Vần - Hiền Lương. Ở các huyện khi đó chưa thành lập Huyện bộ Việt - Minh nhưng đã có tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt - Minh như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc. Mặt trận Việt - Minh đã thu hút được nhiều nhà hữu sản, hào lý tham gia vào các tổ chức cứu quốc. Tháng 3/1945, Mặt trận Việt - Minh cho lực lượng đi phá kho thóc của Nhật ở Hưng Khánh, Khánh Môn, Mỵ, Đồng Khê chia cho dân nghèo, nhân dân càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào Mặt trận Việt - Minh. Hoạt động của Mặt trận Việt - Minh chủ yếu tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ Việt - Minh, vạch trần tội ác của Nhật - Pháp. Ở thị xã Yên Bái, các hội viên cứu quốc đã vận động bà con và viên chức úy lạo tù chính trị bị thương chuyển từ căng Nghĩa Lộ ra nhà thương Yên Bái, dự lễ đưa đám một chiến sĩ cách mạng hy sinh ở đồn điền Lê Đình Độ và nghe ông Trần Đức Sắc, đại diện Việt - Minh nói chuyện về tình thế cách mạng, kêu gọi chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Các hội viên cứu quốc trong các tổ chức của Mặt trận Việt - Minh đã làm được nhiều việc giúp ích cho cách mạng.
Khi quân ta vào giải phóng Nghĩa Lộ, các hội viên cứu quốc của Việt Minh ở thị trấn Nghĩa Lộ như ông Nguyễn Đăng Kỳ (tức Cả Nho), Nguyễn Đăng Long, Bùi Đức Ngạc… đã thuyết phục tri châu Đặng Phúc Lộc và Quản Nhượng cùng binh lính treo cờ trắng tại Ngòi Thia đón giải phóng quân. Nhờ đó Châu Văn Chấn đã giành được chính quyền mau lẹ, ít đổ máu.
Đến giữa năm 1945, cơ sở của Mặt trận Việt Minh đã được mở rộng tới hàng chục làng của Phủ Trấn Yên và Châu Văn Chấn như: Đồng Phú, Vần, Dọc, Vân Hội, Đồng Yếng, Giới Phiên, Hào Gia, Nga Quán, Thiến, Kháo, Âu Lâu, Y Can, Báo Đáp, Lương An, Thượng Bằng La, Đại Lịch… Tất cả các làng đều thành lập được các tổ chức cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thân hào cứu quốc… số hội viên lên tới gần 800 người.
Phong trào phát triển, khí thế quần chúng lên rất cao cùng với tội ác của Nhật - Pháp gây ra cảnh chết đói của rất nhiều người từ miền xuôi lên Yên Bái xin ăn rồi chết rải rác khắp nơi rất thê thảm đã thức tỉnh tinh thần dân tộc, lôi cuốn những người thuộc tầng lớp trên, những nhà hữu sản, hào lý… ngả theo cách mạng, điển hình có ông Trần Đình Khánh là Chánh tổng Lương Ca, ông Đặng Bá Lâu, Chánh hương hội Nang Sa, ông Chánh Lê - Chánh tổng Việt Long, ông Lý Huệ ở Minh Quân (Trấn Yên), ông Bút Tân ở Yên Bình, Chánh Khít ở Lục Yên v.v… đã tích cực ủng hộ giúp đỡ cách mạng.
Tại thị xã Yên Bái, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên do đồng chí Mai Văn Ty làm bí thư đã tích cực hoạt động, củng cố tổ chức quần chúng cứu quốc ở Đề Pô, Thanh niên, Phụ nữ cứu quốc ở phố, xây dựng được cơ sở trong trại bảo an binh, lấy được một số súng chuyển vào chiến khu Vần ủng hộ cách mạng.
Vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang trở nên đặc biệt cấp bách. Tối 14/6/1945, các đồng chí lãnh đạo khu căn cứ tổ chức cuộc mít tinh lớn tại chùa Hiền Lương, có hội viên đoàn thể cứu quốc các làng Hiền Lương, Nang Sa, Vần, Vân Hội tham gia, quyết định thành lập đội du kích Âu Cơ gồm 23 chiến sĩ, trang bị 11 khẩu súng trường, 1 khẩu trung liên và một số vũ khí thô sơ. Ngày 15/6/1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ngô Minh Loan, đơn vị hành quân vào thôn Đồng Yếng (nay thuộc xã Vân Hội, Trấn Yên) tổ chức học tập chính trị, huấn luyện quân sự. Bốn ngày sau đó (19/6/1945) tri phủ Trấn Yên An Văn Tùng và chánh quản Khoát chỉ huy 40 binh lính bảo an theo đường Ngòi Chanh vào Vần để thăm dò lực lượng của ta. Chúng đuổi hết những người trong nhà ông Trần Định Khoát đi và đóng quân ở đó. Được tin, đội du kích Âu Cơ đã hành quân từ Đồng Yếng ra Hạ Bằng La, được ông Lý Nhuận mổ con lợn 30kg khao quân. Khoảng 2 giờ sáng ngày 20/6 quân ta chia làm 5 tổ bao vây địch, trời rạng sáng thì bắt đầu tấn công. Bị bất ngờ, địch bỏ tất cả vũ khí chạy lên rừng. 8 giờ sáng ta kêu gọi chúng ra đầu hàng và buộc tri phủ Trấn Yên phải cam kết thực hiện ba điều: Thả hết tù chính trị đang bị giam giữ ở thị xã Yên Bái, trả lại tiền thuế mà nhân dân tổng Lương Ca đã nộp; không được đem quân đi đàn áp phong trách cách mạng. Sau đó ta cho tri phủ Trấn Yên và toàn bộ binh lính bảo an mang theo vũ khí về phủ. Những binh lính bảo an được thả về trở thành người tuyên truyền chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng và sức mạnh của lực lượng vũ trang ta, làm tăng thêm uy tín, uy thế của cách mạng.
Ngày 25/6/1945 một toán quân Nhật do tên quan hai chỉ huy cùng 20 binh lính và một tên thông ngôn theo đường 13 vào Mỵ, Thanh Bồng tìm diệt cán bộ và lực lượng vũ trang ta. Sau hai ngày lùng sục không có kết quả, ngày 27/6 địch hành quân ra Vần để đi Hiền Lương. Phán đoán đúng đường hành quân của quân Nhật, đồng chí Ngô Minh Loan lệnh cho đội du kích Âu Cơ phục kích ở Đèo Giang, án ngữ đường từ Vân Hội ra Hiền Lương. Chiều hôm đó, khi quân địch lọt vào trận địa phục kích, quân ta đồng loạt nổ súng, diệt tại chỗ 4 tên địch, trong đó có cả tên chỉ huy. Quân ta bảo toàn lực lượng rút về Đồng Yếng. Ngày 28/6 toán quân Nhật còn lại rút ra ga Đoan Thượng và đi tàu về thị xã Yên Bái.
Sáng 30/6/1945, ta tổ chức lễ mừng chiến thắng ở đình Hiền Lương có đủ đại diện các tầng lớp nhân dân trong vùng tham dự. Đồng chí Ngô Minh Loan đã báo cáo về hai chiến thắng quan trọng của quân ta, cảm ơn sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của nhân dân; tại cuộc mít tinh, đồng chí đã thông báo quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ về việc thành lập ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm bí thư, đồng chí: Bình Phương (mới được Xứ ủy cử lên) và đồng chí Trần Quang Bình làm ủy viên. Buổi chiều Ban cán bộ Đảng họp tại nhà ông Đặng Bá Lâu (Nang Sa) quyết định thành lập Ủy ban quân sự cách mạng và cử đồng chí Bình Phương làm chỉ huy trưởng, đồng chí Ngô Minh Loan làm chính ủy.
Từ ngày 30/6/1945, cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái chính thức được thành lập đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc đứng lên tiến hành cuộc cách mạng tháng tám thành công, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Yên Bái vào ngày 22/8/1945 do đồng chí Ngô Minh Loan làm chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc làm phó chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Phúc thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt - Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, ủng hộ giúp đỡ chính quyền cách mạng, sẵn sàng đập tan âm mưu của đế quốc và bọn việt gian phản động, vượt mọi gian khổ, hy sinh, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới.
Như vậy là chưa đầy 3 tháng sau khi được thành lập, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám thành công chỉ sau Thủ đô Hà Nội có 3 ngày trong điều kiện của một tỉnh miền núi địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nhiều dân tộc, cán bộ ít và chưa có nhiều kinh nghiệm. Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công tạo ra bước ngoặt lớn lao mở đầu thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của dân tộc. Nó đập tan sự thống trị của thực dân trong 60 năm, kể từ khi thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị tại Yên Bái, xóa bỏ chế độ phong kiến từ tỉnh đến xã thống trị hàng ngàn năm. Đồng bào các dân tộc từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ quê hương đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Đảng bộ Yên Bái được thành lập trong điều kiện hoạt động bí mật, trở thành đảng bộ lãnh đạo chính quyền trong toàn tỉnh, đội ngũ ngày càng đông đảo, bản lĩnh chính trị vững vàng, có thêm kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng.
Năm tháng sẽ qua đi nhưng sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh và thành công ngay từ những bước đi đầu tiên sau ngày thành lập sẽ thắp sáng mãi ngọn lửa truyền thống vẻ vang, oanh liệt của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, để Đảng bộ mãi mãi là ngọn cờ lãnh đạo đưa tỉnh Yên Bái cùng với cả nước vượt muôn trùng khó khăn, giản khổ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc, công bằng, dân chủ, văn minh.
Ngân Hà
Tin khác: